Xây dựng, phát triển không gian ngầm
Những năm gần đây, TP Hà Nội đã đẩy mạnh chủ trương xây dựng, phát triển không gian ngầm. Đầu năm nay, Hà Nội tái khởi động đồ án quy hoạch ga-ra ngầm trên địa bàn bốn quận nội thành gồm: Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Ba Đình.
UBND thành phố thống nhất quy mô ba dự án bãi đỗ xe ngầm tại Công viên Nhân Chính, Nhà thi đấu Quần Ngựa và Công viên Thống Nhất. Riêng bãi đỗ xe trong Công viên Thống Nhất sẽ được xây dựng với quy mô năm tầng hầm. Thành phố giao các cơ quan chức năng nghiên cứu thêm khu vực đỗ xe ngầm từ cổng chính công viên đến hồ. Để triển khai, Hà Nội đã lấy ý kiến các bộ, ngành về lựa chọn Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd (Nhật Bản) lập quy hoạch bãi đỗ xe ngầm tại bốn quận nêu trên. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đồng ý với đề xuất của TP Hà Nội về việc lựa chọn nhà thầu này.
Trong mấy tháng qua, nhiều chuyên gia quản lý đô thị, giới quy hoạch đồng tình, ủng hộ và có những đóng góp tâm huyết về quy hoạch không gian ngầm đối với sự phát triển đô thị của Hà Nội. Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội phân tích: “Quy hoạch không gian ngầm là bước đi cần thiết đầu tiên cần xác lập. Sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030 tầm nhìn đến 2050 được phê duyệt, chúng ta đã có kế hoạch lập quy hoạch không gian ngầm Hà Nội. Song, đây là loại hình quy hoạch mới, liên quan đến đa ngành, chịu tác động của không gian trên mặt đất và mức độ tăng trưởng kinh tế - xã hội. Do vậy, cần có những phương án thích hợp, lựa chọn bài học kinh nghiệm của nước ngoài và ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại”.
Về quá trình thực hiện, chuyên viên Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd Nguyễn Công Giang phân tích, việc thiếu các cơ sở dữ liệu về hiện trạng không gian bên dưới mặt đất như địa chất, thủy văn, số lượng công trình, vị trí công trình,… chính là “chướng ngại vật” lớn nhất của quy hoạch không gian ngầm ở Hà Nội. “Bây giờ chính là thời điểm thích hợp để các cơ quan chức năng nhanh chóng tổ chức khảo sát, đánh giá đầy đủ hiện trạng không gian bên dưới mặt đất, như vậy mới có cơ sở để lập quy hoạch", ông Nguyễn Công Giang nhấn mạnh.
Đồng tình với những ý kiến nêu trên, nhiều chuyên gia cho rằng, để thực hiện quy hoạch không gian ngầm Hà Nội, trước mắt, cần phải tổng hợp đánh giá hiện trạng về xây dựng công trình trên mặt đất và không gian ngầm cục bộ đã có. Chẳng hạn, trong quy hoạch và triển khai các tuyến tàu điện ngầm Hà Nội, nổi bật nhất là tuyến đường sắt số 2. Giai đoạn 1 dự án là đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, có chiều dài 11,5 km, gồm 10 nhà ga; trong đó có 8,5 km tàu điện sẽ đi ngầm qua các khu vực trung tâm thành phố như: Sân vận động Quần Ngựa, Hồ Tây, phố cổ, Hồ Gươm… cần được tích hợp trong quy hoạch không gian ngầm nên rất cần sự phối hợp tích cực của nhiều cơ quan, đơn vị. Các cơ quan chuyên môn cũng cần sớm tổ chức nghiên cứu để đề xuất cụ thể các cơ chế chính sách liên quan. Thí dụ như: Cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình ngầm, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay chính sách trả tiền thuế đất nếu xây dựng công trình ngầm nhằm mục đích kinh doanh, chính sách hỗ trợ, ưu đãi… khi thực hiện.
Tiềm năng khai thác không gian ngầm cho phát triển và chỉnh trang đô thị tại các thành phố của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng là rất lớn. Một kiến trúc sư đã nhận xét: Không gian dưới lòng đất là nguồn tài nguyên quý giá hết sức đặc biệt. Do đó, bất cứ bản quy hoạch không gian ngầm nào cũng cần có tầm nhìn xa, bởi nó giúp cho đô thị phát triển bền vững nhưng cũng cần được khai thác bền vững bởi tính chất không thể đảo ngược sau khi xây dựng và sự hữu hạn của quỹ đất ngầm.
Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/34091702-xay-dung-phat-trien-khong-gian-ngam.html