Xây dựng sân chơi giúp trẻ phát triển
Được các đơn vị bộ độ hỗ trợ hơn 200 ngày công, cùng với sự miệt mài sáng tạo, lao động của các giáo viên, Trường mầm non Hoa Sen (TP.Biên Hòa) đã xây dựng được hệ thống sân chơi đa dạng; nhiều đồ dùng, đồ chơi nhằm hỗ trợ công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm 'lấy trẻ làm trung tâm'.
Tham gia các trò chơi, đóng vai giúp trẻ tăng kỹ năng giao tiếp, tình cảm, thẩm mỹ, phát triển ngôn ngữ; các trò chơi vận động ngoài sân trường cũng giúp trẻ phát triển thể lực, hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì…
* Đa dạng sân chơi cho trẻ
Tận dụng lợi thế có không gian sân trường rộng rãi, nhiều bóng mát, từ nhiều năm nay, Trường mầm non Hoa Sen đã xây dựng các khu vực trò chơi dưới sân trường cho học sinh. Trong năm học này, nhà trường đã xây dựng, bổ sung nhiều đồ dùng, đồ chơi tự tạo để đa dạng các trò chơi, khu vực trải nghiệm cho học sinh. Đây cũng là hoạt động nhằm thực hiện mô hình xây dựng môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm.
Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Sen Nguyễn Thị Minh cho hay, nhà trường lên kế hoạch chung và triển khai đến toàn thể giáo viên. Từ kế hoạch đó, giáo viên các khối lớp lên ý tưởng và tổ chức thực hiện. Những đồ dùng, đồ chơi được thiết kế theo chủ đề giáo dục để trẻ được chơi, trải nghiệm nhằm phát triển kỹ năng.
Ngoài các đồ dùng, đồ chơi sử dụng trong lớp học, Trường mầm non Hoa Sen đã xây dựng được các khu vui chơi, trải nghiệm dưới sân trường như: khu chợ quê, bến xe Biên Hòa, khu vườn âm nhạc, em tập làm bác sĩ, vườn rau xanh, khu tạo hình, khu trò chơi vận động… Những đồ dùng, đồ chơi đơn giản làm bằng vật liệu tái chế thì giáo viên trực tiếp làm. Đối với những đồ dùng kiên cố, đòi hỏi sức lao động nhiều hơn thì nhà trường nhờ các đơn vị bộ đội hỗ trợ với tổng số 210 ngày công lao động.
Cô Đoàn Thị Kiều Chinh, giáo viên lớp chồi 2 chia sẻ, để làm được các đồ dùng, đồ chơi tự tạo sử dụng trong và ngoài lớp học, nhiều phụ huynh đã đóng góp thêm vật liệu để giáo viên thực hiện.
* Cần chung tay bảo quản, giữ gìn
Việc xây dựng môi trường trò chơi ngoài sân trường đã hỗ trợ rất tốt cho giáo viên trong việc giáo dục, phát triển kỹ năng cho trẻ. Những khu vui chơi này giúp trẻ có môi trường rèn luyện, phát triển thể lực. Việc vui chơi ở ngoài sân trường giúp hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì của trẻ. Đưa trẻ xuống sân chơi cũng tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc với các bạn khác lớp, nhằm phát triển ngôn ngữ, tình cảm, tăng khả năng giao tiếp xã hội. Bên cạnh đó, các trò chơi còn giúp trẻ củng cố được kiến thức đã học.
Với đặc thù là đồ dùng, đồ chơi tự tạo được làm bằng vật liệu tái chế (chai nhựa, bìa giấy carton, vỏ lon…) và làm hoàn toàn thủ công nên rất dễ hư hỏng. Vì vậy, trong quá trình trẻ sử dụng, giáo viên phải thường xuyên hướng dẫn, nhắc nhở để trẻ có ý thức giữ gìn, hạn chế hư hỏng. Tuy nhiên, với những đồ chơi ở ngoài lớp học, việc bảo quản, giữ gìn cần có sự chung tay của phụ huynh.
Cô Nguyễn Thị Minh cho hay, đối với những đồ dùng, đồ chơi có thể kiên cố, nhà trường cố gắng làm bằng vật liệu có thể sử dụng lâu dài để đỡ tốn thời gian, công sức, tiền bạc. Tuy nhiên, đa số đồ dùng, đồ chơi là tự tạo sử dụng vật liệu tái chế. Vào giờ đón trẻ, nhiều phụ huynh để cho con tự do chơi nhưng không quan sát, nhắc nhở con. Do đó, trẻ thường làm hư hỏng đồ chơi, không chỉ phụ công sức của giáo viên mà còn gây lãng phí.
“Nhà trường rất mong muốn phụ huynh phối hợp, hỗ trợ nhà trường bảo quản đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Không chỉ nhắc nhở con mình mà khi thấy trẻ khác chơi không đúng cách, nghịch phá thì phụ huynh cũng nên nhắc nhở để trẻ có ý thức hơn trong việc giữ gìn đồ chơi” - cô Minh bày tỏ.
Trường mầm non Hoa Sen là một trong những đơn vị được Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa đánh giá cao trong việc thực hiện mô hình xây dựng môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm.