Xây dựng quy định, cơ chế hỗ trợ trẻ em trong tình huống khẩn cấp
Ngày 17/10, Hội Bảo trợ trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Tổ chức cứu trợ trẻ em (Save the Children) tổ chức Hội thảo 'Bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp'.
Đây là dịp để các cơ quan, tổ chức, chuyên gia và những người làm công tác liên quan trao đổi những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện các chính sách có liên quan đến trẻ em; đồng thời, đề xuất, khuyến nghị để việc thực hiện các chính sách này hiệu quả hơn.
Tại Hội thảo, Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh Lương Thị Thuận nhấn mạnh, việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, Nhà nước và xã hội. Trong mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân có liên quan đến trẻ em, lợi ích của các em phải được quan tâm hàng đầu.
Theo bà Lương Thị Thuận, Thành phố là nơi tập trung đông trẻ em, đặc biệt là trẻ nhập cư có hoàn cảnh khó khăn dễ có nguy cơ bị đe dọa, xâm hại, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, đạo đức… Việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em là điều quan trọng và cần thiết, nhất là trong tình hình diễn biến xã hội hiện nay. Bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại, trợ giúp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.
Đồng hành trong việc “Bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp” trong 2 năm qua, ông Nguyễn Lữ Gia, đại diện Tổ chức Cứu trợ trẻ em khẳng định, đây là vấn đề quan trọng, cần thiết và đã được triển khai ở các tỉnh, thành phố trong cả nước từ nhiều năm qua. Riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh, đây là dự án đầu tiên do đơn vị phối hợp với Hội Bảo trợ trẻ em Thành phố thực hiện trên cơ sở dự án “Hỗ trợ thanh niên và trẻ em trong ứng phó với COVID-19” được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt.
Ông Nguyễn Lữ Gia khuyến nghị: "Trẻ em hàng ngày vẫn đối mặt với những nguy cơ như bị bỏ mặc, xâm hại, bạo hành và khi xảy ra tình huống khẩn cấp sẽ có nhiều nguy cơ tác động đến các em. Do đó, cần chính sách toàn diện và cấp bách hơn để hỗ trợ trẻ em trong những tình huống này”.
Cùng quan điểm, ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị, muốn xây dựng quy định, cơ chế hỗ trợ trẻ em trong tình huống khẩn cấp, trước hết cần xác định rõ khái niệm trẻ em rơi vào hoàn cảnh khó khăn khẩn cấp là gì. Không nhất thiết trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thì mới được bảo vệ khẩn cấp bởi rất nhiều trường hợp, trẻ ở trong gia đình có điều kiện nhưng vẫn có thể rơi vào hoàn cảnh khẩn cấp, cần hỗ trợ... Hiện hầu hết chính sách hỗ trợ hiện nay là dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; còn chính sách hỗ trợ bình thường khi rơi vào tình huống khẩn cấp rất ít.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về các chính sách xã hội hiện hành liên quan đến trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; mạng lưới cung cấp dịch vụ hỗ trợ trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Các đại biểu cho rằng, Thành phố cần có chính sách cụ thể để phản ứng ngay khi xảy ra các tình huống khẩn cấp, nhất là khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh...