Xây dựng nông thôn mới: Nỗ lực phát huy thành quả
Xây dựng nông thôn mới (NTM) được xem là chương trình 'có khởi đầu, nhưng không kết thúc'. Vì vậy, để liên tục 'giữ lửa' phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM, NTM nâng cao, chính quyền các địa phương luôn chú trọng công tác tuyên truyền mục tiêu, ý nghĩa và lợi ích của chương trình trong giai đoạn mới...
Thành quả ấn tượng
Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh khẳng định: “Toàn tỉnh đã thành công và gặt hái được nhiều kết quả ấn tượng. Kết quả các tiêu chí NTM của tỉnh tiệm cận với bình quân chung của cả nước.
Một trong những điểm nhấn của xã nông thôn mới Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) là cảnh quang môi trường sạch đẹp, cơ sở vật chất văn hóa hoàn thiện.
Một số chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng, gia tăng giá trị sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo và thu nhập cao hơn bình quân chung cả nước”. Riêng tiêu chí thu nhập bình quân, cả nước tăng 3,49 lần (từ 9,1 triệu đồng vào năm 2011 lên 32 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2019), thì Quảng Ngãi tăng 3,52 lần (từ 7,8 triệu đồng lên 27,6 triệu đồng người/năm). Nhờ đó, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống người dân được cải thiện và nâng cao.
Để có được thành quả trên, ngoài việc bố trí tương xứng nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, còn có sự góp sức rất lớn của người dân. Bởi với các tiêu chí "cứng", chỉ cần có vốn đầu tư là sẽ hoàn thành. Nhưng với các tiêu chí “mềm”, nhất là môi trường, thu nhập, văn hóa... thì phải có sự góp sức thường xuyên và liên tục của người dân. Vì vậy, cùng với việc huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả, chính quyền các địa phương còn tích cực vận động, tuyên truyền nhân dân tiếp tục đồng lòng, góp sức người sức của để giữ lửa và “nâng cấp” các tiêu chí NTM. Bởi giai đoạn 2021 - 2025, yêu cầu mức độ hoàn thành các tiêu chí NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu đều cao hơn trước, nhất là các địa phương đang thực hiện và phấn đấu đạt NTM nâng cao, thì các tiêu chí về môi trường, giao thông, thu nhập... tuy ít tốn kém nguồn lực đầu tư, nhưng lại rất khó thực hiện.
“Nâng cấp” các tiêu chí nông thôn mới
“Xã NTM đáp ứng yêu cầu tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa hệ thống giao thông đạt trên 70%. Vấn đề là, nhiều tuyến đường thôn, xóm được bê tông nhưng quá hẹp, chỉ rộng từ 2 - 3m, nên cần được mở rộng. Vì vậy, chính quyền địa phương đã phát động phong trào “Làm nhà, làm bếp xếp sau làm đường” và “Đường rộng, lòng người rộng - Đường hẹp, lòng người hẹp”, Chủ tịch UBND xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) Phạm Thị Bích Hoa cho biết. Phong trào đã tạo khí thế thi đua sôi nổi, được người dân trong xã tích cực hưởng ứng tham gia. Nhiều tuyến đường thôn, xóm vì thế tiếp tục được đầu tư nâng cấp và mở rộng từ 2 - 3m lên trên 4m, giúp người dân đi lại thuận tiện và an toàn hơn.
Tuy nhiên, không phải xã NTM nào cũng thuận lợi trong quá trình “nâng cấp” các tiêu chí, tiến tới hoàn thành và đạt chuẩn NTM nâng cao, nhất là việc mở rộng nền đường thôn, xóm. Thực tế, giai đoạn 2011 - 2020, các tuyến đường thôn, xóm được đầu tư nhằm đáp ứng mục tiêu “cứng hóa, bê tông hóa”, chứ chưa chú trọng đến độ rộng của nền đường. Vì vậy, khi triển khai thực hiện, hầu hết các tuyến đường thôn, xóm ở xã NTM đều rộng khoảng 2,5 - 3m, chưa đáp ứng các yêu cầu của tiêu chí NTM nâng cao. Trong khi đó, người dân đã xây dựng lại tường rào cổng ngõ, nên rất khó vận động họ tự nguyện tháo dỡ lần 2, vì họ không có kinh phí để xây dựng lại.
Đây là một trong những bất cập trong quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giai đoạn 2011 - 2020, mà nguyên nhân là do công tác quy hoạch. Do đó, Ban Chỉ đạo Chương trình Xây dựng NTM tỉnh đã yêu cầu các địa phương đăng ký xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, giai đoạn 2021 - 2025 phải rà soát, đánh giá kỹ hiện trạng, đảm bảo công tác quy hoạch hạ tầng, sản xuất vừa có tầm nhìn, vừa phù hợp với điều kiện, đặc điểm và gắn với quy hoạch chung của tỉnh.