Xây dựng Phù Ninh phát triển toàn diện, bền vững

Phù Ninh là vùng đất cổ có bề dày lịch sử, sau nhiều năm xây đắp đã tạo nên những giá trị văn hóa truyền thống đầy bản sắc. Những mốc son lịch sử cùng truyền thống anh dũng, kiên cường của quân và dân Phù Ninh trong công cuộc kháng chiến kiến quốc là nguồn cổ vũ, động viên to lớn, tiếp thêm sức mạnh cho các thế hệ hôm nay và mai sau nỗ lực thi đua, lập thành tích xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Một góc Phù Ninh hôm nay.

Là huyện miền núi, nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh, Phù Ninh đã trải qua bao thăng trầm theo dòng chảy lịch sử của dân tộc. Trước khi có Đảng, nhân dân trong huyện phải sống dưới chế độ áp bức bóc lột của thực dân Pháp và phong kiến, cuộc sống lầm than, cơ cực.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, mở ra một bước ngoặt lịch sử cho cách mạng Việt Nam. Từ đây nhân dân cả nước nói chung và nhân dân huyện Phù Ninh nói riêng đã có Đảng đưa đường, chỉ lối. Cách mạng Tháng Tám thành công tiếp thêm khí thế, sức mạnh, quyết tâm đánh tan quân xâm lược.Năm 1947, Chi bộ Phù Ninh (tiền thân của Đảng bộ huyện Phù Ninh ngày nay) được thành lập. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ Đảng, quân và dân Phù Ninh vững tay súng, chắc tay liềm bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, góp phần làm nên chiến thắng sông Lô năm 1947 mà đỉnh cao là chiến thắng Chân Mộng - Trạm Thản, Đồi Chò- Núi Quyết năm 1952, khẳng định tinh thần bất khuất, chiến đấu ngoan cường của quân và dân Phù Ninh, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi.Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Phù Ninh vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa sản xuất khôi phục kinh tế, tích cực chi viện cho miền Nam. Một lần nữa, huyện Phù Ninh trở thành căn cứ địa quan trọng để các cơ quan của Trung ương, của tỉnh về sơ tán. Với khẩu hiệu và quyết tâm “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, quân và dân Phù Ninh đã cùng với nhân dân cả nước làm nên đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Non sông thu về một mối, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Phù Ninh tiếp tục tiến hành hai nhiệm vụ quan trọng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.Sau nhiều lần sáp nhập rồi chia tách, năm 1999, huyện Phù Ninh chính thức được tái lập. Kế thừa truyền thống cách mạng với tinh thần đoàn kết, thống nhất cao, Phù Ninh đã nỗ lực, từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bộ mặt nông thôn khởi sắc, tạo sự phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (2016-2020) đạt 8,75%. Giá trị tăng thêm bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 1,8%. Các khu vực kinh tế đều có bước phát triển, quy mô được mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỉ trọng ngành CN - TTCN - xây dựng 57,3%; TM-DV 25,1%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 17,6%. Những năm gần đây, Phù Ninh đã nỗ lực, tận dụng thời cơ, huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, tạo sự đột phá về kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới. Huyện thực hiện tốt công tác lập quy hoạch, huy động lồng ghép các nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, nước, hạ tầng văn hóa - xã hội, hạ tầng các cụm công nghiệp; tăng cường phối hợp, triển khai hiệu quả các dự án của Trung ương, của tỉnh đầu tư trên địa bàn.Trong lĩnh vực CN-TTCN, huyện tập trung nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, ưu tiên các ngành, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế. Tăng cường các biện pháp tháo gỡ khó khăn, đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp, bố trí không gian sản xuất công nghiệp hợp lý, tạo mọi điều kiện về cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Chú trọng đẩy mạnh phát triển các ngành TTCN, dịch vụ ở khu vực nông thôn, duy trì, phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống và nhân cấy nghề mới. Giá trị tăng thêm ngành CN - TTCN của huyện bình quân hằng năm khoảng 11%. Hoạt động TM-DV được duy trì ổn định; công tác quản lý thị trường, xúc tiến thương mại được tăng cường. Hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ được đầu tư mở rộng và phát triển cả về số lượng, chất lượng. Các dịch vụ tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính, viễn thông đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân...Lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện. Phát huy tiềm năng, lợi thế các tiểu vùng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng vùng chè, thay thế giống cũ; chuyển đổi diện tích bạch đàn chồi để phát triển diện tích cây ăn quả; xây dựng thương hiệu sản phẩm hồng không hạt Gia Thanh, cá thính Tử Đà…; cơ cấu lại đàn vật nuôi, khuyến khích phát triển chăn nuôi công nghiệp, nuôi trồng thủy sản có quy mô lớn, giá trị kinh tế cao. Đến nay, giá trị sản phẩm bình quân trên một ha đất canh tác nông, lâm nghiệp và thủy sản của huyện đạt trên 103 triệu đồng/năm.Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được huyện triển khai quyết liệt, có trọng tâm theo thứ tự ưu tiên. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đến nay, huyện có 14/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hai xã đã đạt tiêu chí, đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu đến năm 2025, cơ bản đạt huyện nông thôn mới.Lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ và đạt kết quả tích cực. Công tác y tế, giáo dục được quan tâm toàn diện cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh, an sinh xã hội được đảm bảo. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, từ Chi bộ chỉ có 10 đảng viên khi mới thành lập, đến nay Đảng bộ huyện Phù Ninh có 36 chi, đảng bộ trực thuộc với trên 7.300 đảng viên. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được Đảng bộ huyện đặc biệt chú trọng, trong đó tập trung chỉ đạo toàn diện, gắn việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện các Nghị quyết, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và chất lượng đảng viên được nâng lên; hệ thống chính trị được kiện toàn, củng cố, tinh gọn, hoạt động hiệu quả; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội được đổi mới, tập trung hướng về cơ sở. Những thành tựu của ngày hôm nay minh chứng cho tinh thần, ý chí mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức; khẳng định vai trò kiến tạo phát triển, quyết tâm hành động đổi mới của các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Phù Ninh với tinh thần: “Tăng cường xây dựng Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng huyện Phù Ninh cơ bản đạt huyện nông thôn mới”.Tin tưởng rằng, với những giá trị truyền thống tốt đẹp cùng quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phù Ninh sẽ tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới, đạt được nhiều thành tựu mang dấu ấn lịch sử, xây dựng huyện Phù Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hạnh phúc.

Nguyễn Thị Tố Uyên - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Phù Ninh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/202205/xay-dung-phu-ninh-phat-trien-toan-dien-ben-vung-184323