Xây dựng Thủ đô đẹp giàu

Cách đây 79 năm, ngày 19/8/1945, theo lời kêu gọi của Việt Minh, cả Hà Nội vùng dậy dưới rừng cờ đỏ sao vàng xuống đường tiến thẳng về trung tâm Nhà hát thành phố để dự mít tinh. Từ Hà Nội, làn sóng Cách mạng tỏa đi khắp nơi, cả nước vùng dậy đấu tranh giành chính quyền và liên tiếp giành thắng lợi… Ngày 2/9 tại quảng Trường Ba Đình - Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, chấm dứt 80 năm đô hộ của thực dân Pháp.

Phát huy hào khí tháng Tám xây dựng Thủ đô hiện đại (Ảnh minh họa).

Phát huy hào khí tháng Tám xây dựng Thủ đô hiện đại (Ảnh minh họa).

Phát huy hào khí cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9, suốt 79 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng - Đảng bộ, Chính quyền thành phố Hà Nội đã vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu thu được nhiều thành tựu quan trọng. Từ sự kiện Giải phóng Thủ đô (10/10/1954), đến “Thủ đô phẩm giá và lương tri con người” bằng sự kiện chiến thắng pháo đài bay B52 trên bầu trời Hà Nội những ngày mùa đông năm 1972 để mở đường chiến thắng trên bàn đàm phán Paris năm 1973, góp phần vào đại thắng mùa xuân năm 1975 thống nhất đất nước.

Bước sang thời kỳ đổi mới, với phương châm “Hà Nội là Thủ đô đất nước nên phải đi trước về trước trong các phong trào”, được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Trung ương Đảng, sự phối hợp nhịp nhàng với các bộ, ban, ngành, từ một thành phố có quy mô kinh tế không lớn, đến nay cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đã trở thành một trong hai đầu tàu kinh tế cả nước. Trong đó, ngoài tốc độ tăng GRDP, Hà Nội là địa phương có kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, kết nối, lan tỏa khoa học, hiện đại nhất cả nước. Thậm chí, xét trên bình diện kinh tế, 7 tháng đầu năm 2024, lần đầu tiên thu ngân sách Nhà nước của thành phố Hà Nội đạt 337,2 nghìn tỷ đồng cao hơn Thành phố Hồ Chí Minh (thu ngân sách đạt trên 308 nghìn tỷ đồng).

Nói như thế không có nghĩa, bức tranh kinh tế - xã hội của Thành phố đã “hoàn hảo” mà còn rất nhiều việc phải làm để cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kết luận số 80-KL/TW ngày 24/5/2024 của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và cụ thể hóa Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua xây dựng Hà Nội là Thành phố Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.

Về vấn đề này, khi trao đổi với người viết, một số cán bộ nghỉ hưu cho rằng, bên cạnh những gì Thành phố đã và đang triển khai, để Hà Nội thực sự Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, sẽ còn nhiều việc phải làm. Trong đó, chú trọng phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế, tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp của Thủ đô, đồng thời kết hợp với nguồn lực của trong nước và nguồn lực quốc tế. Khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô sánh ngang với Thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới. Thời gian qua, Thành phố đã thống nhất các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Với sự vào cuộc đồng bộ, bài bản, sáng tạo của Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, thành phố Hà Nội đang phấn đấu đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, đưa Thủ đô ngàn năm văn hiến ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Tin tưởng rằng, phát huy những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, khắc phục những tồn tại, hạn chế, rút ra những bài học kinh nghiệm, Đảng bộ Thành phố sẽ lãnh đạo toàn thể hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô làm nên “cách mạng tháng Tám mới” trong xây dựng Thủ đô đẹp giàu!

L.Hà

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/xay-dung-thu-do-dep-giau-175610.html