Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển nông nghiệp bền vững

Phát huy những thành tựu đạt được trong mười năm qua, thành phố Đà Lạt tiếp tục triển khai các nhóm giải pháp xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển nông nghiệp bền vững, dựa trên nền tảng nông dân là chủ thể trong quá trình phát triển và hội nhập.

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết ở Đà Lạt đã tạo việc làm ổn định cho 96,8% lao động nông thôn

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết ở Đà Lạt đã tạo việc làm ổn định cho 96,8% lao động nông thôn

TĂNG THU NHẬP LÊN 48,2 TRIỆU ĐỒNG/NGƯỜI/NĂM

Nhìn lại 10 năm trước, thành phố Đà Lạt bắt đầu triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 4 xã Tà Nung, Xuân Thọ, Xuân Trường và Trạm Hành, mỗi xã chỉ mới đạt từ 6 - 13/19 tiêu chí nông thôn mới. Cụ thể, không có xã nào đạt tiêu chí về quy hoạch, giao thông, nhà văn hóa xã; tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp chủ động nước tưới mới đạt từ 70 - 80%. Tất cả 4 xã có 149 hộ nghèo gồm Tà Nung (96 hộ), Xuân Trường (24 hộ), Xuân Thọ (22 hộ), Trạm Hành (7 hộ).

Và mười năm sau - tính đến cuối năm 2020 - thành phố Đà Lạt đã tập trung các giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, đã tạo bước thay đổi vượt bậc diện mạo nông thôn mới và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn. Cụ thể, đến thời điểm này 4 xã nông thôn mới nói trên của thành phố Đà Lạt đã không còn hộ nghèo. Thu nhập bình quân hơn 48,2 triệu đồng/người/năm, gấp 2,7 lần so với mười năm trước đó. Đã có 11 hợp tác xã nông nghiệp xây dựng và phát triển chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp chủ động nước tưới đạt tỷ lệ lên đến 98,5%, tăng 18,5% so với lúc bắt đầu triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Kết quả sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã góp phần tạo việc làm ổn định cho 96,8% dân số trong độ tuổi lao động. Tính chung trong mười năm 2011 - 2020, nông dân 4 xã nông thôn mới của thành phố Đà Lạt đã đối ứng gần 52,8 tỷ đồng, hiến 3,5 ha đất và đóng góp 1.674 ngày công lao động để xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn.

ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC

“Tuy nhiên, trong mười năm qua, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Đà Lạt vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Đó là cơ cấu kinh tế nông nghiệp của 4 xã chịu sự tác động của giá cả thị trường biến động, tỷ lệ nông sản qua chế biến còn thấp, chất lượng chưa đồng đều, sản phẩm chưa đa dạng, nên thu nhập người dân vẫn chưa ổn định…”, UBND thành phố Đà Lạt đánh giá. Theo đó, mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là việc liên kết, xúc tiến tìm kiếm đầu ra cho nông sản. Nguyên nhân là thực trạng sản xuất nông nghiệp của các xã nông thôn mới Đà Lạt vẫn còn phần lớn quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, đất đai manh mún. Trong khi đó, việc thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp, nhất là lĩnh vực liên kết và chế biến nông sản ở các xã nông thôn mới vẫn gặp nhiều hạn chế. Bởi vậy, mục tiêu đến năm 2025, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, thành phố Đà Lạt chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, triển khai mạnh mẽ chương trình du lịch nông thôn, mỗi xã một sản phẩm; thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi tư duy của người dân về phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, từ đó đưa nền nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh và nâng cao chất lượng nông sản.

Với định hướng xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển nông nghiệp bền vững nêu trên, thành phố Đà Lạt phấn đấu 4/4 xã đạt các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, tiếp tục không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 1,5 lần kể từ thời điểm công nhận xã nông thôn mới; 80% trở lên tuyến đường xã, thôn có hệ thống mương thoát nước và trồng cây bóng mát hoặc trồng hoa, cây cảnh.

Những nhóm giải pháp trọng tâm, trọng điểm để đạt các mục tiêu nêu trên, thành phố Đà Lạt cần thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực, thực hiện hiệu quả các chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ chương trình OCOP, áp dụng công nghệ chế biến vừa và nhỏ. Đồng thời, tăng cường vận động các tổ chức kinh tế hỗ trợ cùng người dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, phát huy vai trò làm chủ theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn.

VĂN VIỆT

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202112/xay-dung-nong-thon-moi-gan-voi-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-3092766/