Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp

Thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư (khóa X), Quyết định số 1129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản có liên quan, thành phố Hà Nội ban hành nhiều văn bản nhằm thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước về lao động, góp phần tạo môi trường lao động hài hòa ổn định trong doanh nghiệp.

Ổn định bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về quan hệ lao động

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội (LĐTBXH), để nâng cao hiệu quả hoạt động công tác quản lý nhà nước về quan hệ lao động, thành phố đã kiện toàn và bổ nhiệm Hội đồng trọng tài lao động gồm 07 thành viên. Các thành viên của Hội đồng trọng tài là lãnh đạo, cán bộ của Sở Lao động Thương binh và xã hội, Liên đoàn Lao động, Hội luật gia và Liên minh các hợp tác xã thành phố, có trình độ đào tạo chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với nhiệm vụ của Hội đồng trọng tài. Cơ chế hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động theo cơ chế kiêm nhiệm.

Tính đến ngày 31/12/2018, thành phố đã rà soát, ban hành Quyết định bổ nhiệm 114 hòa giải viên lao động của 30 quận, huyện, thị xã. Lực lượng hòa giải viên lao động đều có trình độ đại học và thạc sĩ, có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực về lao động.

Các bên liên quan cần thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong quan hệ lao động. Ảnh minh họa

Các bên liên quan cần thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong quan hệ lao động. Ảnh minh họa

Hiện nay, các cơ quan Nhà nước ở địa phương đã giảm tối đa sự can thiệp mang tính mệnh lệnh hành chính vào cơ chế 03 bên trong quan hệ lao động, mà chủ yếu được thể hiện dưới các hình thức gián tiếp và trực tiếp.

Với hình thức tham gia gián tiếp, việc xác nhận gửi thỏa ước lao động tập thể đã được người lao động và người sử dụng lao động thương lượng và ký kết; hướng dẫn, giải đáp vướng mắc của người lao động, người sử dụng lao động về chế độ chính sách làm cơ sở cho các bên thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật; ban hành các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo về lao động theo quy định.

Còn với hình thức tham gia trực tiếp, nhằm hỗ trợ và hướng dẫn các bên người lao động và người sử dụng lao động hiểu được các quy định của pháp luật lao động về đối thoại xã hội tại doanh nghiệp, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, gợi ý cho các bên một số nội dung có thể đạt được thương lượng có lợi cho cả người lao động và người sử dụng lao động (như thỏa thuận về ngày nghỉ phép lên tới 18, 20 ngày, tiền lương trong thời gian thử việc cao hơn 85%...).

Đồng thời tổ chức các cuộc đối thoại 03 bên trực tiếp với đại diện tập thể người lao động và người sử dụng dụng lao động về chính sách pháp luật có liên quan đến quan hệ lao động nhằm chia sẻ thông tin, nâng cao sự hiểu hiểu biết của các bên để từ đó thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong quan hệ lao động, hạn chế tranh chấp lao động và đình công. Hỗ trợ các bên người lao động và người sử dụng lao động tiến hành thương lượng, thỏa thuận khi xảy ra đình công không đúng trình tự thủ tục của pháp luật. Hòa giải viên lao động kiêm nhiệm từ các cơ quan nhà nước (đặc biệt là hòa giải viên lao động là cán bộ Phòng LĐTBXH các quận, huyện, thị xã) tiến hành hòa giải các vụ tranh chấp lao động theo quy định.

Vai trò của cơ quan nhà nước trong giải quyết tranh chấp lao động

Cũng theo Sở LĐTBXH Hà Nội, từ năm 2008 đến năm 2018 trên địa bàn thành phố đã có 166 cuộc tranh chấp lao động tập thể xảy ra tại các doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó có 48 cuộc được hướng dẫn thương lượng không xảy ra đình công, 118 cuộc đã dẫn đến đình công, ngừng việc; trong đó, năm 2008 xảy ra 24 cuộc đình công, năm 2013 xảy ra 13 cuộc và năm 2018 số cuộc đình công là 05 cuộc.

Cần nâng cao vai trò của cơ quan nhà nước trong giải quyết tranh chấp lao động.

Cần nâng cao vai trò của cơ quan nhà nước trong giải quyết tranh chấp lao động.

Quy mô mỗi cuộc đình công thường diễn ra trong khoảng từ 01 đến 02 ngày, cá biệt có đơn vị kéo dài trên 03 ngày. Nhìn chung, các cuộc đình công mang tính tự phát. Tất cả các cuộc đình công không thực hiện theo trình tự, thủ tục của pháp luật. Tuy nhiên, các ngành chức năng của thành phố đã phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện, sự hoạt động tích cực và hiệu quả của hòa giải viên lao động trong công tác hòa giải, hỗ trợ nghiệp vụ chuyên môn trong giải quyết đình công. Từ đó đã có tác dụng trực tiếp nhằm hạn chế các cuộc đình công tự phát trên địa bàn thành phố và nếu có các cuộc đình công xảy ra thì không để lại hậu quả cho doanh nghiệp.

Để ngăn chặn các cuộc đình công xảy ra tự phát, không đúng trình tự thủ tục, nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cả người lao động và người sử dụng lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp góp phần cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo an ninh trật tự xã hội và tăng trưởng kinh tế bền vững, trong thời gian tới UBND thành phố tập trung củng cố, kiện toàn Hội đồng trọng tài lao động thành phố, hòa giải viên lao động để hòa giải các vụ tranh chấp lao động trên địa bàn. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ hòa giải để nâng cao năng lực hoạt động của hòa giải viên lao động, đảm bảo các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố có hòa giải viên lao động để giải quyết tranh chấp lao động.

Định kỳ tổ chức các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo thành phố, các sở, ngành với các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, áp dụng các quy định của pháp luật lao động. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra nhằm ngăn ngừa và xử lý nghiêm các đơn vị sử dụng lao động vi phạm pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Quách Chữ - Đức Tôn

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/xay-dung-quan-he-lao-dong-hai-hoa-on-dinh-va-tien-bo-trong-doanh-nghiep-24356.html