Xây dựng nông thôn mới: Gặt hái thêm nhiều trái ngọt

Năm 2023, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, đoàn kết của nhân dân nên nhiều xã, huyện trong tỉnh đã về đích nông thôn mới đúng hẹn.

Mặc dù không đăng ký đạt chuẩn nhưng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, xã Vô Tranh (Phú Lương) đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2023.

Mặc dù không đăng ký đạt chuẩn nhưng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, xã Vô Tranh (Phú Lương) đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2023.

Năm 2023, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh gặp những khó khăn nhất định, như: Trong 10 xã đăng ký đạt chuẩn NTM thì có tới 5 xã đặc biệt khó khăn, các xã còn lại đều thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 có nhiều tiêu chí, chỉ tiêu mới với yêu cầu cao hơn ở các cấp độ NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, huyện NTM; hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện của các bộ, ngành chức năng chưa đồng bộ...

Trước những khó khăn trên, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp “gỡ khó” nhằm tạo thuận lợi cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM.

Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM của tỉnh, cho biết: Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh đã tập trung chỉ đạo một cách quyết liệt, như: Phân giao cho các sở, ngành phụ trách chỉ tiêu, tiêu chí ở các xã; phân bổ nguồn vốn, xi măng ngay từ đầu năm để các địa phương chủ động trong triển khai thực hiện. Đồng thời thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc; thành lập các đoàn kiểm tra để làm việc với các địa phương nhằm nắm bắt tiến độ, kịp thời giải quyết những vướng mắc.

Những năm gần đây, xã Huống Thượng (TP. Thái Nguyên) tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Trong ảnh: Mô hình trồng hoa Ly được triển khai trên đồng đất của xã. Ảnh: T.L

Những năm gần đây, xã Huống Thượng (TP. Thái Nguyên) tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Trong ảnh: Mô hình trồng hoa Ly được triển khai trên đồng đất của xã. Ảnh: T.L

Cùng với các giải pháp của tỉnh, các huyện, xã đăng ký về đích NTM trong năm 2023 cũng đã tập trung khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai xây dựng NTM. Đơn cử như tại xã Linh Thông, 1 trong 5 xã đăng ký về đích NTM của huyện Định Hóa, mặc dù khi bắt đầu phấn đấu về đích NTM trong năm 2023 xã mới đạt 14/19 tiêu chí, nhưng đến nay địa phương đã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Để có được kết quả này, bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để huy động sự chung sức, đồng lòng của người dân nhằm thực hiện hiệu quả các tiêu chí.

Ông Lưu Viết Viên, Chủ tịch UBND xã Linh Thông, cho biết: Cái lo nhất của chúng tôi khi bước vào xây dựng NTM năm 2023 là việc huy động sự đóng góp của nhân dân, bởi xã vẫn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Trước thực tế trên, xã đã đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng NTM. Công tác truyền thông được triển khai bằng nhiều hình thức khác nhau, như truyền thông trực tiếp, lồng ghép tại các cuộc họp xóm, các chương trình tập huấn, qua hệ thống loa truyền thanh... với tổng số 450 tin, bài, 37 phóng sự và 45 băng zôn, khẩu hiệu. Nhờ vậy, trong năm 2023, xã đã huy động nhân dân đóng góp được gần 65 tỷ đồng, hiến trên 12.000m2 đất và đóng góp hơn 4.500 ngày công lao động tham gia xây dựng NTM.

Nhân dân xóm Nà Chát, xã Linh Thông (Định Hóa) tích cực hiến đất và đóng góp công sức làm đường bê tông. Ảnh: T.L

Nhân dân xóm Nà Chát, xã Linh Thông (Định Hóa) tích cực hiến đất và đóng góp công sức làm đường bê tông. Ảnh: T.L

Còn đối với xã Yên Trạch (Phú Lương), khi bắt tay vào thực hiện kế hoạch xây dựng NTM năm 2023, tiêu chí được xã xác định khó khăn nhất là giảm hộ nghèo. Bởi tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã khi đó vẫn chiếm gần 50% trong tổng số trên 1.700 hộ.

Ông Nguyễn Văn Biểu, Chủ tịch UBND xã Yên Trạch, chia sẻ: Để giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn dưới 12% vào cuối năm 2023, ngay từ đầu năm, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo tập trung đẩy mạnh xây dựng và triển khai các mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, như các mô hình: Trồng cây dược liệu; chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, sinh sản; chăn nuôi gà theo hướng hàng hóa...

Cùng với đó, xã cử cán bộ xuống tìm hiểu hoàn cảnh của từng hộ nghèo để có những phương án giúp đỡ, như: Kết nối với các hợp tác xã nông nghiệp, các cơ sở chế biến gỗ để giải quyết việc làm cho các thành viên trong gia đình; tư vấn, hướng dẫn con em trong độ tuổi lao động đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp. Nhờ đó, theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo của xã Yên Trạch hiện đã giảm xuống dưới 12%...

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh và sự vào cuộc tích cực của các huyện, xã nên Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, cụ thể như: Số xã đạt chuẩn NTM là 10 xã, lũy kế đến nay toàn tỉnh có 118/126 xã đạt chuẩn NTM (đạt tỷ lệ 93,7%); 16 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, vượt 4 xã so với kế hoạch, lũy kế có 33 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 6 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, vượt 2 xã so với kế hoạch, lũy kế có 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 2 huyện đạt chuẩn NTM là Định Hóa và Đại Từ, vượt 1 huyện so với kế hoạch, lũy kế có 6 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (đạt tỷ lệ gần 67%)...

Từ những kết quả đạt được năm 2023, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh đặt mục tiêu trong năm 2024 có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM, 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, huyện Phú Lương được công nhận đạt chuẩn NTM.

Tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn lồng ghép, vốn huy động từ người dân, doanh nghiệp thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 đạt trên 2.088 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là trên 277 tỷ đồng; ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, xã) là trên 891 tỷ đồng, số còn lại được huy động từ nhiều nguồn khác nhau.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-trong-tinh/202312/xay-dung-nong-thon-moi-gat-hai-them-nhieu-trai-ngot-6261285/