Xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử, tâm linh hấp dẫn du khách

Ngày 12/12, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Sơn La phối hợp với Trường Đại học Tây Bắc tổ chức Hội thảo kết nối Khu du lịch quốc gia Mộc Châu với các di tích lịch sử - văn hóa trong tỉnh.

Tìm hiểu lịch sử về khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Tìm hiểu lịch sử về khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Sơn La hiện có 96 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, bao gồm 65 di tích đã được xếp hạng và 31 di tích chưa được xếp hạng. Trong đó, Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La và Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Nhiều di tích đã được tỉnh Sơn La bảo tồn, khai thác hiệu quả, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, học tập và nghiên cứu. Qua đó, góp phần vào việc giáo dục truyền thống, ý thức phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các tầng lớp nhân dân như: Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, di tích văn bia Quế Lâm ngự chế ở đền thờ Vua Lê Thái Tông, di tích lịch sử Trung đoàn Tây Tiến, di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi, di tích lịch sử khu rừng bản Nhọt... Đồng thời, tỉnh tập trung nguồn lực để đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng gắn với phát triển du lịch.

Tại hội thảo, các đại biểu, nhà quản lý, nhà khoa học, nghiên cứu về văn hóa - lịch sử đã tham luận với các nội dung như: Kết nối Khu du lịch quốc gia Mộc Châu với các di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh Sơn La; quản lý, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch; đánh giá cảnh quan phục vụ xác lập không gian phát triển du lịch tham quan gắn với di tích lịch sử; giải pháp kết nối Khu du lịch quốc gia Mộc Châu với du lịch huyện Bắc Yên; các di tích lịch sử Chiến dịch Tây Bắc với phát triển du lịch; vấn đề quảng bá, tuyên truyền trong kết nối phát triển du lịch Mộc Châu và các di tích lịch sử tỉnh Sơn La...

Các đại biểu phân tích, đánh giá về tiềm năng, giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa đối với công tác phát triển du lịch; qua đó, đề xuất các giải pháp tạo sự kết nối giữa các khu, điểm du lịch đã được biết đến với các di tích lịch sử có giá trị của tỉnh Sơn La. Thông qua hội thảo nhằm xây dựng nguồn tư liệu, làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn, đề ra những giải pháp giúp phát huy giá trị các di tích, khai thác tiềm năng, định hướng xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử, tâm linh hấp dẫn du khách.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mộc Châu Nguyễn Thị Hoa thông tin: Mộc Châu hiện có 14 di tích, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia, 11 di tích cấp tỉnh. Những năm qua, huyện đã tập trung nguồn lực để trùng tu, tôn tạo phát huy giá trị của các di tích, như: Di tích Hang Dơi, di tích Đồn Mộc Lỵ, di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến… Các di tích này đã trở thành điểm đến của nhiều du khách, được các công ty du lịch đưa vào lịch trình tour, tuyến khi đến Mộc Châu. Thời gian tới, Mộc Châu tiếp tục phối hợp thực hiện trùng tu, tôn tạo các di tích, đồng thời nghiên cứu triển khai thí điểm các mô hình, tour tham quan di tích lịch sử - văn hóa; đẩy mạnh truyền thông quảng bá, giới thiệu giá trị các di tích để thu hút du khách…

Theo Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Sơn La Nguyễn Vũ Điền, việc phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa nhằm thúc đẩy du lịch tâm linh tại tỉnh cần được thực hiện bài bản và khoa học. Trong đó, phải có giải pháp cụ thể trong xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, kết hợp tham quan di tích lịch sử với trải nghiệm tín ngưỡng và văn hóa địa phương; tổ chức các tour du lịch tâm linh vào các dịp lễ hội lớn... Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quảng bá các sản phẩm du lịch tâm linh, liên kết với các tỉnh lân cận để xây dựng tuyến du lịch vùng Tây Bắc; hướng tới mục tiêu đưa Sơn La trở thành điểm đến an toàn hấp dẫn của vùng; xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, chuyên nghiệp, bền vững và hội nhập quốc tế.

Cũng theo ông Nguyễn Vũ Điền, những chủ trương của Đảng, Nhà nước và tỉnh Sơn La sẽ là tiền đề, cơ sở pháp lý để các cấp, ngành trong tỉnh tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích. Nhờ đó, phát huy hiệu quả hơn nữa tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch bền vững, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Sơn La ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Quang Quyết (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/du-lich/xay-dung-san-pham-du-lich-van-hoa-lich-su-tam-linh-hap-dan-du-khach-20241212191905264.htm