Xây dựng nông thôn mới ở Xuân Phước - khi ý Đảng hợp lòng dân

Tuyến đường ĐT647 từ Xuân Phước đi Phú Mỡ được đầu tư xây dựng. Ảnh: KIM PHƯỢNG

Qua hơn 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Xuân Phước - xã điểm của huyện Đồng Xuân về triển khai chương trình này đã có nhiều đổi thay. Từ một xã nghèo, nay Xuân Phước khoác lên mình chiếc áo mới, tràn đầy sức sống.

Chúng tôi có dịp trở lại Xuân Phước, mảnh đất kiên trung giàu truyền thống cách mạng của huyện miền núi Đồng Xuân, cảnh sắc làng quê nơi đây đẹp như bức tranh, mà thành quả có được từ việc chính quyền và người dân cùng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mang lại.

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập

Trước đây, cuộc sống của người dân Xuân Phước rất khó khăn, đường sá đi lại gồ ghề, trắc trở. Hầu hết các tuyến giao thông trong xã bụi bay mù mịt vào mùa khô, lầy lội vào mùa mưa. Tuyến đường từ Xuân Phước đi xã Phú Mỡ chỉ hơn 50km, phải qua nhiều đèo, dốc, suối, đi lại rất khó khăn. Khi có chủ trương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Xuân Phước được chọn là xã điểm để triển khai chương trình này, vì vậy Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đã nỗ lực vươn lên, phát triển kinh tế mới, xây dựng đời sống mới.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra mục tiêu, nhiệm vụ: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng xã Xuân Phước ngày càng văn minh, giàu đẹp”, đã nhanh chóng được triển khai thực hiện, đi vào thực tiễn cuộc sống. Với thế mạnh là trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp, Đảng ủy, chính quyền xã tập trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân. Hiện tại xã có 3.074ha đất gieo trồng các loại cây, tổng sản lượng lương thực hơn 30.103 tấn, vượt chỉ tiêu nghị quyết Đảng bộ xã đề ra. Tổng đàn bò của xã hơn 3.000 con, trong đó bò lai chiếm 75%. Ngoài ra, nông dân trong xã còn trồng 30ha đậu phộng, giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Ông Võ Văn Trí, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Xuân Phước, cho biết: “Nét nổi bật trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của xã đó là đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, trường học, nhà văn hóa, chợ hoàn chỉnh; mở rộng diện tích trồng rừng, thâm canh cây mía, cây sắn; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi”.

Để phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân tích cực tham gia phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, cấp ủy, chính quyền xã đã tăng cường tuyên truyền, vận động để mỗi người dân hiểu được lợi ích từ việc xây dựng nông thôn mới mang lại. Hàng năm, xã đều có kế hoạch tu sửa các tuyến đường liên thôn, liên xóm, cầu cống nhỏ, bảo đảm cho nhân dân đi lại thông suốt sau mỗi mùa mưa bão. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân quản lý, dân hưởng lợi”, nhân dân trong xã đã tự nguyện hiến 4.399m2 đất, hơn 2.620 ngày công để xây dựng đường nông thôn; thực hiện công trình thắp sáng đường quê với chiều dài hơn 18km.

Ông Phạm Cường ở thôn Phú Xuân B chia sẻ: “Gia đình tôi đã tự nguyện hiến đất để xã làm đường bê tông nông thôn. Chúng tôi rất vui khi được đóng góp công sức, vật chất của mình để góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh”.

Không chỉ riêng hộ gia đình ông Phạm Cường, nhiều hộ dân ở Xuân Phước cũng tự nguyện hiến đất, góp công để cùng chính quyền địa phương bê tông hóa đường nông thôn. Đến nay, tất cả các tuyến đường trong thôn, xóm của xã Xuân Phước được bê tông, với chiều dài hơn 30km. Ngoài ra, tuyến đường ĐT647 được rải nhựa phẳng lỳ, nối Xuân Phước với xã Phú Mỡ, dài hơn 50km vừa được khánh thành vào đầu năm 2020, trong niềm vui của người dân 2 xã. Khu vực trung tâm xã, dọc hai bên đường nhiều ngôi nhà bê tông kiên cố mọc lên san sát, tạo cho Xuân Phước dáng dấp của một thị tứ tràn đầy sức sống.

Kinh tế phát triển, đời sống người dân cũng được cải thiện. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 44,05 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 5,9 lần so với năm 2010; tỉ lệ hộ nghèo từ 24,9%, giảm còn 1,17%. Đặc biệt, thôn Suối Mây có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, được Nhà nước đầu tư vốn từ Chương trình 134, 135, bà con được hỗ trợ cây, con giống, phân bón… để phát triển sản xuất nên đời sống từng bước được cải thiện. Điển hình như gia đình Lê Mo Nõn (32 tuổi), nhờ chịu khó làm ăn, lại được các ban ngành, đoàn thể của xã hướng dẫn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, Lê Mo Nõn đầu tư vốn trồng mía, keo và nuôi bò lai. Hiện tại, gia đình Lê Mo Nõn sở hữu 2 ô tô tải, 1 máy cày đại, máy trồng mía. Hay như gia đình Lê Mo Tiến (54 tuổi) nhờ trồng mía, sắn, keo đã vươn lên thành hộ khá giả ở thôn Suối Mây.

Quan tâm đến bảo vệ môi trường

Để phát triển bền vững, Đảng ủy, UBND xã Xuân Phước luôn chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn. Những hàng cây xanh trên các trục đường chính của xã tỏa bóng rợp mát. Ở thôn Phước Hòa và Phú Xuân B, bà con thực hiện tốt mô hình thu gom rác thải. Nội dung bảo vệ môi trường được đưa vào hương ước từng thôn. Nét nổi bật trong công tác bảo vệ môi trường của xã là hiệu quả của mô hình xây dựng, lắp đặt 65 bể chứa chất thải nguy hại, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng tại các cánh đồng. Ông Lê Ngọc Minh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, cho biết: Những việc làm của Hội Cựu chiến binh xã được bà con đồng tình ủng hộ, tự giác thực hiện rất tốt. Qua gần 7 năm triển khai, mô hình đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong bảo vệ môi trường. Hiện nay, trên các cánh đồng của xã không còn các vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật vứt vương vãi như trước.

Ông Nguyễn Dư, Giám đốc HTX Sản xuất - Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước đưa chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất dầu đậu phộng của đơn vị. Ông Dư phấn khởi cho biết: Sản phẩm đặc trưng của Xuân Phước chính là dầu đậu phộng. Đây là sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh. Sản phẩm này không chỉ nổi tiếng ở Phú Yên mà còn vươn ra tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố khác. Dầu đậu phộng của xã không chỉ ngon, bổ dưỡng mà còn thân thiện với môi trường.

Ông Võ Văn Trí cho biết thêm: “Xuân Phước về đích xã nông thôn mới vào năm 2017. Kết quả đó có được là nhờ đồng tâm, hiệp lực, sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm của nhân dân. Điều tâm huyết nhất của Đảng bộ, UBND xã Xuân Phước là ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt để mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, qua đó góp phần nâng cao hơn nữa thu nhập người dân”.

Giờ đây, nhìn những ngôi nhà mới khang trang, những con đường nhựa phẳng lỳ, đường bê tông dài rộng, sạch đẹp nối liền các thôn xóm; trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, đó là những thành quả mà Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã mang lại cho người dân Xuân Phước. Chúng tôi cảm nhận khi ý Đảng hợp với lòng dân thì bất kỳ mảnh đất khô cằn nào cũng sẽ nở hoa.

Cùng với phát triển kinh tế, xã Xuân Phước còn quan tâm đến công tác giáo dục. Hiện tại trên địa bàn xã có 5 trường học, gồm: Trường THPT Nguyễn Thái Bình, Trường THCS Nguyễn Hào Sự, 2 trường tiểu học và trường mầm non. Xã đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dạy và học; đẩy mạnh công tác khuyến học, giúp đỡ học sinh nghèo vươn lên trong học tập. Chính sách ưu tiên học sinh người dân tộc thiểu số, gia đình chính sách được cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, tiếp tục học THPT của xã đạt trên 85%.

KIM PHƯỢNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/415/248283/xay-dung-nong-thon-moi-o-xuan-phuoc-khi-y-dang-hop-long-dan.html