Xây dựng nông thôn mới ở Thanh Ba: Bệ phóng cho các sản phẩm OCOP
Huyện Thanh Ba (Phú Thọ) đã tích cực ứng dụng công nghệ cao nhằm thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), làm điểm tựa xây dựng nông thôn mới bền vững.
Mời quý vị độc giả theo dõi Video:
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện về phát triển nông nghiệp, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ đã ưu tiên phát triển các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, thực hiện chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp.
Theo đó, huyện Thanh Ba đã tích cực ứng dụng công nghệ cao nhằm thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), làm điểm tựa xây dựng nông thôn mới bền vững.
Cách nay 2 năm, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Thanh Ba tổ chức họp đánh giá, xếp hạng các sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP năm 2021.
Tại hội nghị, có 7 sản phẩm của 3 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia đánh giá, phân hạng gồm: Công ty cổ phần Khoa học và công nghệ nông nghiệp H2 xã Đông Thành với 01 sản phẩm bưởi chua ngọt; Hợp tác xã Sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ tre nứa Đỗ Xuyên với 05 sản phẩm gồm khay vuông họa tiết gắn trai, mâm thờ vẽ phượng, mâm thờ cổ, lọ sơn mài cốt tre khảm trai và khay tròn mùa xuân nông thôn mới; Công ty TNHH đầu tư và phát triển trà UT xã Vân Lĩnh với 01 sản phẩm chè búp tím Thanh Ba.
Sau 5 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, Phú Thọ đã có 142 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh; trong đó có 47 sản phẩm đạt 4 sao và 95 sản phẩm 3 sao.
Điều đáng nói, trong các sản phẩm đạt 3, 4 sao ở nhóm sản phẩm khác nhau thì có tới hàng chục sản phẩm ở các xã thuộc các huyện miền núi, vùng khó khăn. Đây được xem như một bước đột phá, mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương, giúp người dân phát triển kinh tế theo hướng gia tăng giá trị nông sản, đồng thời quảng bá văn hóa vùng Đất Tổ.
Sản phẩm chè búp tím đang được Công ty TNHH đầu tư và phát triển trà UT ở xã Vân Lĩnh của huyện Thanh Ba phát triển và nhân giống. Chè búp tím là giống chè cổ trung du, được nhiều chuyên gia nghiên cứu và phát hiện trong loại chè này có nhiều hoạt chất tốt cho sức khỏe con người, chống lão hóa, giàu dinh dưỡng và có tác dụng hỗ trợ cho bệnh u, bướu…
Loại chè tím do công ty sản xuất màu sắc đặc trưng như màu mận chín, phần cuốn lá non với màu đỏ khá sẫm và búp trà thường có màu đỏ hoặc màu tím. Sau khi pha, hương vị trà tím có vị chát nhẹ khi mới thưởng thức mà thanh tao, sau đó chuyển dần sang vị ngọt hậu đặc trưng.
Các đồi chè của doanh nghiệp được trồng theo công nghệ hữu cơ, sử dụng hệ thống tưới và bón phân vi sinh tự động. Quá trình sinh trưởng của cây được theo dõi qua app chuyên dụng trên điện thoại thông minh.
Sau khi thu hái, chè sẽ được chế biến trong dây chuyền tự động hóa, từ khâu sàng lọc, sao chè, chế biến đến đóng gói… Việc sao chè có thể điều chỉnh nhiệt độ tự động.
Dây chuyền thiết bị hiện đại đã giúp năng suất lao động tăng, sản lượng sản phẩm của doanh nghiệp cũng tăng theo hàng năm. Mỗi dây chuyền chỉ cần 1 – 2 người đứng máy điều khiển.
Từ những búp chè tím cùng công nghệ chế biến hiện đại, doanh nghiệp đã có sản phẩm tiêu biểu được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao năm 2022, tiến tới phấn đấu lên sản phẩm OCOP 5 sao.
Sau quãng thời gian gia tăng tốt về số lượng sản phẩm, hiện tại tỉnh Phú Thọ đang tập trung nâng cao chất lượng, hướng tới xuất khẩu. Trong 142 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, từ phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, Hội Nông dân các cấp của tỉnh Phú Thọ đã hướng dẫn hội viên nông dân xây dựng được 105 sản phẩm OCOP; trong đó nhiều sản phẩm đã được xuất ngoại.
Dù còn rất nhiều khó khăn trong việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nhưng những năm qua, nông dân đã viết nên những kỳ tích, góp phần thúc đẩy chất lượng xây dựng nông thôn mới Phú Thọ. Đặc biệt, năm 2022, Phú Thọ là tỉnh dẫn đầu cả nước về số lượng "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022" với 3 nông dân xuất sắc.
Được biết, tới đây, các cấp, các ngành sẽ chủ động huy động, lồng ghép nguồn lực, bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương, hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể xây dựng, lập hồ sơ, phát triển sản phẩm đạt chuẩn OCOP theo quy định; trong đó có khu vực miền núi.
Đồng thời, tập trung tuyên truyền, vận động các chủ thể chú trọng cải thiện chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ để sản phẩm OCOP của khu vực này ngày càng được nhiều người biết đến, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở địa phương...