Xây dựng nông thôn mới phải tạo ra những sản phẩm đặc trưng, bản sắc văn hóa riêng của các làng quê nông thôn
Sáng 17/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.
Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, đến nay, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn NTM (tăng 11,3% so với cuối năm 2020), trong đó, có 100 xã khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi, có 4 xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn NTM, 1.331 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 176 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã.
Có 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, tăng 90 đơn vị so cuối năm 2020 (chiếm khoảng 40,8% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước).
19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM (tăng 7 địa phương so với cuối năm 2020), trong đó có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Xét theo vùng, miền, hiện vùng Trung du miền núi phía Bắc có tỉ lệ hoàn thành NTM thấp nhất cả nước với 47,7% (963/2.019 xã) đạt chuẩn NTM. Trong vùng còn một số tỉnh có tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM thấp như: Cao Bằng 12,2%, Điện Biên 18,3%, Bắc Kạn 24,2%, Hà Giang 27,4%...; bên cạnh đó còn có 454 xã (22,4%) chỉ đạt dưới 10 tiêu chí.
Đối với Chương trình OCOP, đến tháng 7/2023, cả nước có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của 5.069 chủ thể.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị các ngành, địa phương tập trung đề xuất giải pháp, sáng kiến, chia sẻ những mô hình phù hợp, trao đổi những gì còn trăn trở, băn khoăn để chương trình xây dựng NTM thật sự thiết thực, có ý nghĩa.
Trong đó, phải tạo ra những sản phẩm đặc trưng, bản sắc văn hóa riêng của các làng quê nông thôn, phát triển làng nghề, tạo điểm nhấn thu hút du lịch nông thôn, xây dựng nông thôn thành nơi đáng sống, nơi để quay về.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Chương trình xây dựng NTM không chỉ là xây dựng cầu, đường, trường, trạm mà đây là chương trình bao gồm đa mục tiêu, trong đó, có 6 chương trình chuyên đề: Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM; Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM; Chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới nông thôn mới thông minh; Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chương trình OCOP. Ngoài ra còn có các vấn đề bình đẳng giới, dinh dưỡng cho cư dân nông thôn, khuyến nông...
Cũng theo Bộ trưởng, chúng ta đi được chặng đường hơn 3 năm triển khai chương trình nhưng thực tế mới triển khai được khoảng hơn 1 năm. Ông chia sẻ: "Tôi vừa đi Bắc Kạn, vẫn còn nhiều hộ nghèo, làm gì để thu nhập của bà con tăng 1,5 lần không phải là dễ. Hội nghị hôm nay chúng ta bàn về các sáng kiến, mô hình mới để các địa phương bắt tay vào thực hiện”.
Một vấn đề nữa được Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh là xây dựng sản phẩm OCOP và tìm đầu ra cho nó. Ông cho biết: "Đồng Tháp có hàng trăm sản phẩm OCOP, nhưng khi tôi ra siêu thị không có sản phẩm OCOP nào. Vậy đầu ra các sản phẩm OCOP đi đâu?".
Theo Bộ trưởng, vấn đề cần làm đó là kích hoạt sự tham gia của cộng đồng, để các chủ thể chăm chút sản phẩm OCOP của mình và để sản phẩm đi xa.