Xây dựng nông thôn mới: Gặp khó trong thực hiện tiêu chí thủy lợi

Bộ tiêu chí xã nông thôn mới (NTM) nâng cao, huyện NTM, giai đoạn 2021 - 2025 đặt ra yêu cầu cao hơn so với giai đoạn trước nên các địa phương gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện và hoàn thành các tiêu chí, nhất là tiêu chí số 3 về thủy lợi và phòng, chống thiên tai.

Khó hoàn thành chỉ tiêu

Xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) là một trong 33 xã đăng ký về đích NTM nâng cao giai đoạn 2024 - 2025. Tuy nhiên, địa phương gặp khó trong thực hiện tiêu chí thủy lợi và phòng, chống thiên tai. Bí thư Đảng ủy xã Hành Thuận Lê Quang Nhu cho biết, tiêu chí số 3 về thủy lợi và phòng, chống thiên tai có 6 chỉ tiêu. Trong đó, chỉ tiêu 3.3 quy định tỷ lệ diện tích cây trồng chủ lực của địa phương được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước từ 20% trở lên rất khó hoàn thành.

Bởi chi phí đầu tư hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước rất cao và phải đồng bộ, trong khi điều kiện sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, giá bán nông sản bấp bênh. Vậy nên, chỉ có một số ít hộ, hoặc hợp tác xã, doanh nghiệp có vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đầu ra ổn định thì mới có điều kiện đầu tư sử dụng hệ thống này.

Chưa có phương án bảo vệ đối với hệ thống công trình thủy lợi liên xã nên huyện Mộ Đức chưa hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định huyện nông thôn mới. Trong ảnh: Hệ thống kênh mương liên xã Đức Phong - Đức Lân (Mộ Đức).

Chưa có phương án bảo vệ đối với hệ thống công trình thủy lợi liên xã nên huyện Mộ Đức chưa hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định huyện nông thôn mới. Trong ảnh: Hệ thống kênh mương liên xã Đức Phong - Đức Lân (Mộ Đức).

Chỉ tiêu 3.3 quy định đối tượng được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước phải là cây trồng chủ lực của địa phương. Tuy nhiên, tại một số địa phương, tỷ lệ diện tích cây trồng cạn được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cao hơn 20%, nhưng không phải là đối tượng chủ lực. Vì vậy, dù tỷ lệ cây trồng cạn được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh đạt hơn 42% (khoảng 11,2/26,6 nghìn héc ta), nhưng phần lớn diện tích cây trồng lại ngoài diện chủ lực. Bên cạnh đó, hạ tầng thủy lợi nội đồng chưa đảm bảo, tỷ lệ diện tích cây trồng cạn được tưới chủ động bằng công trình thủy lợi (CTTL) do Nhà nước đầu tư còn thấp; phần lớn do người dân tự đầu tư giếng đào, giếng khoan, máy bơm...

Chủ tịch UBND xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) Phạm Thị Bích Hoa cho biết, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước là cần thiết nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Tuy nhiên, để áp dụng hình thức tưới này trên đối tượng cây trồng chủ lực của mỗi địa phương, bên cạnh việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung, cần đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có hệ thống thủy lợi nội đồng đảm bảo nhu cầu nước tưới. Toàn tỉnh hiện có hơn 3.000km kênh mương nội đồng, nhưng chỉ có khoảng 203km được kiên cố.

Vướng thủ tục

Sau thời gian nỗ lực thực hiện, đến nay, huyện Mộ Đức cơ bản hoàn thành 36 chỉ tiêu, thuộc 9 tiêu chí huyện NTM. Tuy nhiên, đến nay huyện chưa thể hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình cơ quan chức năng thẩm định, vì thiếu Báo cáo phương án bảo vệ CTTL.

Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân cho biết, chỉ tiêu 3.1 thuộc tiêu chí số 3 quy định “Hệ thống thủy lợi liên xã đồng bộ với hệ thống thủy lợi các xã theo quy hoạch”, trong đó yêu cầu hệ thống thủy lợi của hệ thống kênh tưới, tiêu phải có phương án bảo vệ. Tuy nhiên, hệ thống thủy lợi liên xã được tỉnh phân cấp cho Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL Quảng Ngãi quản lý, khai thác. Đến nay, đơn vị này chưa cung cấp Báo cáo phương án bảo vệ CTTL được duyệt để huyện bổ sung hồ sơ minh chứng chỉ tiêu 3.1 theo yêu cầu của Bộ NN&PTNT.

Về vấn đề này, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL Quảng Ngãi Hà Thế Vinh cho biết, ngoài hồ chứa nước Hóc Sầm và Mạch Điểu, 28 CTTL liên xã trên địa bàn huyện Mộ Đức do công ty quản lý vẫn chưa triển khai thực hiện phương án bảo vệ. Bởi, theo Điều 19, Thông tư Số 05/2018 ngày 15/5/2018 của Bộ NN&PTNT quy định các trường hợp phải cắm mốc chỉ giới, trong đó có kênh có lưu lượng nước từ 5m3/s trở lên hoặc chiều rộng đáy kênh từ 5m trở lên; đồng thời, giao UBND cấp tỉnh quyết định trường hợp phải cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ CTTL khác trên địa bàn.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, tỉnh chưa có quy định cắm mốc đối với các trường hợp ngoài quy định tại Điều 19 của Thông tư 05. Bên cạnh đó, công ty cũng chưa có kinh phí để triển khai xây dựng và thực hiện phương án bảo vệ đối với nhiều CTTL trên địa bàn huyện Mộ Đức nói riêng, toàn tỉnh nói chung.

Để khắc phục tình trạng nói trên, Sở NN&PTNT kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL Quảng Ngãi ưu tiên các nguồn lực khẩn trương tổ chức lập phương án bảo vệ CTTL liên xã trên địa bàn huyện Mộ Đức gửi Sở NN&PTNT thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, rà soát việc thực hiện quy định về phương án bảo vệ CTTL theo quy định của Luật Thủy lợi đối với các hệ thống thủy lợi liên xã trên địa bàn huyện Mộ Đức do công ty quản lý, khai thác. Riêng các CTTL không thuộc trường hợp phải cắm mốc chỉ giới theo quy định tại Điều 19, Thông tứ 05 thì chưa thực hiện cắm mốc.

Bài, ảnh: MỸ HOA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/kinh-te/202408/xay-dung-nong-thon-moigap-kho-trong-thuc-hien-tieu-chi-thuy-loi-7710bf3/