Xây dựng phương án lấy nước, thủy triều là yếu tố quan trọng nhất
Hiện nay, nông dân ở các tỉnh, thành phố trung du và Đồng bằng sông Hồng đang lấy nước đổ ải để phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân 2024-2025. Việc lấy nước đổ ải như thế nào, có điểm gì mới so với các năm trước? Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xung quanh vấn đề này.
Phóng viên (PV): Công tác lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân 2024-2025 ở các tỉnh, thành phố trung du và Đồng bằng sông Hồng hiện nay triển khai như thế nào, thưa đồng chí?
Ông Nguyễn Hồng Khanh: Kết thúc 5 ngày lấy nước đợt 1 (từ ngày 12 đến 16-1), tổng diện tích có nước để gieo cấy là 181.446ha/488.615ha (đạt 37,1% tổng diện tích theo kế hoạch) bao gồm các tỉnh, thành phố: Phú Thọ: 83,5%; Nam Định: 60,5%; Ninh Bình: 43,4%; Hà Nam: 42,5%; Vĩnh Phúc: 35,4%; Hải Phòng: 31,1%; Thái Bình: 31%; Hải Dương: 29,2%; Hà Nội: 20%; Hưng Yên: 14,7%; Bắc Ninh 11,7%. So với các năm trước đây, diện tích có nước đợt 1 thấp hơn 10-20%, nguyên nhân là do cả khu vực Bắc Bộ hầu hết không có mưa, đồng ruộng khô nên dẫn đến tăng lượng nước phục vụ làm đất, nhưng đây vẫn là mức nằm trong kế hoạch ban đầu.
Sau đợt 1, các địa phương vẫn tiếp tục vận hành công trình thủy lợi lấy nước bằng các trạm bơm dã chiến, lợi dụng thủy triều lên để lấy nước... Dự kiến đến trước lấy nước đợt 2, diện tích đủ nước để làm đất sẽ tăng thêm khoảng 10-15% (đạt 50-55%, đạt mức như kế hoạch). Toàn bộ diện tích gieo cấy lúa đông xuân sẽ được cấp đủ nước trong đợt 2.
Dự kiến bắt đầu từ ngày 8 đến 14-2-2025 (7 ngày) sẽ lấy nước đợt 2, các nhà máy thủy điện sẽ vận hành tối đa công suất phát điện trước khoảng 2-3 ngày và dòng chảy được duy trì ở mức cao (mực nước dự kiến trung bình đạt khoảng 1,7-1,9m tại Trạm Thủy văn Hà Nội) nên các công trình thủy lợi sẽ có điều kiện thuận lợi để lấy nước.
PV: Lòng sông Hồng nhiều năm nay đã bị tụt xuống rất thấp gây khó khăn cho các địa phương trong việc lấy nước; vậy ngành thủy lợi đã, đang và sẽ có những giải pháp nào để khắc phục tình trạng này, thưa đồng chí?
Ông Nguyễn Hồng Khanh: Tình trạng hạ thấp lòng dẫn sông Hồng tiếp tục diễn biến phức tạp làm mực nước sông tiếp tục bị hạ thấp ảnh hưởng đến hiệu quả lấy nước của các công trình thủy lợi. Tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay; đặc biệt trận lũ sau cơn bão số 3 năm 2024 vừa qua khiến mực nước càng khó dự báo khi lòng sông bị hạ thấp tác động đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi. Cục Thủy lợi đang tiếp tục theo dõi mực nước vụ đông xuân 2024-2025 này.
Về giải pháp khắc phục tình trạng hạ thấp mực nước trên các sông; vài năm gần đây, nhiều công trình thủy lợi lấy nước đã được xây dựng và nâng cấp, có khả năng vận hành chủ động, ít phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện như các trạm bơm: Thanh Điềm, Đan Hoài hay các trạm bơm dã chiến: Phù Sa, Trung Hà (TP Hà Nội), Xuân Quan (Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải), Tri Phương (tỉnh Bắc Ninh)...
Về lâu dài, các giải pháp công trình và phi công trình đã được tính toán, xem xét trong Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 847/QĐ-TTg ngày 14-7-2023 gồm: Xây dựng đập dâng, công trình dâng nước trên dòng chính sông Hồng; nâng cấp, xây dựng mới các trạm bơm lấy nước trên dòng chính các sông trong mùa khô tại một số vùng do mực nước sông bị hạ thấp.
PV: Các cống, công trình thủy lợi, đặc biệt trạm bơm được xây dựng trước đây thường gặp khó khăn trong lấy nước. Vậy những trạm bơm dã chiến mới xây những năm gần đây lấy nước hiệu quả ra sao, thưa đồng chí?
Ông Nguyễn Hồng Khanh: Trạm bơm dã chiến có nhiều ưu điểm như thi công nhanh, phù hợp với nhiều loại địa hình, có khả năng nâng cấp, kéo dài đường ống dễ dàng nên là lựa chọn tốt nhất để hỗ trợ những công trình thủy lợi trên dòng chính không có khả năng hoặc ít có khả năng lấy nước phục vụ sản xuất. Hiệu quả của các trạm bơm dã chiến được đầu tư xây dựng những năm gần đây là rất rõ ràng. Đơn cử như Trạm bơm dã chiến Phù Sa (thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) hiện đảm nhận nhiệm vụ tưới với quy mô 32 máy x 1.100m3/giờ, có thể vận hành bơm khi mực nước sông ở mức khoảng 1,3m, bảo đảm cung cấp nước cho khoảng 4.200ha lúa của các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây (TP Hà Nội). Trạm bơm dã chiến Trung Hà (TP Hà Nội) được xây dựng quy mô gồm 15 máy x 1.100m3/giờ và bơm ở cao trình thiết kế 2,5m sẽ bảo đảm cung cấp nước cho 3.300ha lúa của huyện Ba Vì. Với việc kịp thời đưa vào vận hành các trạm bơm dã chiến như Phù Sa và Trung Hà, ngay từ vụ đông xuân 2023-2024 đã giúp giảm áp lực cho TP Hà Nội trong các đợt lấy nước và chủ động nguồn nước cấp cho các vùng thường xuyên gặp khó khăn về nước trong các vụ đông xuân.
PV: Để tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn nước xả từ các hồ thủy điện, việc tính toán thủy triều, triều cường chính xác sẽ tác động như thế nào đối với việc lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân, thưa đồng chí?
Ông Nguyễn Hồng Khanh: Lịch lấy nước được xây dựng theo 5 tiêu chí: Bảo đảm khung thời vụ tốt nhất, tiết kiệm lượng nước xả từ các hồ chứa thủy điện, lợi dụng tối đa ảnh hưởng của thủy triều, duy trì mực nước tại các trạm khống chế (Trạm Thủy văn Hà Nội, Trạm Thủy văn Sơn Tây) hợp lý phù hợp với khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi, ưu tiên lịch lấy nước thuận lợi cho địa phương phía thượng nguồn (do khó khăn trong việc trữ nước). Phương án lấy nước được Viện Quy hoạch Thủy lợi tính toán dựa trên các tiêu chí để đề xuất phương án tối ưu.
Trong xây dựng phương án lấy nước, thủy triều là yếu tố quan trọng nhất quyết định trực tiếp đến việc lựa chọn thời gian bắt đầu, kết thúc và số ngày trong mỗi đợt lấy nước. Do đó, việc tính toán chính xác đỉnh triều và thời gian xuất hiện sẽ giúp tăng khả năng lợi dụng thủy triều để nâng cao mực nước ở hạ du cho các công trình thủy lợi, tận dụng được tối đa lượng nước xả từ các hồ chứa thủy điện. Trường hợp các nhà máy thủy điện xả nước vào ngày thủy triều thấp (kể cả xả tối đa công suất phát điện), các nhà máy thủy điện cũng không thể dâng được mực nước cho hạ du, tất cả lượng nước xả sẽ đổ ra biển gây lãng phí.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!