Xây dựng nông thôn mới, tạo động lực phát triển bền vững

Huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã ghi nhận những bước tiến ấn tượng trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tạo động lực then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cây sầu riêng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Cây sầu riêng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

DIỆN MẠO MỚI VÙNG QUÊ CAI LẬY

Theo báo cáo của UBND huyện Cai Lậy, sau thời gian thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đã phát triển vượt bậc. Nổi bật nhất là hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư đồng bộ, với tỷ lệ nhựa hóa và bê tông xi măng hóa đạt 100%.

Cụ thể, 6 tuyến đường tỉnh đi qua địa bàn với tổng chiều dài gần 69 km được nâng cấp toàn diện. 18 tuyến đường huyện dài 147 km được đầu tư đạt chuẩn hoàn toàn, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm và kết nối thông suốt tới trung tâm các xã.

Về văn hóa - xã hội, huyện Cai LẬY đã đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các thiết chế văn hóa cấp xã. 100% trường học đạt chuẩn quốc gia, trạm y tế được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân.

Điểm sáng của huyện Cai Lậy là việc huy động hiệu quả nguồn lực xã hội hóa trong xây dựng NTM. Nhiều doanh nghiệp địa phương tích cực tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, người dân đã tự nguyện đóng góp hàng tỷ đồng và hiến hàng ngàn m2 đất để mở rộng đường giao thông nông thôn.

Ông Phan Văn Tư, người dân xã Hiệp Đức chia sẻ: "Khi được vận động hiến đất làm đường, tôi nhận thấy đây là chủ trương đúng đắn và đã quyết định hiến 1.000 m2 đất, với niềm tin con đường mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong việc đi lại và vận chuyển nông sản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương".

Bên cạnh đó, các mục tiêu về xây dựng NTM trên địa bàn huyện Cai Lậy được thực hiện đúng định hướng, đạt kết quả khả quan, quan trọng là có sự đồng lòng chung sức của người dân. Cùng với các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp được quan tâm đổi mới theo hướng tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, cơ cấu kinh tế huyện chuyển biến tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp - thủy sản, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ. Thu nhập và đời sống người dân ngày càng nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh.

Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2024, thu nhập bình quân đầu người ở các xã của huyện Cai Lậy đạt từ 62,84 đến 80,45 triệu đồng/người/năm, tăng bình quân 21,3 triệu đồng so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 0,712%. Đây là kết quả của việc triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đóng vai trò nền tảng.

BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Qua thực tiễn xây dựng NTM, huyện Cai Lậy đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Trước hết, công tác tuyên truyền đóng vai trò then chốt, giúp cả hệ thống chính trị và người dân nhận thức đúng đắn về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đồng thời hiểu rõ vai trò chủ thể của mình trong việc thực hiện và thụ hưởng thành quả.

Ngoài ra, để thành công, cấp ủy đảng và chính quyền các cấp đã chủ động, sáng tạo và quyết liệt trong công tác lãnh đạo, điều hành. Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Cai Lậy có kế hoạch, lộ trình cụ thể, phân công rõ trách nhiệm cho từng cá nhân, tập thể, đặc biệt là phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy.

Điểm quan trọng nữa là gắn xây dựng NTM với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện địa phương. Các địa phương đã tạo môi trường thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Có thể nói, xây dựng NTM là một hành trình dài, không thể chạy theo thành tích. Địa phương cần đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, vừa huy động sự đóng góp của người dân và doanh nghiệp, vừa tranh thủ nguồn ngân sách nhà nước. Đồng thời, phải khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là ở cơ sở là yếu tố quan trọng đảm bảo hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Cần tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và chấn chỉnh những đơn vị thực hiện chưa tốt. Đặc biệt, công tác thi đua - khen thưởng cần được chú trọng để động viên kịp thời các xã, tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong xây dựng NTM.

Diện mạo nông thôn huyện Cai Lậy có nhiều thay đổi.

Diện mạo nông thôn huyện Cai Lậy có nhiều thay đổi.

HƯỚNG ĐẾN HUYỆN NTM NÂNG CAO

Đến nay, huyện Cai Lậy có 15 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 7 xã NTM nâng cao và 2 xã NTM kiểu mẫu là Cẩm Sơn và Hiệp Đức. Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Huỳnh Vũ Phương cho biết, Cai Lậy đặt mục tiêu đến năm 2027, sẽ đạt chuẩn huyện NTM nâng cao. Cụ thể, phấn đấu 100% xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 8/15 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Huyện cũng xác định, cần tiếp tục gắn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM với việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn một cách hiệu quả, bền vững. Trọng tâm là thực hiện xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu, hướng đến nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Bên cạnh đó, địa phương đặt mục tiêu xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại, đảm bảo cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, huyện sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất hàng hóa, cải thiện đời sống người dân.

Có thể nói, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã thực sự trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Cai Lậy. Với định hướng phát triển rõ ràng và sự đồng thuận cao của người dân, huyện Cai Lậy đang từng bước xây dựng NTM văn minh, hiện đại và bền vững.

TUẤN LÂM

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202412/chuyen-trang-giam-ngheo-ve-thong-tin-huyen-cai-lay-xay-dung-nong-thon-moi-tao-dong-luc-phat-trien-ben-vung-1030199/