Xây dựng Quân đội 'người trước, súng sau'

Từ khi sáng lập, giáo dục và rèn luyện Quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định và nhất quán phương châm xây dựng Quân đội 'người trước, súng sau'. Tư tưởng của Người chính là 'kim chỉ nam' trong xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Trong bối cảnh mới, tư tưởng 'người trước, súng sau' đã trở thành nguyên tắc hành động và là tiêu chí trong công tác xây dựng, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ toàn quân, để mỗi cán bộ, chiến sĩ vừa giỏi về tác chiến, vừa giàu lòng yêu nước, sẵn sàng chiến đấu hi sinh, bảo vệ Tổ quốc.

BĐBP Điện Biên luôn có mặt ở địa bàn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và hướng dẫn người dân lao động sản xuất. Ảnh: Bích Nguyên

BĐBP Điện Biên luôn có mặt ở địa bàn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và hướng dẫn người dân lao động sản xuất. Ảnh: Bích Nguyên

Là một trong những lực lượng được ưu tiên tiến thẳng lên hiện đại, Quân chủng Hải quân được Đảng, Nhà nước tập trung nguồn lực, đầu tư, mua sắm trang bị những vũ khí hiện đại. Theo đó, Quân chủng Hải quân được phát triển với đầy đủ các thành phần lực lượng như: Tàu mặt nước, tàu ngầm, không quân hải quân, pháo binh - tên lửa bờ, hải quân đánh bộ và đặc công hải quân. Nhiều vũ khí thế hệ mới được mua sắm, làm chủ và đưa vào khai thác sử dụng như: Tàu ngầm, tàu hộ vệ tên lửa, tàu tên lửa, tàu pháo, tên lửa bờ, ra đa cảnh giới tầm xa...

Để bộ đội có thể làm chủ được các trang thiết bị vũ khí hiện đại, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân đã chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục, đào tạo, coi trọng giáo dục truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu, xây dựng niềm tin vào vũ khí, trang bị kỹ thuật và cách đánh của hải quân. Đồng thời, vận dụng những bài học kinh nghiệm đánh giặc trên sông, trên biển của dân tộc, các chiến dịch, các trận chiến đấu, hoạt động tác chiến của bộ đội hải quân trong chiến tranh giải phóng dân tộc để bổ sung, phát triển lý luận nghệ thuật quân sự hải quân phù hợp với tình hình nhiệm vụ, với tổ chức biên chế và vũ khí trang bị hiện có.

Theo Đại tá Vũ Anh Tuấn, Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân, ưu tiên hàng đầu của quân chủng khi được xây dựng tiến thẳng lên hiện đại, trước hết vẫn là yếu tố con người, tập trung hiện đại hóa con người mà yếu tố quan trọng hàng đầu là bản lĩnh chính trị của bộ đội. “Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh "người trước, súng sau", đơn vị đã xác định xây dựng hải quân hiện đại phải bắt nguồn từ nguồn lực con người. Trong đó, bản lĩnh chính trị và ý chí quyết tâm là nhân tố quan trọng hàng đầu. Bởi vậy, trong những năm qua, Quân chủng Hải quân đã thường xuyên đổi mới để nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, làm cho mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhận thức sâu sắc được về tình hình, về nhiệm vụ và xác định rõ đối tượng, đối tác mà luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, cách mạng, có ý chí quyết tâm cao để khắc phục mọi khó khăn, gian khổ và sẵn sàng hi sinh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong tình hình mới” - Đại tá Vũ Anh Tuấn nhấn mạnh.

“Người trước, súng sau” cũng được BĐBP triển khai trong toàn lực lượng. Theo đó, các cơ quan, đơn vị ưu tiên cho việc xây dựng cán bộ, chiến sĩ Biên phòng có bản lĩnh chính trị vững vàng, am hiểu văn hóa, phong tục, tập quán của địa phương, biết tiếng dân tộc thiểu số. Đây là yếu tố mang tính đặc thù vì công tác biên phòng đòi hỏi sự sâu sát, bám dân và bám địa bàn. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP luôn chú trọng việc tuyển chọn cán bộ, chiến sĩ là người dân tộc thiểu số, sinh ra và lớn lên ở vùng biên giới, có khả năng giao tiếp tốt với đồng bào. Mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức dân tộc học, tôn giáo, phong tục tập quán, ngôn ngữ địa phương... để bộ đội gần dân, hiểu dân, vận động nhân dân hiệu quả.

Cùng với đó, để thực hiện tốt chức năng đội quân công tác, các đơn vị BĐBP tổ chức các chương trình, mô hình giúp dân như: "Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản", "Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng”, "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo", "Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới"..., tham gia xóa đói, giảm nghèo, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng sâu, vùng xa.

BĐBP Đắk Lắk bàn giao mô hình nuôi cá thát lát làm sinh kế bền vững cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Văn Ban

BĐBP Đắk Lắk bàn giao mô hình nuôi cá thát lát làm sinh kế bền vững cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Văn Ban

Trong bối cảnh hiện nay, chiến tranh công nghệ cao đã trở nên phổ biến, các nước lớn và nhất là các tập đoàn sản xuất vũ khí liên tục phô trương sức mạnh của vũ khí, liên tục quảng bá tính ưu việt, tính chính xác, sức hủy diệt, công phá của các loại vũ khí công nghệ cao. Một số cuộc chiến tranh gần đây cũng cho thấy, phương thức tiến hành chiến tranh, hình thức tác chiến cũng đã có nhiều thay đổi, chiến tranh đã trở nên mở rộng hơn về không gian, dày đặc hơn về quy mô và cường độ. Điều đó rất dễ dẫn đến những ngộ nhận tuyệt đối vào sức mạnh của vũ khí.

Thiếu tướng Vũ Văn Nhiên, Chủ nhiệm Khoa Lý luận Mác - Lênin, Học viện Quốc phòng khẳng định: “Sức mạnh để làm nên chiến thắng đánh bại kẻ thù trong chiến tranh là sức mạnh tổng hợp. Con người và vũ khí là nền tảng của sức mạnh chiến đấu. Trong quan hệ này thì con người quyết định vũ khí. Đó là vấn đề không thể đảo ngược được”.

Chiến tranh công nghệ cao đang đặt ra những yêu cầu mới cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Một đội quân không thể đem giáo mác, gậy tầm vông để tác chiến, đối phó với máy bay không người lái, tàu chiến sân bay trên biển. Vì thế, cùng với việc hiện đại hóa con người, xây dựng bản lĩnh chính trị và trình độ chiến đấu cho bộ đội, cần tập trung nguồn lực cho việc hiện đại hóa quân đội với những bước đi thích hợp, phù hợp với tiềm lực và khả năng của nền kinh tế. Có được vũ khí, trang bị hiện đại là cơ sở rất quan trọng để nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Trung tướng Vũ Cương Quyết, Viện trưởng Viện Lịch sử và Chiến lược Quốc phòng Việt Nam phân tích: “Xây dựng quân đội hiện đại là phải toàn diện cả về tổ chức, biên chế, trình độ quân sự, chính trị, về nghệ thuật quân sự, về phương thức tác chiến, cả về vũ khí, trang bị kỹ thuật và công tác bảo đảm, chứ không tuyệt đối hóa một yếu tố nào. Việc phải đầu tư mua sắm nhiều vũ khí hiện đại là vấn đề quan trọng trong quá trình xây dựng quân đội hiện đại, nhưng đó không phải là yếu tố quyết định đến xây dựng quân đội hiện đại, mà yếu tố cơ bản nhất phải là yếu tố con người. Do đó, để xây dựng quân đội hiện đại thì trước hết phải xây dựng quân đội hiện đại về mặt chính trị, sau đó mới đến vũ khí, trang bị và các yếu tố khác, tránh tư tưởng thiên về vũ khí, trang bị mà bỏ qua các yếu tố khác”.

Cả lý luận và thực tiễn đã chứng minh rằng, khoa học kỹ thuật có hiện đại đến đâu thì cũng do con người phát minh, sáng chế ra; vũ khí, trang bị kỹ thuật có tối tân đến mấy thì cũng do binh lính điều khiển. Người máy có thể là một chiến binh có ưu thế vượt trội hơn con người, nhưng lại thiếu hẳn bản lĩnh, ý chí, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, mà chỉ con người mới có được những phẩm chất quý giá đó. Nhưng để nâng cao sức mạnh chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc thì người lính không chỉ có tinh thần, ý chí chiến đấu tốt, mà cũng cần phải được trang bị những vũ khí, trang bị thích hợp, bởi vũ khí chính là tấm lá chắn bảo vệ họ trên chiến trường. Vì thế, giải quyết hài hòa và đúng đắn mối quan hệ giữa con người và vũ khí, thấy rõ được tầm quan trọng trong sự gắn kết hai yếu tố này sẽ là sức mạnh vô địch để quân đội có thể chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Diệp Chi

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xay-dung-quan-doi-nguoi-truoc-sung-sau-post490072.html