Xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại

Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thủ đô sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế riêng có, xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Tại cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Thường trực Thành ủy Hà Nội ngày 6/5, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, thời gian qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội, Thành phố đã phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, chủ động tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; kịp thời chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ có tính chiến lược, căn cơ, lâu dài cho sự phát triển của Thủ đô; đồng thời, giải quyết tốt các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, toàn diện trên các lĩnh vực.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Thường trực Thành ủy Hà Nội

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Thường trực Thành ủy Hà Nội

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, thành phố sẽ tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Thành viên Chính phủ và của các bộ, ngành tại cuộc họp và cụ thể hóa thành các kế hoạch để tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

TP. Hà Nội trân trọng cảm ơn Chính phủ đã xem xét, chấp thuận các kiến nghị, đề xuất của Thành phố liên quan đến cơ chế tài chính, thu hút và sử dụng nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội, du lịch, bảo tồn di sản, giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc trên địa bàn…

"Đây là hành lang pháp lý đặc thù, quan trọng để tạo động lực và tăng cường huy động các nguồn lực giúp Hà Nội phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới", Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Hà Nội mong muốn các cơ quan Trung ương luôn quan tâm, đồng hành cùng Thành phố trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô mà trước mắt là đồng hành, hỗ trợ Hà Nội sớm thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi); Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và triển khai đưa vào sử dụng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô theo đúng tiến độ đã đề ra.

Cũng theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Thành phố nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò và xác định rõ trách nhiệm của Thủ đô là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế, một động lực phát triển của Vùng đồng bằng Sông Hồng và cả nước. Vì vậy, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thủ đô tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế riêng có, xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Nêu ý kiến tại cuộc làm việc trước đó, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, những điểm sáng tích cực của Hà Nội là tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng trên địa bàn gần 178.000 tỷ đồng; thu nội địa đạt cao thể hiện cơ cấu bền vững; đứng thứ 2 toàn quốc về thu hút FDI với trên 7.000 dự án còn hiệu lực và vốn đầu tư 61,7 tỷ USD… Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng Hà Nội còn gặp thách thức, khó khăn, đặc biệt là vấn đề huy động vốn ngoài ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị TP. Hà Nội cần tập trung ưu tiên mọi nguồn lực, quan tâm tháo gỡ cho doanh nghiệp, đặc biệt đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô.

Liên quan đến các kiến nghị của Hà Nội về cơ chế đặc thù đối với dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô theo hình thức hợp tác công tư (PPP), dự án tuyến đường sắt đô thị số 6 đoạn Nội Bài-Ngọc Hồi; phát triển nhà ở xã hội; phát triển quỹ đất..., Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết Bộ sẽ bàn bạc với các bộ, ngành liên quan để giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, về công tác quy hoạch, Hà Nội cần tiếp tục tăng cường và sớm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đang được TP. Hà Nội triển khai. Hà Nội cũng cần rà soát lại quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để có điều chỉnh bổ sung phù hợp, bảo đảm tính khả thi.

Bên cạnh đó, Hà Nội cần tăng cường quản lý trật tự đô thị xây dựng trên địa bàn. Quan tâm cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Đồng thời tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai các dự án bất động sản trên địa bàn theo đúng thẩm quyền.

Liên quan đến dự án đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội, hiện nay tiến độ tổng thể chung đạt hơn 60%. Bộ Xây dựng đề nghị Thành phố cần hoàn thành thủ tục chấp thuận các hạng mục công trình phòng cháy, chữa cháy, thủ tục đăng kiểm, sớm đẩy nhanh công tác tuyển dụng đào tạo nhân sự…

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, thời gian qua, Trung ương và Hà Nội rất quyết tâm và ưu tiên tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông Thành phố như Vành đai 1, Vành đai 2… và nhiều công trình khác; đã đầu tư, hoàn thành 6 cao tốc như: Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Bắc Giang, Hà Nội-Hải Phòng…Đây cũng là yếu tố để giúp Hà Nội tăng cường kết nối với các tỉnh, thành phố trong khu vực, giảm ùn tắc giao thông, góp phần phát triển kinh tế cho Thủ đô cũng như các địa phương khác.

Đối với các kiến nghị liên quan Vành đai 4, các tuyến đường sắt đô thị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Chính phủ sẽ phân công các bộ, ngành liên quan hướng dẫn cụ thể trong tháng 5/2023. Đối với các kiến nghị về phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ sẽ tiếp tục xem xét, giải quyết trên cơ sở TP. Hà Nội tính toán nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại buổi làm việc.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại buổi làm việc.

Về một số kiến nghị chưa có cơ chế, chính sách như liên quan ngân sách hoặc cơ chế đặc thù, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị TP. Hà Nội đề xuất sớm, cụ thể, trên cơ sở đó sẽ chỉ đạo các bộ, ngành theo thẩm quyền xử lý sớm. Còn đối chính sách đã có nhưng chưa phù hợp hoặc trong thời gian triển khai còn vướng hoặc chưa hiệu quả như liên quan lĩnh vực nhà ở, đề nghị TP. Hà Nội nêu kiến nghị cụ thể, từ đó theo căn cứ thẩm quyền, Chính phủ sẽ có giải pháp xử lý

Đăng Nguyên

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/xay-dung-phat-trien-thu-do-ngay-cang-giau-dep-van-minh-hien-dai-20230508102512808.htm