Xây dựng TAND thành 'thành trì bảo vệ công lý'
Ngày 21-12, TAND Tối cao tổ chức hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2021. Hội nghị có quy mô lớn với 10.000 người dự, trong đó có 6.000 thẩm phán các cấp tại gần 800 điểm cầu trực tuyến.
Theo báo cáo của TAND Tối cao, trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, các tòa án đã thụ lý hơn 2 triệu vụ việc. Trong năm 2020, thụ lý 602.252 vụ việc, giải quyết 544.604 vụ việc (90,4%). Riêng với án hình sự, các tòa án thụ lý 89.726 vụ/162.295 bị cáo trong năm 2020, đã giải quyết, xét xử được 87.770 vụ (97,8%). Ngành tòa án trong năm 2020 đã xử lý nghiêm nhiều vụ án lớn với các bị cáo là người có chức vụ cao như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc tòa án các cấp đã chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, đề ra nhiều chủ trương với những giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử. Trong nhiệm kỳ, các tòa án đã giải quyết, xét xử trên 1.100 vụ với 2.600 bị cáo phạm các tội về tham nhũng, đạt tỉ lệ 98%; đã thu hồi hàng ngàn tỉ đồng, nhiều nhà cửa, đất đai và các tài sản khác.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng vẫn còn những tồn tại, hạn chế: tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt chỉ tiêu đề ra; thời gian giải quyết nhiều vụ án kinh doanh, thương mại, yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp kéo dài, chất lượng giải quyết chưa cao.
Trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo ngành tòa án phải có trọng trách bảo vệ công lý, quyền con người, chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Cụ thể, trong công tác giải quyết các vụ án hình sự, phải bảo đảm xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Kiên quyết khắc phục cả hai xu hướng: "hình sự hóa" các quan hệ, tranh chấp dân sự, kinh tế và xu hướng "dân sự hóa" các hành vi vi phạm pháp luật hành chính, hành vi phạm tội hình sự.
Đối với các vụ việc dân sự, cần có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử, nhất là các vụ án kinh doanh, thương mại, các yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Phấn đấu cải thiện, nâng hạng chỉ số giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp của Việt Nam xếp hạng dưới 100 theo chuẩn quốc tế.
Đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm theo phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Kịp thời áp dụng các biện pháp đồng bộ để thu hồi triệt để tài sản tham nhũng cho nhà nước ngay từ giai đoạn xét xử và thi hành án.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy tòa án theo hướng khoa học, hiện đại, tinh gọn, bảo đảm tính ổn định, phù hợp với thực tế, hoạt động hiệu quả. Phấn đấu xây dựng TAND xứng đáng trở thành "thành trì bảo vệ công lý" đáp ứng yêu cầu của Đảng, nhà nước và sự mong đợi của nhân dân.