Xây dựng thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh, mở không gian mới cho năng lượng tái tạo
Đây là hai trong nhiều yêu cầu được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu ra tại cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), sáng 15/7.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Điện lực là hết sức cấp thiết. Với vai trò là cơ quan soạn thảo, Bộ Công Thương cần bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, nhận diện rõ tồn tại, yếu kém, khoảng trống pháp luật trong lĩnh vực điện lực để hoàn thiện, bổ sung; tạo không gian pháp lý mới cho chính sách chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo.
Bổ sung nhiều quy định mới
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về đổi mới cơ chế, chính sách nhằm xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường với mọi loại hình năng lượng; thúc đẩy đầu tư, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác; luật hóa việc điều hành giá điện; thu hút đầu tư nước ngoài cho phát triển xanh, chuyển dịch năng lượng…
Dự thảo luật gồm 9 chương, 119 điều, được xây dựng theo hướng phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước (Trung ương, địa phương) trong xây dựng chính sách, quản lý ngành điện; cũng như quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động điện lực và sử dụng điện.
Về quy hoạch phát triển điện lực và đầu tư xây dựng dự án điện lực, dự thảo Luật bổ sung thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong lập, trình phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch thực hiện; theo dõi tiến độ dự án nguồn điện; cơ chế xử lý các dự án chậm tiến độ; trường hợp đầu tư dự án khẩn cấp nhằm giải quyét các vấn đề bức thiết về bảo đảm an ninh năng lượng; cụ thể hóa các đối tượng khi lựa chọn nhà đầu tư dự án nguồn điện.
Phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới được xây dựng mới hoàn toàn nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là điện tự sản, tự tiêu, điện gió ngoài khơi.
Hoạt động mua bán điện được bổ sung hợp đồng kỳ hạn điện, mua bán điện trực tiếp, sửa đổi cách tính và điều chỉnh giá bán điện.
Các quy định định về vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia được bổ sung một số điểm mới về nguyên tắc hoạt động, liên kết với lưới điện nước ngoài, quản lý nhu cầu điện.
Cơ quan soạn thảo cũng chỉnh sửa, bổ sung một số điểm mới về giấy phép hoạt động điện lực, bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện, trách nhiệm quản lý Nhà nước…
Tháo gỡ những bất cập, vướng mắc do chưa có cơ sở pháp lý
Tại cuộc họp, các đại biểu trao đổi, phân tích một số vấn đề lớn đang đặt ra đối với lĩnh vực điện lực. Trước hết là vướng mắc trong thẩm quyền quản lý giữa Trung ương, địa phương và chưa có quy trình thực hiện rõ ràng khi thực hiện đầu tư các dự án điện (nguồn điện, hạ tầng truyền tải) với sự tham gia của cả doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân. Cơ chế, chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới, nhất là điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện rác… còn thiếu. Thị trường điện chưa đáp ứng yêu cầu triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Các nội dung về an toàn công trình nguồn điện (thủy điện, điện năng lượng tái tạo), sử dụng điện chưa được quy định đầy đủ.
Ông Lê Đại Hải (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế, Bộ Tư pháp) cho rằng những vướng mắc, bất cập liên quan đến phát triển điện lực nhưng chưa có đủ cơ sở pháp lý để tháo gỡ thì phải được thể chế hóa cụ thể trong Luật Điện lực (sửa đổi).
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung cho rằng Luật Điện lực phải giải quyết hai bài toán quan trọng là đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư và giá điện.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn kiến nghị thống nhất quy định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án phát triển nguồn điện theo nguyên tắc, tiêu chí về giá bán điện; chính sách chuyển đổi nguồn điện năng lượng hóa thạch sang các nguồn nhiên liệu phát thải thấp hoặc năng lượng tái tạo; áp dụng cơ chế tính giá điện theo thời điểm huy động hoặc bậc thang để điều chỉnh hành vi sử dụng điện của hộ tiêu dùng.
Ba nhóm chính sách quan trọng trong phát triển điện lực
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương rà soát các nghị quyết, văn bản, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tổng hợp lại thành các nhóm chính sách liên quan đến phát triển điện lực.
Bộ Công Thương tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp, chỉ rõ những tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong lĩnh vực điện lực đối với doanh nghiệp, người dân, cơ quan quản lý Nhà nước, quy định pháp luật,… trước nhu cầu bảo đảm an ninh năng lượng cho nền kinh tế, đồng thời thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
Luật Điện lực (sửa đổi) cần giải quyết mối quan hệ kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa theo hướng tách bạch quản lý Nhà nước với kinh doanh, sản xuất điện; tạo lập hành lang pháp lý cho năng lượng tái tạo và hoạt động nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ mới về năng lượng; phát triển và xuất khẩu điện gió ngoài khơi, sản xuất nhiên liệu xanh như hydro xanh, amoniac xanh…
Thứ nhất là nhóm chính sách lớn nhất, quan trọng nhất, khó khăn nhất là phát triển thị trường điện theo thể chế kinh tế thị trường, cạnh tranh, minh bạch từ lựa chọn các nhà đầu tư dự án điện, đến phương án tính giá điện bán cho người dùng.
Thứ hai là nhóm chính sách để chuyển đổi nguồn điện năng lượng hóa thạch sang điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới; giảm bớt tác động tiêu cực trong quá trình chuyển đổi năng lượng đối với doanh nghiệp, người dân, nền kinh tế.
Thứ ba là nhóm chính sách liên quan đến hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số đối với ngành công nghiệp điện lực; hình thành các trung tâm công nghiệp điện năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Công Thương quan tâm đến các chính sách sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường; chiến lược phát triển Việt Nam trở thành trung tâm năng lượng của khu vực và thế giới; vai trò của Nhà nước trong bảo đảm an toàn hệ thống, khuyến khích phát triển điện nền (pin lưu trữ điện, thủy điện tích năng, điện hạt nhân an toàn) để tăng tỉ lệ huy động điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới…