Xây dựng thương hiệu cá thính Tử Đà
Từ hàng trăm năm trước, một số hộ dân ở xã Tử Đà, nay là xã Bình Phú (được sáp nhập bởi ba xã: Tử Đà, Bình Bộ và Vĩnh Phú), huyện Phù Ninh đã có nghề làm cá thính. Từ lúc chỉ làm thức ăn để dành trong những lúc ngày giá rét, nay cá thính đã trở thành một trong những loại thực phẩm được nhiều người ưa chuộng, giúp nhiều hộ tại địa phương nâng cao thu nhập.
Sơ chế cá để làm cá thính ở cơ sở cá thính Phúc Sen, xã Bình Phú, huyện Phù Ninh.
Ai đến Khu Răm, xã Bình Phú vào những ngày cuối năm thường dễ dàng nhìn thấy những dãy chum, vại ướp cá đang chờ hoặc đã vào thính của các hộ gia đình được xếp ngay ngắn trong nhà. Theo một số người dân địa phương cho biết: Xã Tử Đà cũ có điều kiện thuận lợi phát triển nghề nuôi thả và đánh bắt thủy sản do nằm cạnh dòng sông Lô và sở hữu nhiều đầm tự nhiên diện tích rộng hàng chục ha như: Đầm Nợ, đầm Cả, đầm Vang… cùng nhiều ao, hồ. Nghề làm cá thính cũng bắt nguồn từ đó. Vào mùa thu hoạch cá, nhất là vụ đông, cá tươi nhiều bán không hết. Để bảo quản cá trở thành nguồn thực phẩm dự trữ, người dân trong xã đã nghĩ ra cách muối chua cá bằng muối và bột thính. Trước kia, chỉ ít hộ làm nhỏ lẻ chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình, còn nay, nghề làm cá thính phát triển mở rộng.
Ông Hà Kế Phúc- Chủ cơ sở sản xuất cá thính Phúc Sen chia sẻ: Tôi cũng không nhớ rõ là nghề làm cá thính có từ bao giờ, chỉ biết là được truyền từ đời này sang đời khác. Trước đây, nhờ có dòng sông Lô nên thức ăn trong bữa cơm của người dân nơi đây chủ yếu là tôm cá. Những hôm đánh được nhiều, ăn hoặc bán không hết, để thì bị hỏng nên người dân nghĩ ra cách làm thính để dành, phòng những hôm không đánh bắt được cá và được coi là thức ăn của người nghèo. Hiện nay thì nguồn nguyên liệu làm cá thính khá phong phú do người dân tận dụng diện tích mặt nước để nuôi thả cá, chúng tôi có hợp đồng thu mua cá của họ nên đảm bảo nguồn cung, không phụ thuộc vào sông Lô như ngày trước.
Cá thính có thể được làm từ nhiều loại cá, nhưng ngon nhất phải là cá mè, cá chim có trọng lượng từ 2-3kg hoặc cá trôi nhân cỡ nhỉnh gần bằng hai đầu ngón tay. Nghề làm cá thính cũng khá vất vả, thường thường vào khoảng 2-3 giờ sáng, cá sẽ được chở đến cơ sở sản xuất, sau đó là công đoạn mổ, lóc, rửa làm sạch, phơi khô, ướp muối từ 2-3 ngày. Cá được muối sẽ qua công đoạn vào thính bằng ngô nếp rang chín già, giã thành bột. Người khéo làm phải biết ướp làm sao để cá không bị quá mặn, khi vào thính miếng cá phải khô ráo hoàn toàn, lúc vào thính phải khứa 4-5 đường trên thân để cá ngấm đều thính. Sau đó đem xếp thành từng lớp vào lu, cất vào chỗ râm mát từ 15-20 ngày là sử dụng được.
Ông Hà Kế Tài- Chủ tịch UBND xã Bình Phú cho biết: Ở khu Răm có vài chục hộ làm nghề thính cá, trong đó có khoảng 20 hộ làm nghề thường xuyên. Hiện nay, sản phẩm cá thính Tử Đà đã được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP ba sao và công nhận nhãn hiệu tập thể do Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và công nghệ cấp. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi để cho cá thính Tử Đà mở rộng thị trường tiêu thụ ra ngoài địa bàn tỉnh. Trong khoảng năm năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, các hộ làm cá thính tiêu thụ được khoảng 12-15 tấn cá với mức giá từ 120.000 - 200.000 đồng/kg, mang lại doanh thu hàng tỉ đồng.
Để phát triển nghề làm cá thính, tạo nguồn thu nhập ổn định và giúp người dân có thêm nghề bên cạnh nghề nông, vừa qua UBND xã Bình Phú đã mở lớp tập huấn truyền nghề cho 46 hộ, hướng tới xây dựng HTX cá thính Tử Đà hoặc làng nghề cá thính Tử Đà, tiến tới xây dựng thương hiệu “cá thính Tử Đà” trở thành một trong những món quà quen thuộc đối với đồng bào và du khách khi về Đất Tổ.
Cao Hương
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//mon-ngon/xay-dung-thuong-hieu-ca-thinh-tu-da/188275.htm