Xây dựng, sửa đổi một số luật nhằm nâng cao công tác kiểm sát, xét xử
Chiều 23-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã nghe Báo cáo công tác năm 2021 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; Báo cáo về công tác thi hành án năm 2021.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2021.
Xem xét xây dựng Luật Đăng ký tài sản
Báo cáo công tác năm 2021, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết, mặc dù từ đầu năm 2021 đến nay, an ninh, chính trị được bảo đảm, song tình hình tội phạm gia tăng. Cụ thể, toàn ngành Kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử 87.933 vụ, với 157.135 bị cáo. Thông qua kiểm sát xét xử, đã phát hiện nhiều vi phạm và ban hành 971 kháng nghị phúc thẩm, tăng 7,5%. Đặc biệt, năm 2021, ngành Kiểm sát không để xảy ra trường hợp truy tố, Hội đồng xét xử tuyên bị cáo không phạm tội.
Đồng thời, Viện đã tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng tăng cường các biện pháp nhằm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Theo đó, đã thu hồi hơn 4.500 tỷ đồng, phong tỏa tài khoản và kê biên nhiều tài sản có giá trị lớn như cổ phiếu, bất động sản.
“Trong bối cảnh dịch Covid-19, nhưng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã tham dự phiên điều trần trực tuyến của Tòa án Singapore thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về thu hồi tài sản trong vụ án Phan Sào Nam, kết quả đã thu hồi được hơn 2,7 triệu USD”, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nói.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, ngành Kiểm sát sẽ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm và nâng cao các chỉ tiêu nghiệp vụ... Qua đó, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, bổ sung xây dựng Luật Đăng ký tài sản vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XV; đồng thời, đề nghị Chính phủ có lộ trình áp dụng nhiều biện pháp hạn chế sử dụng tiền mặt trong đời sống xã hội theo hướng các hoạt động giao dịch kinh tế đều qua ngân hàng để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử có nhiều chuyển biến, trách nhiệm công tố của kiểm sát viên tại phiên tòa được tăng cường. Tuy nhiên, vẫn còn 16 trường hợp bị oan liên quan đến trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân; 85 vụ án Tòa án nhân dân trả hồ sơ yêu cầu khởi tố tội phạm mới và người phạm tội mới. Bên cạnh đó, vẫn còn một số Viện Kiểm sát chưa kịp thời phát hiện vi phạm trong thi hành án hình sự; số người bị tạm giữ phạm tội mới, số phạm nhân bỏ trốn cao hơn năm trước.
Xét xử 136 vụ liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19
Báo cáo công tác năm 2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, từ ngày 1-10-2020 đến ngày 30-9-2021, các Tòa án đã thụ lý 537.577 vụ việc, đã giải quyết được 436.660 vụ việc (đạt tỷ lệ 81,2%). Số vụ việc đã thụ lý giảm 64.675 vụ, đã giải quyết giảm 107.944 vụ, nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên không thể mở phiên tòa, phiên họp theo kế hoạch. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,81% (giảm 0,25%), đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra.
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác năm 2021.
Về các vụ án hình sự, các Tòa án đã thụ lý 88.607 vụ với 160.574 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được 79.409 vụ với 138.272 bị cáo (đạt tỷ lệ 89,62% về số vụ và 86,11% về số bị cáo). Đã xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng gây ra những thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm, do những người có chức vụ, quyền hạn thực hiện như: Vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm xảy ra tại dự án Ethanol Phú Thọ, vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường, Công ty Gang thép Thái Nguyên…
“Đã đưa ra xét xử 136 vụ với 177 bị cáo liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật”, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói.
Trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Hòa Bình cho biết, Tòa án nhân dân Tối cao đang tích cực nghiên cứu dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên để trình Quốc hội vào năm 2022. Đồng thời, triển khai nghiên cứu và thực hiện có hiệu quả Đề án cải cách tư pháp trong Tòa án nhân dân; tổng kết thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 để kiến nghị sửa đổi, bổ sung luật đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Thẩm tra về báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, trong năm qua còn một số bản án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan. Tỷ lệ xét xử các vụ án hành chính; tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội giao (từ 60% trở lên). Bên cạnh đó, quá trình giải quyết án, còn có trường hợp vi phạm, sau đó Viện Kiểm sát nhân dân đã có kiến nghị để khắc phục vi phạm hoặc người có thẩm quyền đã kháng nghị để khắc phục sai sót.
Trong năm qua, đã đặc xá cho 3.026 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 3 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, 6 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù.