Xây dựng nông thôn mới từ những mô hình sáng tạo và hiệu quả
Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, các địa phương tỉnh Thái Nguyên đang ghi dấu bằng nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, nhất là sự chuyển mình trong tư duy sản xuất nông nghiệp và sự đóng góp không nhỏ của các HTX.
Từ những vùng đất từng bị bỏ hoang hoặc canh tác kém hiệu quả, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật và đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị. Trên hành trình ấy, các HTX không chỉ là “bà đỡ” kỹ thuật mà còn là điểm tựa liên kết thị trường, góp phần đưa nhiều xã miền núi tiến gần hơn tới chuẩn nông thôn mới.
Chuyển mình từ vùng đất khó
Xã Thượng Nung (nay là xã Thần Sa) nằm ở vùng cao của tỉnh Thái Nguyên, nơi phần lớn diện tích đất nông nghiệp là soi bãi ven suối, hiệu quả trồng lúa và ngô thấp.
Sau nhiều năm vật lộn với cái nghèo, cuối năm 2024, Thượng Nung đã thực hiện một bước ngoặt quan trọng khi chuyển đổi sang mô hình trồng dưa chuột liên kết, với sự đi đầu của HTX trồng trọt và chăn nuôi gia cầm Đại Thắng. Mô hình này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt mà còn giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất.

Sản xuất theo chuỗi giá trị giúp nông dân, HTX "lên đời" nông sản (Ảnh: BTN).
Ban đầu, sự lưỡng lự vẫn hiện hữu do người dân địa phương chưa quen với việc canh tác cây mới. Tuy nhiên, nhờ sự đồng hành của chính quyền địa phương, phong trào đã lan tỏa mạnh mẽ.
Với sự vào cuộc của chính quyền và sự hỗ trợ từ HTX Đại Thắng về kỹ thuật, vật tư trả chậm và đặc biệt là cam kết bao tiêu sản phẩm, chỉ trong thời gian ngắn, 25 hộ dân ở hai xóm Trung Thành và Tân Thành đã mạnh dạn triển khai 5ha trồng dưa chuột.
Sau hơn 3 tháng, mô hình đã cho “quả ngọt” – mỗi ngày thu hoạch 4 tấn dưa, giá bán dao động từ 3.000 – 9.000 đồng/kg. Trung bình, mỗi sào dưa chuột mang lại lợi nhuận khoảng 7 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng ngô hay lúa.
Ông Ma Văn Kiến, một trong những hộ dân tiên phong thực hiện mô hình trồng dưa chuột, hồ hởi chia sẻ: “Từ ngày chuyển sang trồng dưa chuột, thu nhập cải thiện rõ rệt. Gia đình tôi đã thu được gần 10 tấn quả và dự kiến còn thu thêm 10 ngày nữa. Sắp tới, tôi định mở rộng thêm diện tích”.
Mô hình trồng dưa chuột ở Thượng Nung đang được nhân rộng, dự kiến vụ tiếp theo sẽ mở rộng thêm 3ha. Tuy nhiên, chính quyền xã cũng chủ trương áp dụng luân canh để đảm bảo độ phì nhiêu của đất và phòng tránh sâu bệnh, bằng cách xen canh cây đỗ cô ve – vừa giúp cải tạo đất, vừa tăng thu nhập cho người dân, từ đó góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Gắn nông nghiệp với du lịch
Không chỉ có Thượng Nung, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, nhiều HTX khác cũng đang góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu là HTX nông nghiệp và dược liệu Thiên Phúc (xã Minh Lập, nay là xã Đồng Hỷ) – mô hình phát triển nông nghiệp kết hợp với dược liệu và du lịch trải nghiệm.
Với gần 30ha dược liệu, gồm 4ha sâm Bố Chính, 3ha Cát sâm, trên 20ha Ba kích, cùng chăn nuôi gà ri, gà H’Mông và nuôi ốc nhồi trên diện tích 1ha, HTX Thiên Phúc đã xây dựng thành công chuỗi sản phẩm đặc sắc như trà sâm, bột sâm, gà H’Mông hầm sâm, cốt lẩu sâm… Nhiều sản phẩm đã đạt giải cao trong các cuộc thi ẩm thực và sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Không chỉ dừng lại ở phát triển sản phẩm, HTX Thiên Phúc còn là hạt nhân lan tỏa mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Dưới sự hỗ trợ của cơ quan chức năng địa phương, từ năm 2023, HTX Thiên Phúc đã triển khai Dự án ứng dụng khoa học vào chuỗi liên kết sản xuất dược liệu theo hướng hữu cơ tạo năng lượng xanh.

Thành công trong chuyển đổi cây trồng là nền tảng xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên (Ảnh: BTN).
Trong quá trình triển khai, HTX đã liên kết và chuyển giao kỹ thuật cho 15 tổ hợp tác với 50 hộ dân, phần lớn là phụ nữ dân tộc thiểu số. Qua đó, góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho lao động nông thôn và thúc đẩy bình đẳng giới trong phát triển kinh tế nông nghiệp.
Một điều đáng chú ý là trong những chuyển biến nông thôn mới ở Thái Nguyên có sự đồng hành tích cực của Liên minh HTX Việt Nam thông qua nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực cho HTX. Cụ thể, trong giai đoạn 2021–2025, Liên minh HTX Việt Nam đã hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX để các HTX đầu tư máy móc, cơ sở vật chất, phát triển vùng nguyên liệu.
Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên cũng liên tục tổ chức hàng loạt lớp đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ canh tác sạch, bền vững; Thúc đẩy xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm qua các hội chợ trong và ngoài nước, qua nền tảng thương mại điện tử.
Xây dựng nông thôn mới bền vững
Cùng với đó, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP và định hướng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp địa phương; Tư vấn mô hình HTX kiểu mới gắn với ứng dụng chuyển đổi số, giúp HTX quản lý sản xuất hiệu quả hơn.
Nhờ sự kết nối từ Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên, hàng chục HTX trên địa bàn đã được tiếp cận các chương trình xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ ở Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh lân cận, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho thành viên, nông dân liên kết.
Qua các mô hình như dưa chuột ở Thượng Nung hay dược liệu ở Minh Lập, có thể thấy một điểm chung là sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy sản xuất nông nghiệp của người dân nông thôn Thái Nguyên. Đây là nền tảng quan trọng để các địa phương phát triển nông thôn mới một cách thực chất và bền vững.
Đặc biệt, chương trình xây dựng nông thôn mới tại Thái Nguyên không chỉ tập trung vào xây dựng đường, điện, trường, trạm, mà đang từng bước chuyển trọng tâm sang nâng cao thu nhập, chất lượng đời sống tinh thần và kinh tế nông thôn.
Vai trò của HTX trong quá trình xây dựng nông thôn mới cũng ngày càng rõ nét, không chỉ là cầu nối kỹ thuật, mà còn là trung tâm của liên kết chuỗi giá trị, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm nông sản và là đơn vị dẫn dắt ứng dụng khoa học công nghệ.
Có thể thấy, Thái Nguyên đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại khu vực trung du miền núi phía Bắc. Trên hành trình đó, các HTX chính là những “mắt xích” then chốt trong phát triển sản xuất hàng hóa, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Với sự đồng hành của các cấp chính quyền và sự hỗ trợ thiết thực từ Liên minh HTX Việt Nam, chắc chắn rằng trong thời gian tới, các mô hình HTX sẽ tiếp tục là động lực giúp nông thôn mới ở Thái Nguyên phát triển toàn diện, bền vững và hiện đại – đúng như tinh thần cốt lõi của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.