Xây dựng thành phố an toàn: Cần lựa chọn mô hình phù hợp
Định nghĩa về thành phố an toàn, đề xuất ý tưởng và sáng kiến nhằm xây dựng thành phố an toàn là nội dung Hội thảo về thành phố an toàn do TƯ Hội LHPNVN tổ chức, với sự tham dự của đại diện Hội LHPN các thành phố trực thuộc TƯ và các ban trực thuộc TƯ Hội LHPNVN.
Hội thảo được tổ chức ngày 16/11 tại Hà Nội. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng của chủ đề năm 2019 “Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em” do TƯ Hội LHPNVN lựa chọn.
Chọn nội dung ưu tiên
Theo chuyên gia UN Women, thành phố an toàn có nhiều nội dung liên quan nhưng UN Women đã lựa chọn 2 nội dung ưu tiên: Bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực tình dục, quấy rối tình dục. Bởi lẽ quấy rối tình dục tại nơi công cộng là một vấn nạn trên toàn cầu. Ngay cả ở London (Anh), có đến 43% phụ nữ trẻ nói rằng họ đã bị quấy rối trên đường phố; ở Pháp có 25% phụ nữ cảm thấy lo sợ khi đi bộ trên đường phố, 20% phụ nữ phải chịu hành động quấy rối khi đi bộ trên đường phố. Còn tại New Dehli (Ấn Độ) thì có tới 92% phụ nữ phải trải qua một số hình thức bạo lực tình dục tại nơi công cộng; 88% phụ nữ phải trải qua một số hình thức quấy rối bằng hành động và lời nói.
Các dạng bạo lực tình dục, quấy rối tình dục cũng diễn ra ở mọi không gian công cộng, cả ở thành thị lẫn nông thôn như: Trên đường phố, trên và xung quanh các phương tiện giao thông công cộng, trường học, nơi làm việc, nơi cấp nước, nhà vệ sinh công cộng và công viên, các bối cảnh xung đột/hậu xung đột… Chính những điều này đã làm giảm sự tự do di chuyển của phụ nữ và trẻ em gái; giảm khả năng được học tập và làm việc; giảm tiếp cận các dich vụ cơ bản; giảm sự tham gia của phụ nữ, trẻ em gái vào đời sống công cộng; giảm sự tận hưởng các cơ hội giải trí của họ… Vì thế, rất cần các can thiệp về vấn đề an toàn của phụ nữ và trẻ em ở nơi công cộng.
UN Women cũng đề xuất tỷ lệ các địa bàn cần can thiệp về an toàn của phụ nữ nơi công cộng như giao thông công cộng (chiếm 46%), chợ (40%), đường phố (38%), không gian cộng đồng (84%), trường học (49%), trại tị nạn (7%) và các nơi khác (22%).
Hiện tại UN Women hợp tác với 27 thành phố trên thế giới và cứ 2 năm 1 lần lại tổ chức cuộc họp gồm thị trưởng của 27 thành phố này nhằm cam kết: Giảm thiểu các hình thức bạo lực tình dục đối với phụ nữ, trẻ em gái ở nơi công cộng; người dân thành phố, đặc biệt là phụ nữ có ý thức hơn về an toàn ở nơi công cộng của thành phố; tăng sự di chuyển tự chủ của phụ nữ và trẻ em gái trong thành phố; xây dựng các chương trình can thiệp phù hợp với địa phương và do địa phương thực hiện; xây dựng và thực thi hiệu quả hệ thống luật pháp và chính sách toàn diện để phòng chống bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái ở nơi công cộng; đầu tư vào an toàn và sự phát triển kinh tế của các không gian công cộng, bao gồm cải thiện cơ sở hạ tầng công cộng và phát triển kinh tế; thay đổi quan niệm xã hội và hành vi để thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em gái được tận hưởng các không gian công cộng không có bạo lực.
Ở Việt Nam, UN Women cũng hợp tác cùng TPHCM với những hoạt động thử nghiệm xây dựng thành phố an toàn.
Thí điểm xây dựng mô hình thành phố an toàn, làng quê an toàn
Triển khai thực hiện “Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, TƯ Hội LHPNVN có nhiều hoạt động, trong đó xây dựng thí điểm 2 mô hình: Thành phố an toàn, làng quê an toàn tại 4 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Kiên Giang bằng việc lựa chọn xây dựng khu phố an toàn hoặc xã, thôn ấp an toàn. Việc thí điểm xây dựng các mô hình, tìm ra đặc thù ở làng quê, thành phố an toàn, từ đó rút kinh nghiệm chỉ đạo nhân rộng ra các địa phương khác.
Dựa trên đặc thù của địa phương, các tỉnh, thành phố lựa chọn các nội dung ưu tiên như Hội LHPN TP Đà Nẵng lựa chọn: Không bạo lực với phụ nữ, trẻ em; chống rác thải nhựa với các hoạt động cụ thể như: Tập huấn nghiệp vụ cho chủ nhóm trẻ, người chăm sóc trẻ; xây dựng mô hình phụ nữ khuyết tật tự lập…
Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa xây dựng mô hình Làng quê an toàn ở 10 huyện/thành phố với nội dung: An toàn không bị bạo lực, không bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại; không bạo lực học đường; an toàn khi di chuyển, khi tham gia giao thông, an toàn không bị tai nạn thương tích; an toàn trong hôn nhân và cuộc sống gia đình; an toàn trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường. Một trong những yếu tố đảm bảo an toàn tại mô hình là lắp đặt và duy trì hệ thống đèn chiếu sáng tại các tuyến đường chính của thôn bản, mở rộng phạm vi chiếu sáng tới tất cả các ngõ ngách, khu dân cư…
Ngoài ra, Hội LHPN thành phố Hà Nội, TPHCM lựa chọn tập huấn cho đội ngũ lái xe buýt…
Thực tế cho thấy việc triển khai xây dựng thí điểm các mô hình thành phố an toàn, làng quê an toàn bằng những việc làm cụ thể là rất thiết thực, tuy nhiên hiệu quả còn chưa rõ nét, nhiều nơi còn thực hiện các nội dung dàn trải, chưa trọng tâm, trọng điểm.
Theo UN Women, để xây dựng thành công mô hình thành phố an toàn, làng quê an toàn thì việc đề xuất ý tưởng, sáng kiến rất quan trọng, ví dụ sáng kiến về truyền thông để người dân biết hay ý tưởng kết nối các thành phố: Thành phố chị em; khơi gợi ý tưởng xây dựng đề án để các địa phương cùng thực hiện. Cùng với đó là sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền với những cam kết cụ thể, ví dụ 27 thành phố hợp tác với UN Women đều có thị trưởng tham gia cùng cam kết. Đặc biệt là cách tiếp cận vấn đề phải rất thiết thực, gắn trực tiếp với cuộc sống, sinh hoạt của người dân với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, ví dụ để giải quyết vấn đề quấy rối tình dục ở nơi công cộng thì phải có sự tham gia của các ngành tư pháp, giao thông, xây dựng hay các dịch vụ y tế, xã hội phải liên kết với nhau; việc xây dựng các ghế dành cho gia đình, nơi thay tã lót của con cho các ông bố bà mẹ, nơi vắt sữa cho con của các bà mẹ ở nơi công cộng… đòi hỏi sự can thiệp của nhiều lĩnh vực.