Xây dựng nông thôn mới ở Lâm Thượng - Một hành trình vượt khó

Ngày 10/11, UBND tỉnh Yên Bái đã có Quyết định số 2088/QĐ-UBND công nhận xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023. Lần đầu chạm đích trong hành trình hướng đến mục tiêu nông thôn mới là khẳng định sự nỗ lực vượt khó của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc ở xã đặc biệt khó khăn này.

Xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, có tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn nên Đảng ủy xã sớm ban hành các nghị quyết của cả giai đoạn nghị quyết, kế hoạch hàng năm để triển khai, thực hiện chương trình. 397 đảng viên ở 16 chi bộ trong toàn Đảng bộ đã phát huy tinh thần tránh nhiệm, nhận thức sâu sắc về xây dựng nông thôn mới, gương mẫu đi đầu trong thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ đề ra.

Xã có 11 thôn là nơi chung sống của gần 1.500 hộ, trên 7.100 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Tày chiếm 93%. Giống như nhiều xã vùng III, vào lúc bắt đầu công cuộc xây dựng nông thôn mới, đời sống bà con khó khăn trông thấy nói gì đến huy động đóng góp, kinh tế của xã chuyển dịch chậm; đầu tư của Nhà nước cho xây dựng kết cấu hạ tầng không đáp ứng được; cán bộ, đảng viên và nhân dân mơ hồ, lại không có cán bộ chuyên trách về lĩnh vực này.

Chính lẽ đó, công tác tuyên truyền về nông thôn mới và xây dựng nông thôn mới được tổ chức sâu rộng; khoảng 250 cuộc tuyên truyền lồng ghép trong các hội nghị xã, họp thôn đã thu hút trên 20.000 lượt người dân nghe trực tiếp, cùng các hình thức tuyên truyền khác giúp đồng bào hiểu và từng bước nhập cuộc với vai trò chủ thể.

>> Ra mắt Hợp tác xã dịch vụ du lịch cộng đồng xã Lâm Thượng

Trong quá trình triển khai thực hiện Đảng bộ, chính quyền xã luôn chú trọng thực hiện triệt để nguyên tắc "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng". Đồng thời, thực hiện tiến trình chặt chẽ theo hệ thống văn bản hướng dẫn, xã đã tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng ở tất cả các thôn theo 19 tiêu chí nông thôn mới; lập Đồ án Quy hoạch và Đề án xây dựng nông thôn mới xã giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020.

Một số tiêu chí cần ít nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước như: Tiêu chí 9 về Nhà ở dân cư, tiêu chí 10 về Thu nhập; tiêu chí 11 về Nghèo đa chiều; tiêu chí 13 về Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; tiêu chí số 17 về Môi trường và An toàn thực phẩm; tiêu chí 18 về Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; tiêu chí số 19 về Quốc phòng và An ninh… được đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Toàn xã có 18 mô hình chăn nuôi trâu, bò với quy mô từ 10 con trở lên

Chỉ đạo phát triển sản xuất, ngành nghề, nâng cao thu nhập cho người dân, Lâm Thượng tập trung hướng dẫn, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng các mô hình kinh tế có thế mạnh của địa phương. Đến nay toàn xã có 18 mô hình chăn nuôi trâu, bò với quy mô từ 10 con trở lên; 42 mô hình chăn nuôi lợn từ 10 - 30 con/lứa; 2 mô hình chăn nuôi gia cầm và gia cầm đặc sản với quy mô trên 300 con...

Xã có 4 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu là "Măng mai Lâm Thượng”, "Gà trống thiến Lục Yên”, "Cá Bỗng Lục Yên” và sản phẩm "Vịt bầu Lâm Thượng”, trong đó Măng mai Lâm Thượng được công nhận sản phẩm OCOP ba sao. Lâm Thượng đã xây dựng được 3 hợp tác xã, 19 tổ hợp tác, 2 cơ sở du lịch cộng đồng và 244 cơ sở kinh doanh, dịch vụ.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 46,3 triệu đồng/người/năm. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm 42,08%, về đích nông thôn mới, tỷ lệ nghèo đa chiều của xã dự kiến còn 12,19% vào năm 2023. 98,7% nhà ở của người dân đảm bảo tiêu chí, trong đó 16,9% nhà ở kiên cố; 1.255/1.475 nhà ở bán kiên cố, bằng 83,1%.

Điều kiện kinh tế khá giả, người dân đã tích cực đóng góp công sức, tiền của, hiến đất xây dựng kết cấu hạ tầng. Từ năm 2011 đến nay, bà con trong xã hiến 23.616 m2 đất, 1.815 cây cối, hoa màu các loại và trên 10.000 ngày công lao động để mở rộng các tuyến đường liên xã, liên thôn.

Đến nay, 100% đường giao thông trên địa bàn xã được cứng hóa trong đó tỷ lệ đường nhựa và bê tông đạt 88,34%; hệ thống kênh mương thủy lợi đảm bảo nhu cầu tưới tiêu nước cho trên 80% diện tích lúa trên địa bàn xã; 100% hộ dân trong xã được sử dụng điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt; các trường học trên địa bàn được xây dựng khang trang, đảm bảo việc học tập của con em nhân dân địa phương.

Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Thế nên cả 11 thôn của xã đều có nhà văn hóa kiên cố, có sân chơi thể thao đáp ứng các hoạt động hội họp, vui chơi, thu hút 46% dân số tham gia các hoạt động thể thao thường xuyên.

>> Lâm Thượng nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Đời sống văn hóa tinh thần của người dân được nâng lên, nét văn hóa của đồng bào được bảo tồn và phát huy trong cộng đồng dân cư. Tỷ lệ hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa năm 2022 là 1.381/1.493 hộ, đạt 92,5%.

Môi trường sinh sống, sản xuất của người dân ngày càng nâng cao, đạt các tiêu chí; trên địa bàn xã hiện duy trì 6 tuyến đường tự quản, xây dựng 35 mô hình "nhà sạch vườn đẹp”; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ là 97,6%, duy trì xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã…

Sau 12 năm xây dựng xã nông thôn mới, tổng kinh phí đầu tư 233 tỷ 930 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp dưới nhiều hình thức được trên 12 tỷ 299 triệu đồng, chiếm 5,3%; các doanh nghiệp, hợp tác xã đóng góp 1,8%. Điều quan trọng là, phong trào "Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới” được nhân dân trong xã đồng tình hưởng ứng mạnh mẽ, tạo sức lan tỏa lớn và thật sự mang lại hiệu quả thiết thực.

Lễ hội Pay Tái được tổ chức lại đã nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và góp phần phát triểu du lịch.

Lễ hội Pay Tái được tổ chức lại đã nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và góp phần phát triểu du lịch.

Nhiều mô hình mới trong xây dựng nông thôn mới được duy trì ở Lâm Thượng như: Mô hình "Tự quản về an ninh trật tự”, Mô hình "Trường học an toàn thân thiện, chấp hành tốt luật giao thông”, Mô hình "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, Mô hình phát triển du lịch trên địa bàn xã của Xoi Farmstay, Jack Ecolodge… đã góp phần thay đổi trong nhận thức và hành động của cộng đồng về cuộc sống nông thôn mới.

19/19 tiêu chí đã hoàn thành bằng nỗ lực của hệ thống chính trị và sự chung sức đồng lòng của tất cả người dân Lâm Thượng được coi là kết quả một hành trình vượt khó. Nhưng quan điểm: Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc lại đặt ra những bài toán đòi hỏi cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc nơi đây tiếp tục tìm lời giải.

Các mục tiêu được xã đưa ra cụ thể đó là: tiếp tục duy trì 19/19 tiêu chí nông thôn mới; phấn đấu đến năm 2025, có 2/11 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu; 10/19 tiêu chí đạt nông thôn mới nâng cao; đến năm 2030, xã Lâm Thượng đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.

Ngày mai 25/11, xã Lâm Thượng đón bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới của UBND tỉnh. Đó sẽ là ngày hội của gần 1.500 hộ dân và cũng sẽ là ngày để mỗi người dân địa phương bày tỏ tinh thần đoàn kết, quyết tâm đồng lòng thực hiện các đính đến mới của hành trình nông thôn mới tiếp theo.

Quang Tuấn

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/304430/xay-dung-nong-thon-moi-o-lam-thuong---mot-hanh-trinh-vuot-kho.aspx