Xây dựng nông thôn mới nâng cao - đâu là giải pháp?

Bài 1: Chuyện ở các xã điểm

LCĐT - Nhằm nâng cao chất lượng trong xây dựng nông thôn mới, ngày 11/6/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1715 về ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao tỉnh Lào Cai giai đoạn 2018 - 2020. Xã Quang Kim (huyện Bát Xát) và xã Văn Sơn (huyện Văn Bàn) được lựa chọn làm điểm để rút kinh nghiệm, nhân rộng ra toàn tỉnh.

Cái khó ở Văn Sơn

Là xã đầu tiên của huyện Văn Bàn “về đích” nông thôn mới vào năm 2014, xã Văn Sơn đang duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt. Hơn 5 năm qua, những tuyến đường bê tông liên thôn, ngõ xóm vẫn kiên cố, bền vững, sạch đẹp. Hai bên đường, nhiều hàng hoa, cây xanh được trồng, cắt tỉa thường xuyên tạo cảnh quan đẹp mắt. Người dân cũng tự giác nâng cấp, sửa chữa nhà ở đạt chuẩn. Các công trình phụ như nhà tiêu, nhà tắm, bể nước sinh hoạt… được xây dựng đảm bảo hợp vệ sinh. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 34,3 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,86%. Theo kết quả rà soát các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, xã Văn Sơn đã hoàn thành 17/18 tiêu chí.

Lãnh đạo xã Quang Kim (giữa ảnh) vận động người dân giữ vệ sinh môi trường nông thôn.

Lãnh đạo xã Quang Kim (giữa ảnh) vận động người dân giữ vệ sinh môi trường nông thôn.

Tuy nhiên, theo chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã Văn Sơn còn 1 tiêu chí chưa hoàn thành là tiêu chí số 13 về phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, việc xây dựng sản phẩm OCOP đang khó khăn bởi các sản phẩm đặc thù của địa phương còn manh mún, nhỏ lẻ. Sản xuất hàng hóa chưa tập trung, nên đến nay xã chưa chọn được sản phẩm phù hợp để xây dựng sản phẩm OCOP.

Từng có thời điểm lãnh đạo xã Văn Sơn có ý tưởng đưa vào xem xét, xây dựng cây mía tím thành sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, khi đối chiếu với các tiêu chí xây dựng sản phẩm OCOP thì gặp khó khăn về những vấn đề như quy mô sản xuất, tính độc đáo, khả năng áp dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, khả năng cung ứng cho thị trường với số lượng lớn, ổn định, lâu dài... Vậy là cây mía tím Văn Sơn chưa đáp ứng được những điều kiện này, nên đến giờ xã vẫn loay hoay trong việc tìm sản phẩm riêng.

Bên cạnh đó, còn một số tiêu chí địa phương cần quan tâm và nâng cao như giao thông, văn hóa. Về tiêu chí giao thông, hầu hết các tuyến đường trục thôn trên địa bàn được đầu tư từ năm 2012 và năm 2013, chiều rộng khoảng 2 - 2,5m, chỉ phù hợp với xe máy. Để xe ô tô có thể đi lại chuyên chở hàng hóa cần được đầu tư mở rộng. Ngoài ra, trong tiêu chí văn hóa, từ tháng 8/2018, thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, bản, xã đang gặp phải tình trạng nhà văn hóa thôn không còn phù hợp sau khi sáp nhập.

Ông Vũ Quang Trung, Trưởng thôn Xuân Trung cho biết: Sau khi thôn Trung Sơn và thôn Xuân Sơn sáp nhập thành thôn Xuân Trung, cả thôn có 155 hộ. Trước đây, nhà văn hóa thôn Xuân Sơn là nơi sinh hoạt của khoảng 70 hộ thì nay không thể đáp ứng nhu cầu sau khi sáp nhập do chật hẹp. Ông Trung cho biết, có thời điểm phải họp thôn ngoài sân vì thiếu chỗ ngồi.

Ghi nhận ở Quang Kim

Quang Kim là xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của huyện Bát Xát và của tỉnh vào năm 2013. Những điều kiện, tiền đề vững chắc của xây dựng nông thôn mới giúp Quang Kim được tỉnh lựa chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới nâng cao. Hiện thu nhập của người dân trên địa bàn xã đạt 35,75 triệu đồng/người/năm (tăng 11,2 triệu đồng so với khi mới đạt chuẩn), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,82%. Đến nay, xã đã đạt 14/18 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, những tiêu chí chưa đạt đều là tiêu chí khó gồm: Nhà ở dân cư, phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập, giáo dục, y tế. Để thực hiện các tiêu chí, Quang Kim đã đưa ra nhiều giải pháp và có những cách làm cụ thể cho từng tiêu chí.

Ông Trần Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Quang Kim cho biết: Để “về đích” nông thôn mới vào năm 2013, xã đã huy động và tận dụng tối đa mọi nguồn lực. Sau “về đích”, nguồn lực hỗ trợ không còn, nguồn lực huy động từ sức dân cần tính toán phù hợp nên để nâng cao các tiêu chí, tiến đến xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã vẫn đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp.

Trong tiêu chí y tế, xã mới đạt 1/2 chỉ tiêu, trong đó tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế mới dừng ở mức 61,6%, chưa đạt tiêu chuẩn. Nguyên nhân là do đặc thù vùng nông thôn, địa bàn có đông người dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống người dân tuy đã được cải thiện nhưng so với mặt bằng chung còn khó khăn nên việc tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện không liên tục, nhiều hộ chỉ mua cho 2/3 số người trong gia đình. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về tầm quan trọng của bảo hiểm y tế chưa cao nên việc vận động tham gia rất khó.

Để hoàn thành tiêu chí này, xã phân công nhiệm vụ cho các ban, ngành, đoàn thể, nòng cốt là Hội Nông dân xã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con, hội viên. Hội Nông dân xã đã thành lập 3 điểm tư vấn và bán bảo hiểm tại các cụm dân cư. Cán bộ hội thường xuyên nắm tình hình, tư vấn và vận động hội viên mua bảo hiểm y tế khi thẻ cũ sắp hết hạn, đồng thời tuyên truyền đến người dân về những điểm mới của Luật Bảo hiểm y tế và ý nghĩa, tầm quan trọng khi tham gia bảo hiểm y tế. Với cách làm này, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng từ hơn 50% (tháng 3/2019) lên hơn 61% (thời điểm hiện tại). Tín hiệu đáng mừng này củng cố thêm việc sẽ hoàn thành chỉ tiêu y tế ở xã Quang Kim trong năm nay.

Về tiêu chí giáo dục, xã đã đạt 4/5 chỉ tiêu, hiện còn chỉ tiêu về tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo chưa đạt. Để thực hiện chỉ tiêu này, xã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của huyện mở các lớp đào tạo nghề cho lao động. Từ đầu năm đến nay, xã đã mở được 2 lớp dạy nghề nuôi thủy sản và nghề xây dựng cho 70 học viên. Từ nay đến cuối năm sẽ mở thêm 3 lớp đào tạo nghề cơ khí, xây dựng, trồng rau.

Câu chuyện của 2 địa phương trên cũng là bài học kinh nghiệm cho các địa phương khác, bởi bên cạnh việc chỉ đạo 2 xã điểm Văn Sơn và Quang Kim phấn đấu đạt xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2020, tỉnh khuyến khích các xã đã “về đích” nông thôn mới tiếp tục đặt mục tiêu hoàn thành nông thôn mới nâng cao vào những năm tiếp theo.

Tính đến tháng 6/2019, toàn tỉnh có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Theo đánh giá, trong 48 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới bình quân 10,2 tiêu chí nông thôn mới nâng cao/xã, xã đạt cao nhất 17/18 tiêu chí, xã thấp nhất 6/18 tiêu chí. Các tiêu chí được đánh giá là khó trong quá trình xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là: Giao thông, giáo dục, môi trường và an toàn thực phẩm, phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập, hộ nghèo...

Xây dựng nông thôn mới nâng cao là chủ trương đúng, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân. Bên cạnh sự chủ động, nỗ lực nâng cao chất lượng từng tiêu chí, các xã vẫn phải loay hoay tìm cách thực hiện những tiêu chí khó và điều đó cần sự chung tay của các cấp, các ngành và địa phương.

----------------------

Bài 2: Đích đến còn nhiều khó khăn

Quỳnh Trang - Kim Thoa

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nong-thon-moi/xay-dung-nong-thon-moi-nang-cao-dau-la-giai-phap-z36n20190921092346496.htm