Xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp
Những năm gần đây, huyện Lạc Sơn quan tâm, chú trọng xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp. Nhờ đó, giúp quản lý tốt hơn về chất lượng sản phẩm, tăng khả năng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả kinh tế và thu nhập cho nông hộ, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong ngành nông nghiệp, khai thác thế mạnh của địa phương.
Gà ri Lạc Sơn không chỉ là đặc sản nổi tiếng của huyện mà còn là đặc sản của tỉnh. Giống gốc có chất lượng tốt, thịt săn chắc, thơm ngon. Về đặc điểm, gà Lạc Sơn có màu lông chính là màu vàng rơm (gà mái), màu đỏ tía (gà trống), dáng gà thanh, đầu nhỏ, mỏ màu vàng hoặc đen, cổ và lưng dài, chân nhỏ có màu vàng. Các dịp lễ, Tết, gà ri Lạc Sơn không đủ nguồn cung cho thị trường. Tuy nhiên trước đây, thương hiệu gà Lạc Sơn bị nhiều người tiêu dùng nhầm lẫn với sản phẩm khác. Việc chăn nuôi gà chủ yếu theo phương thức nhỏ lẻ, quy mô dưới 30 con/lứa chiếm khoảng 96%. Phương thức bán chăn thả hình thành chưa lâu, chiếm 4% số hộ nuôi gà toàn huyện.
Sau nhiều nỗ lực xây dựng, thương hiệu gà Lạc Sơn đã được bảo hộ chứng nhận nhãn hiệu từ năm 2019. Tổng đàn gà của huyện tính đến thời điểm này có hơn 1,1 triệu con. Hiện nay đã thành lập một số cơ sở sản xuất chăn nuôi gà theo hướng trang trại, liên kết thị trường tiêu thụ. Tiêu biểu là HTX gà đồi Hương Nhượng, HTX chăn nuôi và cung ứng gà thả vườn Lạc Sơn - xã Hương Nhượng; HTX chăn nuôi và cung ứng gà Chí Thiện - xã Quyết Thắng; HTX chăn nuôi và cung ứng gà, dịch vụ nông nghiệp Huy Tuấn - xã Vũ Bình. Anh Bùi Văn Huế, Giám đốc HTX chăn nuôi và cung ứng gà Chí Thiện chia sẻ: Bên cạnh thương hiệu gà Lạc Sơn đã có, HTX chủ động xây dựng chuỗi giá trị gà được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Đây là "chìa khóa” để hỗ trợ hộ thành viên tiếp cận với thị trường lớn. HTX cũng đứng ra hỗ trợ các tổ hợp sản xuất cung ứng sản phẩm cho các mối hàng theo liên kết tiêu thụ.
Trước đó, nhãn hiệu tập thể "Hạt dổi Lạc Sơn” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ. Thương hiệu hạt dổi Lạc Sơn gắn với vùng đất xã Chí Đạo và ngày càng phát triển, mở rộng vùng trồng ra các xã lân cận thuộc phía Tây. Đến nay, tại xã Chí Đạo đã thành lập được 1 HTX cung ứng dổi ở xóm Be Trên. Tại xã Thượng Cốc có hộ ông Hoàng Văn Giang xây dựng vườn ươm giống dổi ghép và trồng dổi lấy hạt thương phẩm trên diện tích hơn 3 ha. Với diện tích cây dổi quý đã góp phần đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo ở các xã, trở thành cây làm giàu, mang lại nguồn thu nhập chính của hàng trăm hộ dân. Cùng với việc được bảo hộ chứng nhận nhãn hiệu, hạt dổi Lạc Sơn đã bảo vệ được thương hiệu, chất lượng trước sự xâm nhập của các loại hạt dổi tràn lan trên thị trường. Giống cây dổi do địa phương sản xuất được khách hàng ở mọi miền lựa chọn, nhiều tỉnh ở Tây Nguyên đang trồng dổi Lạc Sơn để phủ xanh đồi rừng.
Đồng chí Bùi Văn Huân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Ngoài ra, huyện cũng đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể "Cam Lạc Sơn” được cấp chứng nhận năm 2020. Trong thời gian tới, phấn đấu xây dựng nhãn nhiệu tập thể cho một số sản phẩm nông nghiệp như: Măng vùng Cộng Hòa, ớt Phú Lương… Qua đó, uy tín, danh tiếng sản phẩm nông nghiệp của địa phương được khẳng định trên thị trường trong và ngoài nước, đồng thời thúc đẩy sản xuất của người dân, thu hút các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng chuỗi giá trị mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho người dân và doanh nghiệp theo hướng phát triển bền vững.