Xây dựng Thủ đô xứng tầm khu vực
Trong giai đoạn 2020 - 2025, Hà Nội sẽ tập trung khai thác, phát huy hiệu quả mọi tiềm năng, nguồn lực khoa học và công nghệ trên địa bàn Thành phố, tạo sự bứt phá về đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế Thủ đô.
Báo cáo chính trị tại Ðại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhấn mạnh, Thành phố đã đổi mới cơ chế quản lý các nhiệm vụ khoa học, công nghệ; chuyển mạnh từ phương thức giao nhiệm vụ sang đặt hàng, tuyển chọn. Kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ được ứng dụng hiệu quả hơn vào thực tiễn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Triển khai 345 nhiệm vụ khoa học, công nghệ, trong đó 85% nhiệm vụ sau khi nghiệm thu đã được ứng dụng vào thực tiễn, nhất là Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cung cấp luận cứ khoa học xây dựng Văn kiện Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố. Đáng chú ý, Thành phố đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương cơ bản hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Xây dựng, đưa vào hoạt động Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội (HBI-IT), dự án Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Các sản phẩm khoa học, công nghệ thực sự trở thành hàng hóa, nhu cầu mua bán công nghệ ngày càng tăng. Từ những giải pháp hỗ trợ của Thành phố, phong trào khởi nghiệp sáng tạo bước đầu đã lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Báo cáo cũng cho rằng, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực quan trọng, đột phá để nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Hệ thống cơ chế, chính sách về khoa học - công nghệ chưa hoàn thiện; chưa đáp ứng yêu cầu khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện đổi mới, chuyển giao, nâng cao trình độ công nghệ; kết nối hoạt động nghiên cứu giữa các nhà khoa học với thị trường và doanh nghiệp nhìn chung còn yếu. Thị trường khoa học - công nghệ ở Thủ đô còn nhiều hạn chế; thiếu thông tin và các sản phẩm có giá trị; vai trò của các tổ chức trung gian, tư vấn chuyển giao công nghệ còn mờ nhạt, nhất là các tổ chức có chức năng xúc tiến, định giá công nghệ…
Với quyết tâm xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học và công nghệ của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định: “Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển Thủ đô hiện đại, văn minh”, “Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội”.
Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, khâu đột phá để phát triển Thủ đô và là động lực quan trọng để Hà Nội bứt phá. Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn, có rất nhiều điểm mới về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội so với Nghị quyết Đại hội XVI.
Trước tiên, vai trò quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được nâng tầm, được khẳng định sẽ là động lực phát triển mới để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô. Nghị quyết Đại hội XVII đã đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào các định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm: “Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược”.
Lần đầu tiên phạm trù “đổi mới sáng tạo” được bổ sung vào Nghị quyết để thống nhất với chỉ đạo của Trung ương, phù hợp tình hình thực tế của Thủ đô và xu hướng thời đại. Lần đầu tiên đưa ra mức tổng đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo không thấp hơn 1% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thủ đô. Lần đầu tiên đưa “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước xây dựng thành phố thông minh, phục vụ tốt hơn nhu cầu người dân và doanh nghiệp” là một trong 3 nội dung chính để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong đó, hoàn thiện, vận hành hiệu quả Trung tâm điều hành thông minh, Trung tâm dữ liệu của thành phố; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử của thành phố trước năm 2025, hướng tới hình thành chính quyền số thành phố Hà Nội; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 phấn đấu đạt 100%; vận hành, khai thác hiệu quả Trung tâm dữ liệu thành phố, kết nối đồng bộ, liên thông các cơ sở dữ liệu về dân cư, cán bộ, đất đai, hạ tầng kỹ thuật, môi trường, năng lượng…”, ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết.
Để triển khai Nghị quyết Đại hội XVII, Hà Nội sẽ xây dựng chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực: Hỗ trợ doanh nghiệp tạo sản phẩm mới; áp dụng hệ thống quản lý, quản trị tiên tiến, các công cụ nâng cao năng suất, chất lượng, áp dụng các tiêu chuẩn hài hòa với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế...
Thành phố sẽ tăng cường xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Huy động và khai thác hiệu quả các nguồn lực (nhân lực, tài chính, đất đai...) để đồng hành với sự phát triển khoa học,công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thủ đô. Thành phố cũng tập trung phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là trung tâm tổ chức các sự kiện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quy mô quốc gia và quốc tế; kết nối chặt chẽ với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia và quốc tế…
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới là giải pháp quan trọng để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao hàm lượng chất xám trong sản phẩm, phát triển kinh tế số, góp phần xây dựng Thủ đô hiện đại, văn minh.
Tuy nhiên, để khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thực sự là động lực quan trọng để Thủ đô bứt phá, các chuyên gia cho rằng, Hà Nội phải nỗ lực rất lớn. Hiện tại, hoạt động khoa học, công nghệ của thành phố chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; nhiều tiềm lực khoa học, công nghệ trên địa bàn chưa được khai thác, sử dụng thực sự hiệu quả.
Việc cụ thể hóa các chủ trương, định hướng lớn về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thành các cơ chế, chính sách còn chậm; thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển đồng bộ thị trường khoa học, công nghệ; các tổ chức trung gian, tư vấn chuyển giao công nghệ còn hạn chế cả về số lượng và quy mô, nhất là các tổ chức có chức năng xúc tiến, định giá công nghệ... Đặc biệt, đầu tư công cho khoa học, công nghệ chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hồng Sơn cho biết, để triển khai Nghị quyết Đại hội XVII, bên cạnh những kế hoạch lâu dài, trước mắt Sở sẽ tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cho các cấp, ngành, nhất là người đứng đầu về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng...
Mục tiêu là làm cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành nhiệm vụ thường xuyên, một nội dung không thể tách rời trong từng ngành, lĩnh vực của Thủ đô. Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Sở Khoa học và Công nghệ cũng sẽ tham mưu Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng, trình Thành ủy xem xét, phê duyệt và ban hành Chương trình số 07-Ctr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2020-2025”, nhằm khai thác, phát huy hiệu quả mọi tiềm năng, nguồn lực khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố, tạo sự bứt phá về đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế Thủ đô./.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/xay-dung-thu-do-xung-tam-khu-vuc-115388.html