Xây dựng nông thôn mới năm 2023 ở Hàm Thuận Nam: Nỗ lực với cơ sở vật chất trường học theo Thông tư 13
Giải ngân tốt
Thời điểm này, khi chỉ còn gần 1 tháng nữa là kết thúc năm 2023, huyện Hàm Thuận Nam “thong thả” hơn trong giải ngân vốn đầu tư đạt kế hoạch đề ra. Vì trước đó, trong cuộc họp toàn tỉnh về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, huyện Hàm Thuận Nam được xếp đứng đầu trong nhóm giải ngân vốn đầu tư công tốt trong tỉnh. Tiếp đó, tại báo cáo tình hình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đến ngày 10/11/2023, các nhiệm vụ trọng tâm 2 tháng cuối năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư có kiến nghị biểu dương các đơn vị có kết quả giải ngân năm 2022 tốt và phê bình các đơn vị có kết quả giải ngân thấp. Theo đó, trên cơ sở tổng hợp kết quả giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 và năm 2023 của các sở, ngành và địa phương đến ngày 10/11/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất UBND tỉnh biểu dương các đơn vị giải ngân năm 2022 đạt trên 75% kế hoạch. Trong đó, UBND huyện Hàm Thuận Nam giải ngân đạt 82,96% kế hoạch, cao nhất tỉnh.
Trường tiểu học Tân Thuận 1, Hàm Thuận Nam. Ảnh N. Lân.
Nhờ đâu, việc giải ngân vốn của Hàm Thuận Nam đạt cao? Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam cho biết, trước đó, huyện chỉ đạo các phòng ban khảo sát, rà soát những công trình bức xúc, trọng tâm, trọng điểm trên địa bàn huyện rồi tiến hành thực hiện hồ sơ thủ tục tập hợp của cả giai đoạn 2021- 2025. Nhờ vậy, khi phân khai vốn hàng năm thì có địa chỉ cụ thể, rõ ràng và sau đó, các công trình được triển khai đồng loạt sớm. Đồng thời đó, huyện theo sát tháo gỡ vướng mắc, đốc thúc nhà thầu đẩy mạnh thi công theo tiến độ; tăng cường công tác nghiệm thu quyết toán vốn đầu tư các công trình…
Điều đáng chú ý, trong năm 2023, việc đầu tư công trên địa bàn huyện tập trung vào các công trình thuộc 2 lĩnh vực chính là trường học và giao thông. Nếu lĩnh vực giao thông có tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của huyện và tỉnh phân bổ là 38,578 tỷ đồng thì lĩnh vực giáo dục có đến 53,853 tỷ đồng. Cụ thể, có 1 công trình chuyển tiếp đã hoàn thành đưa vào sử dụng; còn 19 công trình mới khởi công trong năm thì có 11 công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, còn 8 công trình đang thi công, sẽ kịp xong trong năm âm lịch. Các công trình trường học này được phân bổ ở nhiều xã khác nhau trong huyện. Trong đó 2 xã sẽ về đích nông thôn mới (Tân Lập) và nông thôn mới nâng cao (Hàm Cường) vào năm 2023 thì được đầu tư hầu hết những trường học còn lại đạt chuẩn theo Thông tư 13/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo để đạt tiêu chí về trường học.
Hoàn chỉnh trường học
Kết quả trên đã góp phần giúp cơ sở vật chất trường học ở các xã trong huyện đang xây dựng nông thôn mới tiến tới đạt yêu cầu đề ra trong thực hiện tiêu chí số 5. Điều đó, với nhiều xã như là hoàn tất, hoàn thành công đoạn cuối của các tiêu chí liên quan đến trường học là tiêu chí 14 và 5 trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Vì trước đó, những yêu cầu khác của tiêu chí 14 về giáo dục đào tạo như phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, xóa mù chữ, tỷ lệ học sinh (áp dụng đạt cho cả nam và nữ) tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học (phổ thông, giáo dục thường xuyên, trung cấp), các xã trong huyện đã nỗ lực thực hiện xong. Riêng tiêu chí 5 về tỷ lệ trường học các cấp (mầm non, tiểu học, THCS; hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THCS) đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất theo quy định là chưa thể.
Trường THCS Tân Lập, Hàm Thuận Nam. Ảnh N. Lân.
Nhất là theo yêu cầu của Thông tư 13/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì công trình phục vụ hoạt động chăm sóc trẻ em cao tối đa 3 tầng, phải bảo đảm điều kiện cho trẻ em khuyết tật sử dụng được; tổng diện tích đất sử dụng để xây trường sẽ được xác định dựa trên số nhóm, lớp, số trẻ em với mức bình quân 12 m2/trẻ hoặc mức tối thiểu 10 m2/trẻ với những trường hợp quỹ đất hạn chế. Ngoài ra, thông tư cũng quy định trường mầm non phải có quy mô tối thiểu là 9 nhóm, lớp và tối đa là 20 nhóm, lớp; riêng với các khu vực khó khăn, vùng sâu, xa thì trường phải có quy mô tối thiểu là 5 nhóm, lớp; một địa phương chỉ được bố trí tối đa là 5 điểm trường, đối với các xã thuộc vùng khó khăn thì được bố trí tối đa 8 điểm trường.
Và với tiêu chí số 5 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao với yêu cầu cao hơn là 100% trường học các cấp (mầm non, tiểu học, THCS, hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THCS) đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1 và có ít nhất 1 trường đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2… thì càng khó hơn. Đó là bài toán mà 2 xã về đích nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao năm 2023 đang rất lo không biết có đạt không, dù đã nỗ lực hoàn tất thi công các trường học đang xây dựng vào ngày 20/12 tới.
Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hàm Thuận Nam, đơn vị đang làm tờ trình và báo cáo UBND huyện. Sau đó, mới đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá, thẩm định tiêu chí trường học của 2 xã Tân Lập, Hàm Cường có đạt chuẩn không, nhất là cơ sở vật chất trường học theo đúng yêu cầu của Thông tư 13 hay không. Trong thời gian qua, việc thực hiện các tiêu chí 14, 5 trong xây dựng nông thôn mới và tiêu chí 5 trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, toàn huyện đã nỗ lực và đến giờ này, thêm nhiều xã khác, ngoài 2 xã trên đang về đích hoàn thiện cơ sở vật chất trường học.
Từ khi Thông tư 13/2020 quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, có hiệu lực thì Hàm Thuận Nam vừa phải sửa chữa, bổ sung xây dựng hầu hết các công trình trường học hiện có trên địa bàn vừa xây dựng mới nhiều trường học khác đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia. Bên cạnh phục vụ nhu cầu học tập của học sinh, đây còn là tiêu chuẩn đặt ra trong xây dựng nông thôn mới đạt chuẩn. Vì thế, từ năm 2021 đến nay, vốn đầu tư dành cho các công trình trường học của huyện đều nhiều nhất, sau đó mới đến công trình giao thông.