Xây dựng Thành phố văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc
Gần 60 năm xây dựng và phát triển, thành phố Sơn La - trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh đang ngày càng phát triển nhanh, mạnh, thay đổi từng ngày.
Để thành phố Sơn La phát triển thành đô thị sinh thái, hiện đại, mang bản sắc văn hóa các dân tộc đặc thù tiểu vùng Tây Bắc, là động lực tăng trưởng kinh tế vùng dọc Quốc lộ 6 của tỉnh; hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí đô thị loại II và hướng tới các tiêu chí đô loại I trực thuộc tỉnh, tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ bảy, HĐND tỉnh khóa XIV, đã thông qua Nghị quyết số 275/NQ-HĐND ngày 29/4/2021 về nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La đến năm 2045.
Theo nghị quyết, phạm vi lập quy hoạch, gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Sơn La hiện nay (7 phường và 5 xã) và khu vực dự kiến mở rộng 4 xã Chiềng Mung, Chiềng Ban, Hát Lót và Mường Bon của huyện Mai Sơn. Quy mô quy hoạch Thành phố đến năm 2045 khoảng 37.669 ha, trong đó có 32.35l ha là diện tích hiện hữu của thành phố Sơn La và khoảng 5.318 ha diện tích đất mở rộng về phía Đông Nam thuộc địa giới hành chính của huyện Mai Sơn, tuy nhiên trong quá trình nghiên cứu lập quy hoạch, có thể xem xét, điều chỉnh bổ sung ranh giới, quy mô nghiên cứu lập quy hoạch phù hợp với mục tiêu phát triển theo đề xuất của các cơ quan có liên quan. Dự báo quy mô dân số toàn Thành phố đến năm 2045 khoảng 300.000 - 500.000 người.
Nhìn lại sự phát triển của thành phố Sơn La, nhận thấy Thành phố đã triển khai, làm được nhiều việc, tạo ra bước tiến quan trọng khi được công nhận đô thị loại II. Cấu trúc không gian đô thị đang từng bước được hình thành theo quy hoạch được phê duyệt; hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên địa bàn đã và đang được tập trung đầu tư xây dựng, chỉnh trang, nâng cấp đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt; các khu đô thị mới được xây dựng với các công trình hiện đại đang hình thành dọc suối Nặm La. Các xã, phường chú trọng phát triển đô thị kết hợp với xây dựng nông thôn mới nâng cao đã tạo những thay đổi đáng kể cho các vùng nông thôn.
Nét nổi bật của Thành phố là nền kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển đô thị, nâng cao chất lượng lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Hiện Thành phố có 10 tổ chức tín dụng, gần 300 khách sạn, nhà nghỉ; 1.222 doanh nghiệp, trên 10.000 hộ kinh doanh... Công nghiệp và xây dựng phát triển khá, các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, công trình công cộng được đầu tư phát triển theo hướng hiện đại mang bản sắc văn hóa vùng Tây Bắc. Thành phố tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, triển khai thi công hơn 50 dự án... Năm 2021, là năm đưa nghị quyết vào cuộc sống, bám vào nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố đã đề ra trong nhiệm kỳ 2021-2026, Thành phố đã cụ thể chương trình hành động bằng 10 đề án cụ thể, trọng tâm là đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực; quy hoạch mở rộng Thành phố; nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư; phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đào tạo; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội... Tất cả hướng tới mục tiêu phát triển thành phố Sơn La trở thành trung tâm tiểu vùng Tây Bắc.
Nhân dân thành phố Sơn La đang kỳ vọng với Nghị quyết đã được HĐND tỉnh thông qua sẽ được triển khai nhanh chóng, hiệu quả, đồng bộ, xứng đáng đô thị văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc đặc thù tiểu vùng Tây Bắc.
Đồng chí Đỗ Văn Trụ
Chủ tịch UBND Thành phố
Thành phố đang cùng với cơ quan chức năng lựa chọn phương án điều chỉnh về cấu trúc đô thị đảm bảo khai thác tối đa các lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai và hạ tầng, các yếu tố về cảnh quan tự nhiên, mặt nước như: suối Nặm La, hồ Tuổi trẻ, hồ bản Mòng, hồ Tiền Phong... đưa vào khai thác trong không gian đô thị. Điều chỉnh cấu trúc đô thị, phân khu chức năng, bố trí các trung tâm đô thị, quy hoạch sử dụng đất..., các giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Nhất là xây dựng các chương trình và các dự án chiến lược ưu tiên đầu tư có tính khả thi cao, có tính linh hoạt, đáp ứng các nhu cầu trước mắt về phát triển cũng như có tính ổn định lâu dài và là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong thời gian tới.
Kiến trúc sư Phạm Tài Anh
Trưởng phòng Quy hoạch, kiến trúc (Sở Xây dựng)
Sở Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lập quy hoạch chung xây dựng thành phố Sơn La đến năm 2045, chúng tôi đang xác định phạm vi, quy mô các khu chức năng của đô thị cần điều chỉnh. Đồng thời, điều chỉnh, phân bố lại các đơn vị ở; định hướng phát triển hệ thống các trung tâm đô thị; hệ thống công viên cây xanh, thể dục thể thao; các khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kho tàng, bến bãi... đảm bảo yếu tố, quy hoạch cải tạo cho các chức năng đô thị hiện hữu và các khu vực dân cư nông thôn ven đô thị, đáp ứng yêu cầu kết nối giữa trung tâm đô thị và trung tâm xã ngoại thị thành một thể thống nhất.
Ông Lê Đức Ngụ
Phường Tô Hiệu, Thành phố
Sau khi theo dõi Kỳ họp thứ bảy của HĐND tỉnh khóa XIV thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La đến năm 2045, bản thân tôi cảm thấy rất vui mừng, phấn khởi, vì những chủ chương mới, đúng, trúng của tỉnh sắp được triển khai. Song, tôi mong muốn Thành phố được mở rộng sẽ chú trọng nghiên cứu vai trò của đô thị trong mối liên hệ về dịch vụ thương mại, du lịch, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao; phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường đô thị, đặc biệt là các khu xử lý chất thải rắn, thoát nước bẩn, nghĩa trang đô thị... góp phần hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I trong thời gian sớm nhất.