Xây dựng 'tấm lá chắn' bảo vệ an toàn trước thiên tai
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, thường xuyên phải chống chịu với nhiều loại thiên tai, nhất là bão, lũ, sạt lở đất, đê điều, hạn hán, xâm nhập mặn.
Suốt hơn 30 năm qua, mỗi năm trung bình thiên tai làm gần 400 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 1 - 1,5% GDP. Vì vậy, công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ then chốt, hàng đầu nhằm giảm thiểu thiệt hại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội hướng tới xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.
Góp phần bảo đảm an toàn, giảm rủi ro thiên tai
Thái Bình là một tỉnh ven biển ở Đồng bằng sông Hồng với 116 xã có đê. Địa thế được bao bọc bởi hệ thống đê sông, đê biển khép kín với tổng chiều dài 584,6 km đê, trong đó có 356,3 km đê trung ương. Nhận thức được vai trò quan trọng của hệ thống đê điều nên chính quyền tỉnh luôn coi công tác quản lý và xây dựng tuyến đê kiểu mẫu, quản lý đê điều, quản lý bãi sông đảm bảo không gian thoát lũ là nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình, trong giai đoạn 2016-2021, tỉnh đã chỉ đạo phá dỡ 64 lò vôi nằm trên bãi sông, tuyến đê Hữu Hóa thuộc thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, để đảm bảo hành lang thoát lũ và hoàn trả hành lang bảo vệ đê theo quy định; giải tỏa và buộc phải dừng hoạt động 52 bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng không nằm trong quy hoạch đê; tháo dỡ 33 mố cầu, trụ cầu, di dời 238 công trình, lán tạm, nhà xưởng trong hành lang bảo vệ đê điều, bãi sông…
Anh Nguyễn Huy Quỳnh, người dân tại khu vực Chợ Bo, thành phố Thái Bình, cho biết, những đoạn đê kiểu mẫu được xây dựng trên địa bàn thành phố cũng như các huyện trong tỉnh đã góp phần đáng kể trong công tác phòng, chống giảm thiểu thiệt hại thiên tai có tác động từ sóng biển, mưa lớn trên các sông. Đặc biệt các tuyến đê này phát huy tác dụng rất lớn mỗi khi có bão, mưa lớn, tuyến đê kiểu mẫu như “một tấm lá chắn” giúp bảo vệ an toàn cho người dân trước thiên tai.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận cho biết, từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã kịp thời triển khai các giải pháp ứng phó hiệu quả với bão số 1, 2, 3 lũ trên triền sông Trà Lý cũng như các đợt dông lốc, sét và mưa lớn. Kịp thời xử lý các sự cố về đê điều trên địa bàn các huyện Đông Hưng, Vũ Thư, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác “phòng thiên tai từ xa”, tỉnh mong muốn trung ương quan tâm bố trí kinh phí trung hạn và các nguồn vốn khác để đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai, xử lý các công trình trọng điểm, công trình cấp bách. Hỗ trợ về mặt kỹ thuật, kinh phí để tỉnh triển khai nâng cấp tuyến đê tả, hữu Trà Lý thuộc địa phận thành phố Thái Bình; dự án tuyến đê cấp I đoạn qua xã Bình Thanh, Bình Định, Hồng Tiến (Kiến Xương); điều chỉnh nắn tuyến một số tuyến đê, nâng cấp đê bối thành đê chính để bảo vệ các khu dân cư phía ngoài đê và mở rộng diện tích canh tác, phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tỉnh Cà Mau thường xuyên hứng chịu các hình thái thời tiết cực đoan như mưa to, sóng lớn… gây sạt lở bờ biển nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sự an toàn của đê biển Tây. Trước thực trạng trên, chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đang tập trung triển khai mọi giải pháp nhằm bảo đảm an toàn cho nhân dân vùng ven biển.
Tại khu vực ven biển huyện U Minh (Cà Mau), sóng dữ đánh trực diện vào hai bên mạn sườn bờ biển xã Khánh Hội. Tuy nhiên, sạt lở bờ biển không xảy ra như nhiều nơi khác, bởi có lớp kè bằng đá chất chồng lên nhau, áp sát vào mặt bờ. Loại công trình nêu trên có tên gọi là kè đá khan. Kè đá khan được gia cố bằng phên tràm và vải địa kỹ thuật, sau đó chất đá to xếp chồng lên nhau. Giải pháp kè đá khan chủ yếu được áp dụng tại những khu vực cấp bách, sạt lở nguy hiểm để bảo vệ dân cư và tại những nơi còn rừng phòng hộ.
Chủ tịch UBND xã Khánh Hội, Châu Minh Đảm đánh giá, kè đá khan đã phát huy được hiệu quả trong việc sạt lở bờ đê khi sóng biển đánh trực diện vào bờ, điều này giúp người dân đỡ lo lắng mỗi khi sóng mạnh đánh vào bờ đê. Với sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành Trung ương, sự cố gắng nỗ lực của Cà Mau, trong hơn 10 năm qua tỉnh đã xây dựng được hơn 50 km kè bảo vệ bờ biển. Ðể giữ đất, Cà Mau đang thay đổi cách tiếp cận nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Thay vì bị động hoặc trông vào các giải pháp đê cứng, Cà Mau tiếp cận thu hút phát triển kinh tế biển ven bờ gắn với hệ thống “đê, kè mềm,” phát triển các dự án năng lượng tái tạo, nuôi trồng thủy sản ven bờ gắn với tạo các lớp chắn sóng, tạo vùng bồi lắng và tái tạo rừng ngập mặn.
Phòng là chính, chỉ đạo từ sớm, từ xa
Chính phủ Việt Nam khẳng định luôn coi phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, đời sống và tài sản của nhân dân. Nhiệm vụ phòng, chống thiên tai trong năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ là rất phức tạp, nặng nề, đòi hỏi trách nhiệm, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, các lực lượng vũ trang và của mỗi người dân.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Lê Văn Thành đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải đổi mới, nâng cao năng lực công tác theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai. Chất lượng công tác dự báo là yếu tố quyết định, là cơ sở cho công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai một cách chủ động, từ sớm, từ xa.
Ngày 21/4/2022, Phó Thủ tướng đã ký ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó ưu tiên đầu tư công nghệ quan trắc, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo hướng hiện đại, đồng bộ, tự động hóa, tích hợp đa mục tiêu, đặc biệt là dự báo mưa, lũ, khí tượng thủy văn biển. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng với các bộ, ngành trung ương triển khai nghiêm túc, có hiệu quả kế hoạch này. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cần sớm hoàn thành việc xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai; triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Với phương châm "Phòng là chính, chỉ đạo từ sớm, từ xa", góp phần bảo đảm an toàn, giảm rủi ro khi xảy ra thiên tai, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các địa phương để tiếp tục khẩn trương kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai, nhất là trong mùa mưa bão trong năm 2022 để đánh giá mức độ an toàn, kịp thời phát hiện và có biện pháp khắc phục những tồn tại, sự cố, hư hỏng của công trình đê điều, hồ đập, công trình giao thông,... bảo đảm vận hành an toàn trong mùa mưa lũ.
Các giải pháp về nâng cao chất lượng công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, huy động và phối hợp lực lượng ứng phó với diễn biến thiên tai, sự cố; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp thông tin về thiên tai đến từng người dân trong vùng bị ảnh hưởng; quan tâm đầu tư cho phòng, chống thiên tai.