Xây dựng quy trình nuôi chuẩn để thủy sản Việt vươn xa

Từ đầu năm đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại gần 1.900 ha, giảm 61% so với cùng kỳ năm 2020.

Thông tin tại hội nghị phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2021 khu vực phía Bắc của Bộ NN&PTNT hôm nay, 19-3, Cục Thú y cho biết năm 2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của nước ta bị thiệt hại là hơn 46.200 ha, gấp 1,9 lần so với năm 2019.

Trong đó, tôm nuôi nước lợ bị thiệt hại là gần 43.340 ha; chiếm 93,7% trong tổng diện tích thủy sản nuôi bị thiệt hại. Thiệt hại trên cá tra do dịch bệnh năm 2020 cũng tăng 5,76 lần so với năm 2019.

Quang cảnh hội nghị phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Ảnh: AH

Quang cảnh hội nghị phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Ảnh: AH

Năm 2021, từ đầu năm đến ngày 15-3, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại gần 1.900 ha, giảm 61% so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Nguyễn Văn Long, Phó cục trưởng Cục Thú y cho biết: Tuy đầu năm diện tích nuôi trồng bị thiệt hại do dịch bệnh có giảm nhưng dự báo diện tích tôm nuôi bị thiệt hại có thể tăng mạnh và nguy cơ dịch bệnh trong thời gian tới là rất cao.

Lý do là người nuôi tôm bắt đầu tăng thả nuôi, trong khi đó các điều kiện bất lợi của thời tiết như giao mùa, hạn hán, bão và lũ lụt tại một số tỉnh, xâm nhập mặn... tiếp tục diễn biến phức tạp.

Thông tin thêm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết ngày 11-3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định ban hành chiến lược thủy sản 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó mục tiêu khai thác đạt 2,8 triệu tấn, nuôi trồng đạt 7 triệu tấn. Năm 2020, nuôi trồng mới chỉ đạt 4,56 triệu tấn, như vậy tốc độ nuôi trồng sẽ tăng lên. Do đó, việc phòng chống dịch bệnh có vai trò rất quan trọng, là yếu tố hàng đầu góp phần vào tăng trưởng xuất khẩu, đảm bảo an toàn thực phẩm trong nước.

"Trong chiến lược thủy sản Thủ tướng đã phê duyệt, những năm tới đây, xuất khẩu thủy sản phấn đấu đạt từ 14-16 tỷ USD, riêng tôm đến 2025 phải xuất khẩu được 10 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này chúng ta cần thiết phải ban hành kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh với động vật dưới nước, xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh, tạo vùng nguyên liệu an toàn cho chế biến để sản xuất ra các sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn cho xuất khẩu và phục vụ thị trường trong nước" - ông Tiến nói.

Cũng theo Thứ trưởng Tiến, trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản, việc sản xuất, nuôi trồng theo quy trình đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh là yếu tố quyết định việc phòng, chống dịch bệnh có thành công hay không. Ví dụ như giống, thức ăn phải đảm bảo, quy trình nuôi trồng phải đảm bảo, chế phẩm sinh học phải đảm bảo...

Thứ trưởng Tiến cũng cho biết, Bộ NN&PTNT đang xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng chống một số bệnh nguy hiểm dịch bệnh thủy sản nuôi giai đoạn 2021-2025. Đây sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để các tỉnh, thành phố bố trí ngân sách, nguồn lực để triển khai.

Trên cơ sở này, các tỉnh sẽ bố trí nguồn lực, xây dựng hệ thống đội ngũ thú y thủy sản để giám sát phòng chống dịch bệnh từ đó tuyên truyền cho người nuôi triển khai các quy trình nuôi chuẩn. Từng bước xây dựng các vùng nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đáp ứng được yêu cầu thị trường.

A.HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/xay-dung-quy-trinh-nuoi-chuan-de-thuy-san-viet-vuon-xa-973523.html