Xây dựng nông thôn mới sau sáp nhập: Nỗ lực thực hiện đúng lộ trình
PTĐT - Theo Nghị quyết số 828/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã thuộc tỉnh Phú Thọ...
PTĐT - Theo Nghị quyết số 828/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã thuộc tỉnh Phú Thọ, từ ngày 1/1/2020, bộ máy công quyền của 28 ĐVHC cấp xã mới đã chính thức hoạt động. Từ đó, hoạt động tại các đơn vị thực hiện sáp nhập đã có sự chuyển biến và có nhiều tác động đến lộ trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại các địa phương.
Sau sáp nhập, Phú Thọ giữ nguyên 13 đơn vị hành chính cấp huyện; sáp nhập 80 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 10 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh. Như vậy, từ tỉnh có 277 xã, phường, thị trấn, sau sắp xếp, số ĐVHC đã giảm xuống còn 225 xã, phường, thị trấn, trong đó có 197 xã, 11 thị trấn và 17 phường. Việc thực hiện sáp nhập ĐVHC cấp xã dựa trên cơ sở có những nét tương đồng về các yếu tố: Diện tích, dân số, vị trí địa lý, lịch sử, truyền thống văn hóa, điều kiện phát triển kinh tế- xã hội… nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu tổ chức hợp lý ĐVHC cấp xã phù hợp với thực tiễn quản lý, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở; tạo điều kiện để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm thực hiện xây dựng NTM.Cuối năm 2019, xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê được sáp nhập từ 3 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM là Cát Trù (năm 2018), Hiền Đa (năm 2018), Tình Cương (năm 2017). Ông Nguyễn Khắc Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Ngay sau khi kiện toàn bộ hệ thống chính trị, xã đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM cấp xã, phân công nhiệm vụ từng thành viên trong Ban chỉ đạo, triển khai rà soát lại các tiêu chí đối với ĐVHC mới. Sau rà soát, Hùng Việt hiện có 19/19 đạt chuẩn với tỷ lệ cứng hóa đường giao thông nông thôn đạt gần 80%; tỷ lệ hộ nghèo còn 3,5%; 100% trường học, trạm y tế đạt chuẩn; 100% khu dân cư có nhà văn hóa kiên cố… Chủ trương của cấp ủy, chính quyền xã đề ra trong thời gian tới là tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí NTM. Hiện xã cũng đang tập trung hoàn thiện hồ sơ để đề nghị UBND tỉnh xét công nhận đạt chuẩn cho ĐVHC mới là xã Hùng Việt.Xã mới Đan Thượng, huyện Hạ Hòa được thành lập từ 4 xã là Hậu Bổng, Liên Phương, Đan Hà, Đan Thượng (cũ). Trước sáp nhập, các xã trên đều chưa được công nhận đạt chuẩn, trong đó, xã cao nhất mới, thực hiện được 13/19 tiêu chí, xã thấp nhất thực hiện được 9/19 tiêu chí.Ông Vũ Xuân Hưởng - Chủ tịch UBND xã cho biết: Đến nay, tổ chức đơn vị hành chính mới đã đi vào hoạt động ổn định và có sự chuyển biến rõ rệt. Sau sáp nhập, Đan Thượng có tổng diện tích trên 19,8km2, hơn 2.800 hộ với tổng dân số trên 9.600 người, xã có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên trên thực tế, việc đảm bảo xây dựng NTM theo lộ trình đề ra đang là thách thức lớn đối với cấp ủy, chính quyền và người dân trong xã, bởi theo rà soát, hiện xã đạt 12/19 tiêu chí, song những tiêu chí còn lại là: Giao thông, nhà ở, thu nhập, hộ nghèo, môi trường… cần đòi hỏi nhiều thời gian và công sức để thực hiện. Điển hình như tiêu chí giao thông, sau rà soát, Đan Thượng mới thực hiện cứng hóa được khoảng 50%. Tổng số km đường giao thông tăng lên nhiều lần, khiến việc xây dựng cơ sở hạ tầng bị dàn trải trong khi mặt bằng dân cư không đồng đều, thu nhập bình quân đầu người chưa cao, đạt 28 triệu đồng/người/năm, việc huy động nguồn lực trong dân để đầu tư thực hiện tiêu chí này sẽ là thách thức lớn của xã.
Theo Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, trong số 28 ĐVHC cấp xã mới, Phú Thọ có 6 xã mới được sáp nhập từ các xã đã đạt chuẩn NTM. Đối với các xã mới được sáp nhập từ các xã đã đạt chuẩn như Hùng Việt, việc đề nghị, xét công nhận đạt chuẩn có thể sẽ mất từ 1-2 năm, song trên nền tảng sáp nhập từ các xã đã đạt chuẩn, thì mục tiêu “cán đích” NTM không phải là chuyện quá khó khăn. Tuy nhiên tại các xã mới sáp nhập từ xã chưa đạt chuẩn hoặc sáp nhập từ xã đạt chuẩn với các xã chưa đạt chuẩn thì lộ trình NTM còn khá gian nan. Trong khi các xã còn nhiều tiêu chí chưa hoàn thành, sau khi sáp nhập lại phải cùng chung nỗi lo khi số lượng tiêu chí chưa đạt chuẩn còn khá lớn, một số tiêu chí cần “bắt tay làm lại”, đặc biệt là các tiêu chí cần nguồn vốn đầu tư lớn như: Giao thông, y tế, trường học… Mặt khác, sau sáp nhập, diện tích và số hộ khẩu của xã tăng lên, cũng gây áp lực lên thực hiện các tiêu chí khác như: Nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, môi trường… Ngoài ra, tâm lý của một số bộ phận người dân còn bỡ ngỡ, việc huy động nguồn vốn đầu tư trong dân còn gặp nhiều khó khăn… là những thách thức cần vượt qua của không chỉ Đan Thượng mà còn nhiều xã mới sau sáp nhập. Ông Nguyễn Nam Cường - Phó Chánh Văn phòng điều phối chương trình MTQG xây dựng NTM cho biết: Để thực hiện lộ trình xây dựng NTM đảm bảo kế hoạch đề ra, Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản tăng cường chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng NTM tại các địa phương, trong đó có các xã, khu dân cư thực hiện sáp nhập ĐVHC. Theo đó, chỉ đạo các địa phương, ngay sau khi đi vào hoạt động khẩn trương kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng NTM cấp xã và Ban phát triển nông thôn tại các khu dân cư. Đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn sáp nhập lại với nhau thực hiện rà soát, đánh giá lại các tiêu chí, hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh xét công nhận đạt chuẩn đối với ĐVHC mới. Trường hợp xã chưa được công nhận đạt chuẩn NTM, sáp nhập với xã được công nhận đạt chuẩn NTM cần tập trung nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội chung gắn với điều chỉnh quy hoạch lộ trình xây dựng NTM; thực hiện rà soát tổng thể, đánh giá mức độ đạt chuẩn các tiêu chí NTM theo bộ tiêu chí xã NTM của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 để làm cơ sở xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện hoàn thành các tiêu chí NTM theo quy định. Đồng thời, tập trung thực hiện các nhóm giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM như: Tuyên truyền xây dựng NTM; huy động nguồn lực đầu tư nhằm duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập cho người dân; triển khai, nhân rộng mô hình NTM nâng cao, kiểu mẫu… trong thời gian tới.Với các địa phương thực hiện sáp nhập ĐVHC cấp xã có ý nghĩa quan trọng, vừa giúp nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, vừa tạo điều kiện giúp các địa phương phát huy được những thế mạnh, tập trung được nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với quy hoạch phát triển của tỉnh. Các địa phương cần xác định rõ giai đoạn sau sáp nhập sẽ còn nhiều việc phải làm, vì vậy, rất cần sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cũng như sự đồng thuận của người dân trong thực hiện mọi chủ trương, hoạt động, đồng thời các xã cũng cần xác định những giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế địa phương để quá trình xây dựng NTM đạt hiệu quả cao.