Xây dựng Thủ đô Hà Nội 'bình yên, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần'

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển để Hà Nội xứng đáng là Thủ đô 'Văn hiến - Văn minh - Hiện đại'.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Ảnh: VGP.

Sáng 17/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2024, Hà Nội đã nỗ lực vượt qua thách thức, đạt được những thành tựu đáng khích lệ.

Thành phố đã chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược, trong đó có 3 nội dung quan trọng gồm: Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã được Bộ Chính trị, Quốc hội cho ý kiến, hiện nay đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Kinh tế Hà Nội tiếp tục tăng trưởng, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội đều tăng so với cùng kỳ năm 2023: GRDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6%, bình quân 3 năm 2021-2023 tăng 6,04% - cao hơn khoảng 1,16 lần mức tăng của cả nước. Tổng thu ngân sách Nhà nước 7 tháng đầu năm đạt gần 324.000 tỷ đồng, bằng 79,2% dự toán.

Giải ngân kế hoạch đầu tư công đến hết tháng 7/2024 đạt hơn 23.000 tỷ đồng, bằng 28,7% kế hoạch, cao hơn lũy kế giải ngân cùng kỳ năm 2023 (18.100 tỷ đồng), đứng thứ 2 về khối lượng so với các bộ, ngành và địa phương.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì ổn định, với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,2%; thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển. Thu hút FDI đạt hơn 1,37 tỷ USD, dự kiến cả năm đạt 3,13 tỷ USD. Với kết quả thu hút FDI này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhận định Hà Nội không chỉ là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài mà còn là trung tâm kinh tế, tài chính quan trọng của khu vực và cả nước.

Về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, Hà Nội thực hiện Đề án: "Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030"; giai đoạn 2021-2025, thành phố dự kiến hoàn thành khoảng 1,1 triệu m2 sàn nhà ở xã hội với khoảng gần 16.000 căn. Dự kiến giai đoạn 2026-2030, có 50 dự án được triển khai với khoảng 3,2 triệu m2 sàn, khoảng hơn 57.000 căn.

TP Hà Nội cũng đã thực hiện Quyết định của Thủ tướng chính phủ, tiếp nhận bàn giao khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Thủ đô Hà Nội

Thay mặt Chính phủ,Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương nỗ lực của lãnh đạo, cấp ủy đảng, chính quyền, quân và dân Thủ đô và những thành tựu quan trọng đã đạt được, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: VGP.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý 6 điểm tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của Hà Nội.

Trong đó, GRDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6%, thấp hơn mức tăng của cả nước. Tiềm năng huy động nguồn lực xã hội rất lớn nhưng cơ chế, chính sách, cách làm chưa tương xứng tiềm năng. Ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, ngập úng vẫn là vấn đề cần khắc phục. Tỉ lệ hộ dân nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch mới đạt 90%.

Một số dự án hạ tầng chiến lược chưa bảo đảm tiến độ. Thiếu các sự kiện, chuỗi các sự kiện văn hóa thể thao mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Nhiều làng nghề truyền thống và các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống có dấu hiệu mai một. Tỷ trọng kinh tế số còn thấp, chuyển đổi số còn chậm. Xếp hạng Chỉ số PCI năm 2023 giảm bậc so với năm 2022, tình hình tội phạm, cháy nổ diễn biến phức tạp...

Cho rằng nhiệm vụ trong thời gian tới đặt ra với Hà Nội là hết sức nặng nề, Thủ tướng nêu rõ quan điểm: Phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội; xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội luôn luôn là mối quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Thủ đô Hà Nội".

Khẳng định Thủ đô Hà Nội có vinh dự lớn, đồng thời có trách nhiệm hết sức nặng nề, Thủ tướng nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần".

Để thực hiện được các mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội, Thủ tướng yêu cầu TP Hà Nội phải thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể như: Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các công trình trọng điểm, đặc biệt là tuyến đường Vành đai 4; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; phấn đấu nằm trong nhóm 5-10 địa phương tốt nhất về các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; giải quyết tốt các vấn đề về hạ tầng đô thị, giao thông, giáo dục, y tế, môi trường, xã hội; cải cách tiền lương gắn với kiểm soát tốt giá cả thị trường, không để thiếu hụt lương thực, thực phẩm và xăng dầu; đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Thủ tướng cũng lưu ý TP Hà Nội đáp ứng phản hồi, đề nghị của các bộ, ngành để xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn để tiếp tục cụ thể hóa, triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi).

Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài khẳng định thành phố sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội của Thủ đô theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến tham gia của các bộ, ngành Trung ương.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài khẳng định thành phố sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại". Ảnh: VGP.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài khẳng định thành phố sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại". Ảnh: VGP.

Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài cũng bày tỏ, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Trung ương Đảng, Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành Trung ương để giúp Hà Nội có các cơ chế, chính sách vượt trội, tiếp tục phát huy và đóng góp nhiều hơn nữa với vai trò, vị thế của Thủ đô - trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước, xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Thảo Ngân

Theo Cổng TTĐT Chính phủ

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/xay-dung-thu-do-ha-noi-binh-yen-manh-khoe-ca-ve-vat-chat-va-tinh-than-32516.html