Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ trong giai đoạn mới
Với khung pháp lý tiến bộ, khá toàn diện và phù hợp các yêu cầu quốc tế, cùng với sự nỗ lực vươn lên của các lực lượng phụ nữ, Việt Nam đã có những bước chuyển biến tích cực về bình đẳng giới, phụ nữ đã và đang tham gia ngày càng nhiều trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Ngày 11/3, đồng chí Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì tọa đàm “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới”, do Ban Tổ chức Trung ương phối hợp Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Chương trình diễn ra theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội kết hợp trực tuyến.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh, trong những năm qua, công tác cán bộ nữ luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành. Với khung pháp lý tiến bộ, khá toàn diện và phù hợp các yêu cầu quốc tế, cùng với sự nỗ lực vươn lên của các lực lượng phụ nữ, Việt Nam đã có những bước chuyển biến tích cực về bình đẳng giới, phụ nữ đã và đang tham gia ngày càng nhiều trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực chính trị.
Đội ngũ cán bộ nữ cấp ủy, nữ lãnh đạo, quản lý, nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp ngày càng tăng về số lượng và chất lượng; kết quả thực hiện bình đẳng giới của nước ta được xếp hạng cao hơn so với nhiều quốc gia có cùng trình độ phát triển và thu nhập.
Mặc dù vậy, tỷ lệ cán bộ nữ ở nước ta hiện nay vẫn còn khoảng cách so với chỉ tiêu đề ra, có sự tăng trưởng song tỷ lệ tăng chưa cao và thiếu tính bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và sự đóng góp to lớn của các tầng lớp phụ nữ.
“Vẫn còn nhiều địa phương, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đang thiếu vắng sự tham gia của phụ nữ ở vai trò lãnh đạo chủ chốt, đặc biệt là người đứng đầu. Vẫn còn cơ sở không có cấp ủy viên là nữ; nhiều nơi không có nữ tham gia ban thường vụ cấp ủy; tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân có nơi chưa đạt 20%....”, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết.
Phát biểu ý kiến tại tọa đàm, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện công tác cán bộ nữ, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu và hệ thống chính trị đối với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, chủ trương của Đảng đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và những mục tiêu, chương trình về bình đẳng giới.
Bổ sung, thực hiện có hiệu quả các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới sát với thực tiễn Việt Nam; có giải pháp khắc phục khó khăn, thách thức, hạn chế về: chính sách, pháp luật; tính bền vững của kết quả đạt được; tạo cơ hội bình đẳng cho phụ nữ; rút ngắn khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa cán bộ nam và cán bộ nữ… Đồng thời, động viên đội ngũ cán bộ nữ phấn đấu, rèn luyện nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất, uy tín đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới.
Đồng chí Trương Thị Mai lưu ý, cần quan tâm phát triển, tạo nguồn, bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch, luân chuyển, bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm, giới thiệu, ứng cử đối với cán bộ nữ trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị; bảo đảm đạt được mục tiêu tỷ lệ nữ, trong cấp ủy, cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử, doanh nghiệp…Tăng cường sự tham gia tích cực của cán bộ nam trong thực hiện Nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ nữ.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận về thực trạng, nguyên nhân chưa đạt được các chỉ tiêu về cán bộ nữ theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW và Chỉ thị 21/CT-TW về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới. Đồng thời, các ý kiến đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện công tác cán bộ nữ theo yêu cầu đã đặt ra.
Trong đó, các ý kiến nhấn mạnh cần chú trọng rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật và chính sách gây bất bình đẳng đối với phụ nữ trong các lĩnh vực; bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi văn bản quy phạm pháp luật. Các cấp ủy đảng, lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị cần bảo đảm cơ cấu cán bộ nữ trong quy hoạch theo đúng tỷ lệ nữ đã được quy định; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo nữ đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, trình độ và năng lực để đưa vào quy hoạch.