'Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới'
Đây là chủ đề của buổi tọa đàm, diễn ra vào sáng 11/3, do Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại Hà Nội kết hợp trực tuyến tại điểm cầu 62 tỉnh, thành phố. Đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu Bình Thuận, do các đồng chí Lê Thị Hải Yến – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh và Trần Hữu Thành – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì.
Đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã thông tin những nội dung quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ nữ
Tại buổi tọa đàm, đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã thông tin những nội dung, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ nữ; tình hình chung về công tác cán bộ nữ trong các nhiệm kỳ 2016 - 2020; 2021 - 2025; kinh nghiệm quốc tế và một số vấn đề cần quan tâm.
Đồng thời khẳng định, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển đội ngũ cán bộ nữ trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Nhờ công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ được quan tâm cùng sự nỗ lực vươn lên của chính đội ngũ cán bộ nữ, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ không ngừng gia tăng. Nhiều cán bộ nữ được tín nhiệm giữ những trọng trách và qua thực tiễn công tác, đã khẳng định và phát huy vai trò của mình trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận và tổ chức chính trị xã hội các cấp. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp ngày càng nhiều.
Việt Nam là quốc gia có số lượng nữ đại biểu Quốc hội chiếm tỷ lệ cao trong khu vực. Ở nhiệm kỳ 2021 - 2026, có 151/499 đại biểu Quốc hội là nữ. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội khóa XIV là nữ chính khách Việt Nam đầu tiên giữ cương vị này…
Các đại biểu tại Bình Thuận tham dự tọa đàm bằng hình thức trực tuyến
Tại buổi tọa đàm, đại biểu một số điểm cầu đã thảo luận về thực trạng, nguyên nhân chưa đạt được các chỉ tiêu về cán bộ nữ theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW và Chỉ thị 21/CT-TW về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện công tác cán bộ nữ theo yêu cầu đã đặt ra. Trong đó, yêu cầu tiếp tục thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới bình đẳng trong tham gia, thụ hưởng thành quả trong các lĩnh vực của đời sống xã hội…
Đồng thời, các địa phương cần chú trọng hơn nữa công tác quy hoạch nguồn cán bộ nữ làm công tác lãnh đạo, quản lý. Cần quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ trong tổng thể chiến lược công tác cán bộ của Đảng. Công tác phụ nữ phải sát hợp với từng đối tượng, vùng, miền, phát huy được tinh thần làm chủ, tiềm năng, sức sáng tạo và khả năng đóng góp cao nhất của các tầng lớp phụ nữ vào sự phát triển của đất nước…
Các điểm cầu trong cả nước dự tọa đàm
Buổi tọa đàm có ý nghĩa rất quan trọng nhằm góp phần tìm giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện công tác cán bộ nữ theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Chỉ thị 21-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, để ngày càng phát huy năng lực của phụ nữ tham gia đóng góp, cống hiến trên các lĩnh vực, góp phần thực hiện bình đẳng giới.