Xây dựng phường, xã là pháo đài về an ninh trật tự
Ngày 20/6, Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm đồng tình về sự cần thiết xây dựng luật.
Trình bày Tờ trình, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, việc xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; giảm chi ngân sách nhà nước; cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.
“Việc xây dựng Luật tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn trong xây dựng, hoạt động, quản lý, sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở” - Đại tướng Tô Lâm cho hay.
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành luật. Thực tế hiện nay, đa số các vụ, việc có liên quan đến an ninh, trật tự đều xảy ra ở cơ sở, cần phải được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời từ sớm, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả cho xã hội. Tuy nhiên, hoạt động của lực lượng công an chính quy tại xã, phường, thị trấn hiện nay gặp nhiều khó khăn trong quán xuyến địa bàn, hiểu biết về phong tục tập quán, sử dụng tiếng dân tộc thiểu số nên cần có sự tham gia của các lực lượng quần chúng ở cơ sở, nhất là lực lượng công an xã bán chuyên trách trước đây, bảo vệ dân phố, dân phòng là một đòi hỏi tất yếu.
Theo ông Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, dự thảo luật đã quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp quy định của Hiến pháp, pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, do nội dung dự thảo luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an nhân dân và một số lực lượng khác có liên quan ở cơ sở, nên đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; bảo đảm chặt chẽ, khả thi khi áp dụng luật.
ĐBQH Phạm Thị Hồng Yến (đoàn Bình Thuận) cho rằng, dự thảo luật nên xây dựng dưới góc độ bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở, trong đó các chương, các nội dung quy định về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh ở cơ sở theo hướng lực lượng này là nòng cốt trong việc thực hiện nhiệm vụ về bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở. Góc độ tiếp cận này sẽ bảo đảm được tính toàn diện, bao quát, kết hợp với các lực lượng khác ở cơ sở để thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được Quốc hội thông qua. Từ đó tạo ra các khung khổ pháp luật để đảm bảo được tính dân chủ, an ninh, trật tự trong các hoạt động ở cơ sở.
Theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh), tình hình an ninh, trật tự ở một số cơ sở còn phức tạp mà lực lượng công an hiện nay, cụ thể là công an chính quy phường một số nơi cũng không đủ lực lượng để quản trị tình hình trật tự địa phương. Do vậy có thêm lực lượng để tham gia bảo vệ an ninh trật tự từ cơ sở là rất tốt và cần thiết.
Phát biểu tại tổ, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, mục tiêu đặt ra là xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, mọi người dân đều được hưởng hạnh phúc, an toàn, không ai bị đe dọa, không ai bị ảnh hưởng. Xã, phường nào cũng tốt thì quận, huyện tốt, tỉnh tốt, cả quốc gia tốt. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng có điểm mới là quan tâm an ninh, an toàn không phải chỉ an ninh quốc gia, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, sự bền vững của chế độ mà an ninh, an toàn đến cá nhân từng con người. Điều này rất quan trọng với người dân, với cơ sở.
“Theo Bộ trưởng mục tiêu cuộc sống ấm no, hạnh phúc, hòa bình, an ninh, an toàn, thảnh thơi chứ không phải lúc nào cũng lo sợ. Xã bám cơ sở, quan tâm từng gia đình, từng người dân là rất quan trọng. Mục tiêu xây dựng cơ sở phường, xã là những pháo đài về an ninh trật tự, là nơi được bảo đảm an ninh, an toàn nhất” - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, đồng thời cho biết, việc tăng cường công an chính quy về xã không những đảm bảo an ninh, an toàn mà phải vận động quần chúng nhân dân, cải cách thủ tục hành chính, phục vụ nhân dân ngay tại chỗ.
“Trăm thứ việc đều ở phường, xã, từ cứu hộ cứu nạn, giải quyết mâu thuẫn, đến quản lý cải tạo người phạm tội, tù tha về cũng ở xã. Công việc vô cùng nhiều. Cơ cấu công an là không đủ nên cần sự tham gia của lực lượng trị an cơ sở, nhất là vai trò tham gia của nhân dân” - Bộ trưởng Tô Lâm nói và khẳng định, sự tham gia của lực lượng trị an ở cơ sở như “cánh tay nối dài”, làm tốt hơn công tác dân vận.