Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển nông nghiệp bền vững

Năm 2024 là năm cuối cùng để phấn đấu hoàn thành mục tiêu của cả giai đoạn 2021-2025. Theo đó, ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp Đồng Nai đã đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GRDP nông - lâm - thủy sản từ 3-5%. Trong đó, tập trung thực hiện các mục tiêu đột phá, quan trọng của ngành như: nông nghiệp công nghệ cao (CNC), nông nghiệp hữu cơ, thu hút đầu tư chế biến sâu…

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (thứ 2 từ trái qua) cùng các đại biểu thăm gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Đồng Nai nhân dịp tổ chức Lễ Công bố huyện Xuân Lộc đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao. Ảnh: B.Nguyên

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (thứ 2 từ trái qua) cùng các đại biểu thăm gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Đồng Nai nhân dịp tổ chức Lễ Công bố huyện Xuân Lộc đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao. Ảnh: B.Nguyên

Trong xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng đạt nhiều thành quả ấn tượng. Đến nay, toàn tỉnh có 2 huyện về đích huyện NTM nâng cao. Toàn tỉnh đã có 106 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 30 xã NTM kiểu mẫu. Về tiến độ thực hiện huyện NTM nâng cao năm 2024, các huyện: Thống Nhất, Cẩm Mỹ và Vĩnh Cửu đang trong giai đoạn hoàn thành hồ sơ minh chứng đạt chuẩn huyện NTM nâng cao năm 2024.

Nhiều thành quả ấn tượng

Từ đầu năm 2024 đến nay, nông dân trồng sầu riêng và các loại cây ăn trái chủ lực xuất khẩu khác đạt lợi nhuận tốt nhờ thị trường xuất khẩu trái cây tiếp tục được đẩy mạnh. Đặc biệt, với trái sầu riêng, suốt vụ thu hoạch, nông dân luôn bán được với giá cao, từ 45-80 ngàn đồng/kg nên 1 hécta trồng sầu riêng, nông dân thu lợi nhuận tiền tỷ. Uy tín về chất lượng trái cây tươi nói riêng, nông sản trên địa bàn tỉnh nói chung ngày càng được khẳng định khi tham gia thị trường quốc tế.

Có được kết quả ấn tượng trên nhờ thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung xây dựng những vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 127 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đối với nông sản chủ lực của tỉnh với tổng diện tích gần 40,7 ngàn hécta, trong đó 8 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC với quy mô gần 1,6 ngàn hécta về sản phẩm lúa, xoài, bưởi, sầu riêng... Các vùng sản xuất đã ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: sử dụng giống có năng suất, chất lượng cao; áp dụng hệ thống tưới tự động, bán tự động; sử dụng chế phẩm sinh học phòng trừ dịch hại; áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất đến thu hoạch...

Đặc biệt, đến nay, toàn tỉnh có 419 mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC; đã hình thành 8 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Tỷ lệ lao động tại các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, trang trại ứng dụng CNC được đào tạo, tập huấn đạt gần 92,7%. Toàn tỉnh có hơn 885,5 hécta đất sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đạt gần 0,5% trên tổng diện tích sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh cũng hình thành 15 vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ với quy mô 1.555 hécta; có 9 mô hình đạt chứng nhận hữu cơ với tổng diện tích gần 29 hécta; 107 mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Lâm Sinh, các doanh nghiệp tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt, thâm nhập sâu hơn, kết nối tốt hơn các vùng trồng, hỗ trợ việc giám sát trong quá trình sản xuất. Quan trọng, doanh nghiệp đã hợp tác, gắn kết với hợp tác xã, nông dân trong xây dựng mã số vùng trồng, giúp minh bạch sản phẩm, tăng niềm tin của thị trường quốc tế với nông sản Việt.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã được các nước nhập khẩu cấp 18 mã vùng trồng và 7 mã số cơ sở đóng gói chuối, sầu riêng xuất khẩu. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 189 mã số vùng trồng với quy mô gần 28 ngàn hécta và 93 cơ sở đóng gói được cấp mã số để phục vụ xuất khẩu đi các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Australia, New Zealand…

Xuất khẩu trong lĩnh vực chăn nuôi cũng ngày càng khởi sắc. Toàn tỉnh đã xây dựng 3 vùng chăn nuôi tại các huyện: Tân Phú, Long Thành, Xuân Lộc đáp ứng điều kiện xuất khẩu. Đặc biệt, chuỗi sản phẩm gà chế biến của Công ty TNHH Koyu & Unitek (thành phố Biên Hòa) xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đạt khoảng 300 tấn/tháng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đánh giá, các xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đợt 1-2024 đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, góp phần thay đổi lớn diện mạo vùng nông thôn. Đặc biệt, thu nhập bình quân của người dân nông thôn các xã NTM kiểu mẫu đạt cao. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người của xã Phú Tân đạt trên 90 triệu đồng/năm; xã Xuân Hòa năm 2023 đạt hơn 88,8 triệu đồng...

Vượt khó, đạt kết quả cao trong xây dựng nông thôn mới

Theo Bộ tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, các yêu cầu để đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đặt ra cao hơn nhiều so với giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, năm 2024, UBND tỉnh giao chỉ tiêu cao; đặc biệt phấn đấu 3 huyện Thống Nhất, Cẩm Mỹ và Vĩnh Cửu về đích huyện NTM nâng cao năm 2024. Đây là thách thức không nhỏ đối với các địa phương.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có thêm 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Huyện Định Quán đã được Hội đồng Thẩm định NTM tỉnh bỏ phiếu đồng thuận đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xem xét, thẩm định, công nhận đạt chuẩn huyện NTM nâng cao năm 2023.

Theo Chủ tịch UBND huyện Định Quán Trần Nam Biên, huyện đã chủ động ban hành chính sách hỗ trợ linh hoạt, thực hiện xã hội hóa phù hợp với điều kiện cụ thể của từng xã để huy động nguồn lực đầu tư cho hạ tầng. Đặc biệt, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những mục tiêu chính trong xây dựng NTM nâng cao của địa phương. Huyện tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, gắn với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu. Nhờ đó, giá trị sản xuất trên một hécta đất canh tác không ngừng được nâng cao, hiện đạt hơn 196,3 triệu đồng/hécta, cao hơn mức bình quân của tỉnh.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có thêm 3 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu, gồm: Phú Tân (huyện Định Quán), Xuân Thành và Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc). Điều ấn tượng, đây đều là các xã vùng sâu, vùng xa với xuất phát điểm thấp nhưng lại về đích sớm trong xây dựng NTM kiểu mẫu. Các xã trên không chỉ tập trung vào phát triển sản xuất, mà chọn kiểu mẫu về y tế, chuyển đổi số gắn với mục tiêu ứng dụng công nghệ số trong xây dựng NTM để phát triển kinh tế nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên nhấn mạnh, huyện phấn đấu đến cuối năm 2024, đầu năm 2025 hoàn thành mục tiêu huyện NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển hàng hóa nông nghiệp bền vững. Hậu xây dựng NTM kiểu mẫu, các địa phương trên địa bàn huyện tiếp tục xây dựng NTM thông minh gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và xã hội số trong xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Tiêu biểu, đến nay, xã Xuân Hòa có 2 sản phẩm chủ lực là xoài và thanh long. Trong đó, sản phẩm xoài đã ứng dụng chuyển đổi số để truy xuất nguồn gốc và được bán qua kênh thương mại điện tử, được quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu tập trung. Xã Xuân Thành có 3 loại cây chủ lực là: nhãn, xoài và rau màu đều đã được bán qua các kênh thương mại điện tử. Nhiều sản phẩm OCOP của các địa phương trên cũng tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, được quảng bá và bán trên các kênh thương mại điện tử. Ngoài ra, các địa phương trên hỗ trợ nông dân tích cực ứng dụng công nghệ mới trong hệ thống tưới, bón phân tiết kiệm. Trong chăn nuôi thực hiện xử lý chất thải bằng hầm composite; phương pháp chăn nuôi sạch nhằm hạn chế dịch bệnh, nâng cao hiệu quả sản xuất...

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202408/xay-dung-nong-thon-moi-gan-voi-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-21e1d9c/