Xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ an ninh biên giới ở Quan Sơn
Với đặc thù riêng của huyện có 64 km đường biên giới tiếp giáp với 2 huyện Viêng Xay và Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào, Quan Sơn đã xác định thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) phải gắn với bảo vệ an ninh biên giới.
Mô hình nuôi cá tầm thương mại mới hình thành ở xã Sơn Điện.
Là 1 trong 6 huyện nghèo của tỉnh và 1 trong 74 huyện nghèo nhất cả nước, nhưng huyện vùng biên Quan Sơn đã có được quyết tâm cao trong XDNTM. Cả hệ thống chính trị, đặc biệt là với sự đoàn kết, đồng thuận trong đồng bào các dân tộc trên địa bàn, đến nay Chương trình XDNTM bước đầu đã trở thành phong trào sâu rộng, góp phần từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn vùng cao.
Một vùng đồi núi hơn 92.000 ha xen lẫn dân cư với hơn 41 nghìn người thuộc 4 dân tộc Thái, Mường, Kinh và Mông đang ngày càng “sáng - xanh - sạch - đẹp”, văn minh, an toàn theo đúng mục tiêu Chương trình XDNTM huyện đã đề ra. Huyện có Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo - Nậm Xôi và 1 lối mở Kham (xã Tam Thanh) - Piềng Phưa (Sầm Tớ), có 6 xã và 16 bản biên giới nên XDNTM ở đây càng trở nên đặc thù. Tiêu chí an ninh - trật tự được đặc biệt chú trọng để giữ an ninh vùng biên an toàn, bình yên. Tiêu chí sản xuất và thu nhập của người dân vùng biên cũng được huyện tranh thủ nhiều nguồn lực thực hiện trong những năm gần đây với nhiều mô hình sản xuất. Cùng với đó là những tuyến đường, hạ tầng y tế, giáo dục phục vụ Nhân dân, tạo niềm tin với đồng bào về một chương trình lớn làm thay đổi nhiều lĩnh vực ở vùng sâu, vùng xa nơi đây. Trên thực tế, đồng bào vùng biên giới càng khá giả về kinh tế, được học tập nâng cao trình độ nhận thức, được chăm sóc sức khỏe và thụ hưởng nhiều dịch vụ và hệ thống hạ tầng thiết yếu thì càng thuận lợi cho bảo vệ an ninh, không bị các thế lực thù địch lôi kéo.
Quốc lộ 217 xuyên suốt huyện Quan Sơn hơn 60 km đã được Bộ Giao thông - Vận tải đầu tư khang trang và mở rộng, tạo ra sự kết nối liên vùng và sang nước bạn Lào. Đi dọc tuyến giao thông “xương sống” này, các tuyến đường xã, đường thôn cũng được kết nối, kiên cố hóa tạo nên sự lưu thông trong phát triển kinh tế - xã hội. Tư duy sản xuất hàng hóa của người dân trong huyện cũng được nâng cao với nhiều mô hình lúa đặc sản như J02, nếp Cay Nọi, những mô hình nuôi cá hồi, cá tầm... ngày càng phát triển.
Nhà văn hóa nông thôn mới của bản Xuân Sơn xã Sơn Điện được xây dựng theo đặc trưng của đồng bào Thái địa phương.
Theo thống kê từ Huyện ủy Quan Sơn, đến nay địa phương có 2/11 xã đạt chuẩn NTM, trong đó Tam Lư là xã biên giới đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn NTM vào năm 2018. Tỷ lệ thôn, bản đạt chuẩn NTM của Quan Sơn đã đạt 67,5% với 56/84 bản đạt chuẩn NTM, trong đó có 9/83 bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tính riêng các bản nằm trên đường biên giáp nước bạn Lào, hiện đã có 8/16 đơn vị đạt chuẩn NTM. Tuy điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng hơn 2 năm qua huyện đã huy động tổng nguồn vốn trên 139 tỷ đồng cho XDNTM, trong đó vốn huy động trong Nhân dân trên 10 tỷ đồng được quy ra từ hàng chục nghìn ngày công lao động, hiến vật liệu xây dựng, hiến đất... Nhiệm vụ XDNTM ở Quan Sơn đang được thực hiện đồng loạt ở 11 đơn vị xã và 84 thôn, bản trên toàn huyện. Hiện cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn được cải thiện rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, các lĩnh vực như văn hóa, giáo dục, y tế được cải thiện. XDNTM cũng giúp đồng bào trong huyện lưu giữ và phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, là điều kiện để giữ vững an ninh biên giới, tăng cường quan hệ ngoại giao với các cộng đồng dân cư bên kia biên giới của nước bạn. Công tác ngoại giao với các huyện bên nước bạn cũng được chú trọng nhằm xây dựng mối đoàn kết. Mỗi dịp lễ tết truyền thống, đại diện cán bộ và Nhân dân hai bên thường sang chúc mừng, chia sẻ những thành quả trong phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Bí thư Huyện ủy Quan Sơn Lương Thị Hạnh: XDNTM ở đây được xác định mang nét đặc trưng miền núi phù hợp với địa phương, đồng thời phát huy tiềm năng để biến khó khăn thành động lực và lợi thế. Cây vầu, cây nứa, nghề nan thanh cũng như kinh tế từ rừng đang giải bài toán thu nhập cho đồng bào trong huyện. Riêng trong công tác đối ngoại với các huyện nước bạn, tuy còn nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng những năm gần đây huyện Quan Sơn đều hỗ trợ huyện Viêng Xay và Sầm Tớ nhiều công trình và mô hình kinh tế. Theo ký kết biên bản hợp tác, từ năm 2023 hàng năm Quan Sơn hỗ trợ mỗi đơn vị bạn 500 triệu đồng tiền mặt, trong đó có xây dựng một mô hình sản xuất để phát triển kinh tế - xã hội. Hiện tại, huyện đang hỗ trợ huyện Viêng Xay triển khai mô hình trồng lúa nước 60 ha. Nhờ các chương trình tương trợ và chia sẻ lẫn nhau, chính quyền và Nhân dân hai bên biên giới rất đoàn kết, an ninh vùng biên ổn định.
Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, công tác duy trì, nâng cao các tiêu chí XDNTM được huyện quan tâm, thực hiện thường xuyên từ huyện, xã đến thôn, bản. Các cơ chế kích cầu XDNTM giúp đồng bào các dân tộc ở Quan Sơn tích cực tham gia sản xuất, phát triển kinh tế để giảm nghèo bền vững, giữ gìn an ninh - trật tự, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, tham gia bảo vệ quản lý rừng, các tuyến đường biên, cột mốc góp phần trong công tác bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và đảm bảo an ninh biên giới trên địa bàn huyện.