Xây dựng phòng phục hồi chức năng để hỗ trợ trẻ khuyết tật

Thời gian qua, Tổ chức Medipeace đã tập trung xây dựng, đưa vào hoạt động và nâng cao hiệu quả của các phòng phục hồi chức năng tại nhiều địa phương trong tỉnh, qua đó thiết thực hỗ trợ trẻ khuyết tật. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với Giám đốc Tổ chức Medipeace HỒ SỸ QUẢNG để tìm hiểu về tín hiệu vui mà các phòng phục hồi chức năng mang lại.

- Thưa ông! Mong ông giới thiệu với độc giả Báo Quảng Trị đôi nét về Tổ chức Medipeace và những hoạt động thiết thực hỗ trợ người dân Quảng Trị, đặc biệt là người khuyết tật của dự án?

- Medipeace là tổ chức phi chính phủ Hàn Quốc được thành lập vào năm 2009. Medipeace hỗ trợ các dự án về sức khỏe toàn cầu tại các nước như: Tanzania, Bolivia, Papua New Guinea, Senegal, Philippines, Nepal, Paraguay và Việt Nam. Tại tỉnh Quảng Trị, Medipeace đang thực hiện hai dự án do KOICA tài trợ từ năm 2012 đến nay. Dự án thứ nhất nhằm nâng cao năng lực đào tạo vật lí trị liệu cho đội ngũ giảng viên Trường Cao đẳng Y tế tỉnh và cung cấp trang thiết bị vật lí trị liệu, phục hồi chức năng cho một số bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế trên địa bàn. Dự án thứ hai của chúng tôi là xây dựng, đưa vào hoạt động và nâng cao hiệu quả các phòng phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật tại ba huyện của tỉnh Quảng Trị gồm: Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng.

- Tại sao Tổ chức Medipeace lại quyết định xây dựng các phòng phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật ở một số xã trên địa bàn huyện Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng, thưa ông?

- Có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ với các phụ huynh trẻ khuyết tật, chúng tôi thấu hiểu hơn mong đợi của họ. Ai cũng muốn đưa con đến những trung tâm ở các thành phố lớn để phục hồi chức năng. Ngoài các hộ nghèo, một số gia đình có điệu kiện làm được điều đó nhưng không thể lâu dài. Khi quay về nhà, các thành viên trong gia đình không biết giải quyết các vấn đề khác liên quan đến cuộc sống tự lập cho trẻ tại cộng đồng. Trước đó, chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng đã đào tạo tình nguyện viên và phụ huynh để họ phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật tại nhà. Tuy nhiên, tình nguyện viên không thể đến các gia đình để tập cho trẻ hằng ngày. Trong khi ấy, các phụ huynh luôn bận rộn với công việc nên cũng khó tập trung phục hồi chức năng cho con. Vì vậy, chất lượng và kết quả phục hồi chức năng chưa đáp ứng kì vọng của các phụ huynh.

Để đáp ứng nhu cầu nói trên, Medipeace đã giới thiệu mô hình “Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng” có bổ sung thêm phòng phục hồi chức năng tại xã. Bên cạnh các hoạt động phục hồi chức năng tại nhà như thường lệ, phụ huynh trẻ khuyết tật có thêm lựa chọn là đưa con em mình đến phòng phục hồi chức năng gần nhà để được tiếp cận với phục hồi chức năng chất lượng cao hằng ngày.

- Ông có thể cho biết đến với phòng phục hồi chức năng, trẻ khuyết tật và phụ huynh của các em sẽ được hỗ trợ như thế nào?

- Phòng phục hồi chức năng cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng chất lượng cao, cùng với đó là hỗ trợ thăm khám, tư vấn tại nhà để đảm bảo tính tiếp cận và đạt mục tiêu trẻ sống tự lập. Phòng cũng hỗ trợ dụng cụ trợ giúp phục hồi chức năng và các đồ chơi phát triển cho từng trẻ. Phụ huynh có thể mượn các dụng cụ và đồ chơi về để phục hồi chức năng cho trẻ tại nhà. Thông qua các câu lạc bộ cha mẹ trẻ khuyết tật, chúng tôi tập huấn cho cha mẹ và tổ chức các chương trình “Cha mẹ hạnh phúc - con hạnh phúc”.

 Sự ra đời của các phòng phục hồi chức năng mang lại niềm vui cho phụ huynh và trẻ khuyết tật. Ảnh: QH

Sự ra đời của các phòng phục hồi chức năng mang lại niềm vui cho phụ huynh và trẻ khuyết tật. Ảnh: QH

Tại mỗi phòng phục hồi chức năng có 2 nhân viên y tế thôn thường xuyên làm việc. Trước đó, họ được đào tạo 3 tháng về phục hồi chức năng. Nhằm đảm bảo chất lượng phục hồi chức năng, hằng tuần, nhóm kĩ thuật viên vật lí trị liệu, phục hồi chức năng, giáo viên chuyên về giáo dục trẻ khuyết tật và kĩ thuật viên Hàn Quốc sẽ đến tại các phòng phục hồi chức năng làm việc với nhân viên y tế thôn để phục hồi chức năng cho từng trẻ, đồng hướng dẫn phụ huynh phương pháp phục hồi cho trẻ tại nhà.

- Vậy những tín hiệu vui mà hoạt động của các phòng phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật mang lại là gì?

- Thông qua dự án, Tổ chức Medipeace đã hỗ trợ tỉnh Quảng Trị xây dựng và vận hành 10 phòng phục hồi chức năng tại các xã trên địa bàn. Hằng ngày, có hơn 150 trẻ khuyết tật được phục hồi chức năng tại các cơ sở này. Phòng phục hồi chức năng tại xã đã đáp ứng nhu cầu tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng chất lượng cao cho các gia đình và trẻ khuyết tật. Thời gian qua, số trẻ khuyết tật được đưa đến phục hồi chức năng tăng lên. So với 2017, hiện nay số trẻ đã tăng gấp đôi. Điều đáng mừng là hơn 85% các trẻ phát triển đạt mục tiêu phục hồi chức năng về vận động, tự di chuyển, tự làm các hoạt động sinh hoạt hằng ngày, khả năng về ngôn ngữ, thay đổi hành vi và tương tác xã hội. Qua khảo sát năm 2018, đa số phụ huynh hài lòng với các phòng phục hồi chức năng, trong đó 95% hài lòng ở mức cao nhất 5/5 và 5% hài lòng ở mức 4/5, không có ai hài lòng dưới mức 4/5. Không chỉ ở trong xã, nhiều phụ huynh từ các xã khác cũng vượt đường sá xa xôi để đưa con đến phòng phục hồi chức năng. Điều đó chứng tỏ là các phòng phục hồi chức năng đã có “thương hiệu” và nhận được sự tín nhiệm của cộng đồng. Để nâng cao hiệu quả phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật, dự án cũng đào tạo cho cha mẹ trẻ khuyết tật về phục hồi chức năng giúp họ có thể cùng tham gia phục hồi chức năng cho trẻ tại nhà. Chúng tôi còn rất chú trọng đến cải thiện điều kiện sống tại các gia đình nhằm đảm bảo tính tiếp cận và sống tự lập của trẻ khuyết tật thông qua hoạt động xây dựng, cải thiện nhà ở cho 120 gia đình có trẻ khuyết tật. Việc làm này mang lại niềm vui cho cả phụ huynh lẫn trẻ khuyết tật.

- Đề nghị ông cho biết thời gian tới, Tổ chức Medipeace có kế hoạch gì để phát huy hiệu quả của các phòng phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật?

- Điều phụ huynh trẻ khuyết tật mong mỏi nhất chính là con em mình có thể đi học và sống tự lập. Để đáp ứng mong đợi của các phụ huynh, chúng tôi sẽ tăng cường một số lĩnh vực, hoạt động cho các phòng phục hồi chức năng tại xã. Trước tiên, chúng tôi sẽ chú trọng phát triển nhóm đa chuyên ngành gồm: Bác sĩ phục hồi chức năng, kĩ thuật viên vật lí trị liệu, phục hồi chức năng, kĩ thuật viên nghề nghiệp trị liệu, giáo viên chuyên về giáo dục trẻ khuyết tật, kĩ thuật viên ngôn ngữ trị liệu và kĩ thuật viên dụng cụ trợ giúp để hỗ trợ lượng giá, chẩn đoán và lập kế hoạch phục hồi chức năng toàn diện cho từng trẻ khuyết tật, cùng với đó là dự án tăng cường can thiệp sớm về giáo dục và ngôn ngữ trị liệu cho các em nhỏ. Một hoạt động khác mà chúng tôi sẽ chú trọng hơn nữa trong thời gian tới là tăng cường thăm khám và tư vấn tại nhà cũng như hỗ trợ gia đình cải thiện tính tiếp cận cho trẻ tại nhà và cộng đồng. Dự án cũng sẽ tăng cường các chương trình giáo dục cho phụ huynh về phục hồi chức năng tại nhà. Với các chức năng cung cấp dịch vụ chất lượng cao và cầu nối với các chuyên gia, phòng phục hồi chức năng sẽ là móc xích quan trọng trong Chương trình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng tại Quảng Trị.

- Xin cảm ơn ông!

Tây Long (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=144271