Xây dựng thị xã Quảng Trị trở thành điểm đến - không gian Vì Hòa bình

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, thị xã Quảng Trị là chiến trường nóng bỏng, gánh chịu sự ác liệt của chiến tranh với bao đau thương, tàn khốc. Bản hùng ca 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ - thị xã Quảng Trị của quân, dân ta năm 1972 đã in dấu son chói lọi trong lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam. Cùng với những địa danh lịch sử toàn tỉnh, Thành Cổ Quảng Trị trở thành niềm tự hào về một thời hào hùng và khát vọng hòa bình của dân tộc. Xây dựng thị xã Quảng Trị trở thành điểm đến - không gian Vì Hòa bình, trở thành động lực thôi thúc Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã trong hành trình dựng xây và phát triển.

VĂN NGỌC LÃM, TUV, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Quảng Trị

Một góc thị xã Quảng Trị - Ảnh: MINH ANH

Một góc thị xã Quảng Trị - Ảnh: MINH ANH

Kết thúc chiến tranh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã đã khắc phục khó khăn, tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh và tái thiết quê hương. Nghị quyết của Đảng bộ thị xã qua các thời kỳ ngày càng đi vào cuộc sống, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các thành phần kinh tế, tiềm năng, trí tuệ của Nhân dân.

Gần 50 năm sau chiến tranh, tinh thần hòa hợp, đoàn kết đã góp phần quan trọng làm nên sự hồi sinh của mảnh đất này. Từ một vùng đất bị chiến tranh san bằng hủy diệt hoàn toàn, thị xã Quảng Trị trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch phía Nam của tỉnh. Nền kinh tế phát triển toàn diện và đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 12,5%.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tỉ trọng ngành thương mại, dịch vụ chiếm 60% trong cơ cấu kinh tế. Thu ngân sách tăng 12,7%/ năm. Kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư, từng bước đồng bộ. Một số điểm nhấn kiến trúc và các khu đô thị mới được hình thành, góp phần thu hút cư dân và phát triển không gian đô thị.

Giáo dục và đào tạo phát triển toàn diện, đi trước một bước so với mặt bằng chung toàn tỉnh. Văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ. Lao động, giải quyết việc làm, giảm nghèo, chăm lo các đối tượng chính sách và đảm bảo an sinh xã hội thực hiện tốt, hộ nghèo giảm còn 1,7%; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được cải thiện rõ nét. Cán bộ và Nhân dân thị xã đã và đang khơi dậy mạch nguồn cảm xúc, nung nấu ý tưởng dựng xây quê hương trở thành đô thị loại III, hướng đến đô thị Vì Hòa bình theo định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hòa bình là khát vọng cháy bỏng của người dân Việt Nam và Nhân dân Quảng Trị, cũng là khát vọng của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Khát vọng hòa bình cũng là tâm nguyên của hàng ngàn chiến sĩ, cựu chiến binh đã từng cầm súng chiến đấu, hy sinh trên mảnh đất này.

Đô thị Vì Hòa bình mà thị xã hướng tới là đô thị mang đặc trưng của một vùng đất bị hủy diệt bởi chiến tranh đang hồi sinh và phát triển; là điểm đến tri ân và tâm linh, điểm hẹn của nhân loại yêu chuộng hòa bình, nơi lan tỏa các giá trị của hòa bình.

Vì vậy, xây dựng thị xã Quảng Trị trở thành “điểm đến - không gian Vì Hòa bình” chính là xây dựng nơi đây trở thành biểu tượng của sức sống mãnh liệt, tôn vinh các giá trị của hòa bình, khát vọng hòa bình của nhân loại, nơi tri ân các anh hùng liệt sĩ và tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh, thể hiện truyền thống đền ơn đáp nghĩa và yêu chuộng hòa bình của dân tộc.

Để thực hiện mục tiêu đó, những năm qua, Thị ủy, HĐND thị xã đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, UBND thị xã đã ban hành nhiều kế hoạch để chỉ đạo tổ chức thực hiện. Đã tập trung điều chỉnh quy hoạch chung đô thị đến năm 2045, triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết một số khu vực để phát triển dịch vụ - du lịch. Huy động các nguồn lực để đầu cơ sở hạ tầng đô thị, hạ tầng du lịch và chỉnh trang đô thị.

Tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, phát triển KT-XH, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng... Triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng điểm đến du lịch thị xã như: đẩy mạnh truyền thông, định hướng, nâng cao nhận thức người dân; đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, an ninh, an toàn, xây dựng môi trường xã hội thân thiện, nghĩa tình, đô thị văn minh...

Quán triệt quan điểm phát triển bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, di tích lịch sử cách mạng; chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch và phát triển du lịch. Các di tích lịch sử văn hóa, các công trình tưởng niệm được trùng tu nâng cấp. Thành Cổ - Tháp Chuông - Quảng trường Giải Phóng - Đền tưởng niệm, bến thả hoa bờ Nam, bờ Bắc và sông Thạch Hãn trở thành “không gian thiêng” trong không gian tưởng niệm Thành Cổ. Nghĩa Trủng Đàn - nơi an nghĩ hàng trăm nghĩa quân Tây Sơn. Phố đi bộ Ngô Quyền, du lịch đêm Thành Cổ, lễ hội hoa đăng tri ân các anh hùng liệt sĩ trở thành sản phẩm đặc trưng riêng có của địa phương.

Kết quả đó, góp phần quan trọng để thị xã Quảng Trị thực sự là một điểm đến an toàn, thân thiện; nơi mà mỗi người có thể chứng kiến, cảm nhận sự khốc liệt của chiến tranh, khát khao hòa bình, cùng nhau truyền đi thông điệp hòa bình - hòa hiếu - bao dung - nhân nghĩa và mong muốn được đóng góp vào việc kiến tạo, gìn giữ hòa bình trong thời đại ngày nay.

Để tiếp tục xây dựng thị xã trở thành điểm đến - không gian vì hòa bình, trong thời gian tới thị xã Quảng Trị sẽ đẩy mạnh phát triển KT-XH, thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý theo quy hoạch, đẩy mạnh huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và các dịch vụ phục vụ phát triển du lịch. Hoàn thành xây dựng các khu vực phát triển đô thị mới, các dự án trọng điểm.

Tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mời gọi, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn thị xã; đẩy mạnh phát triển du lịch, xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch của thị xã với những giá trị văn hóa lịch sử 215 năm của một vùng đất từng là lỵ sở tỉnh Quảng Trị gắn với sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ.

Chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa xã hội, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, xây dựng đô thị văn minh; tạo chuyển biến thực chất trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người thị xã; đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng điểm đến an toàn, thân thiện... Trước mắt, chuẩn bị và phối hợp tổ chức thành công chương trình “Ước nguyện hòa bình” trong khuôn khổ Lễ hội Vì Hòa bình lần đầu tiên tỉnh Quảng Trị tổ chức tại thị xã Quảng Trị.

Khát vọng hòa bình là lẽ sống, nét đẹp văn hóa tiêu biểu, là tiêu chuẩn đạo đức, phẩm hạnh của con người. Xây dựng thị xã Quảng Trị trở thành điểm đến, không gian Vì Hòa bình là hành động thiết thực để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thị xã trở thành đô thị loại III, hướng đến đô thị Vì Hòa bình.

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xay-dung-thi-xa-quang-tri-tro-thanh-diem-den-khong-gian-vi-hoa-binh-186965.htm