Xây dựng thương hiệu chè Shan tuyết Trung Thành
Cây chè Shan tuyết đã gắn bó với người dân xã Trung Thành (Đà Bắc) từ những năm 80 của thế kỷ trước. Đã có lúc, chè Shan tuyết ở Trung Thành mọc thành rừng bạt ngàn trên đỉnh núi mờ sương. Khi đó, chè được trồng nhiều nhưng chưa thành hàng hóa. Những cây chè cổ thụ dần dần bị chặt hạ để trồng ngô, sắn. Từ năm 2006, thực hiện liên kết với Dự án Giảm nghèo của tỉnh, Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh giống cây trồng Phương Huyền (Công ty Phương Huyền) đã cung cấp giống chè Shan tuyết cho bà con trong xã. Với thổ nhưỡng phù hợp nên chè phát triển tốt. 5 năm gần đây, xã có trên 40 ha chè cho thu hoạch thường xuyên.
Từ nhiều năm nay, Trung Thành được coi là vùng chè của huyện Đà Bắc, xã xác định chè là cây trồng chủ lực xóa đói, giảm nghèo. Từ cuối năm 2019, HTX sản xuất chè Nam Phương được thành lập, đi vào hoạt động đã cơ bản giải quyết được khó khăn về đầu ra cho cây chè, mở hướng cho xã xây dựng thương hiệu chè Shan tuyết Trung Thành. Chè được trồng trên núi cao, áp dụng chăm sóc, thu hái, chế biến theo quy trình ViệtGAP, sản phẩm chè của HTX được Công ty Phương Huyền bao tiêu đã chiếm lĩnh thị trường, được nhiều người tiêu dùng tin tưởng đón nhận.
Hiện, toàn xã có trên 70 ha chè Shan tuyết. Nhưng những cây chè cổ thụ chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Hộ ông Hà Văn Thực ở xóm Búa còn giữ được 3 cây chè cổ thụ, diện tích chè đang cho thu hoạch khoảng 5.000 m2. Trò chuyện với chúng tôi, ông Hà Văn Thực cho biết: Cây chè Shan tuyết chỉ phải đầu tư trồng 1 lần mà cho thu hoạch kéo dài trên 50 năm. Do đó, nhiều bà con trong xóm Búa tham gia trồng chè. Tận dụng các khu đồi, rừng tạp, bà con cải tạo để trồng chè. Xóm Trung Thượng là 1 trong 2 xóm có diện tích trồng chè nhiều nhất xã, với trên 20 ha. Trên các triền đồi, chè Shan tuyết phủ kín sắc xanh. So với các cây trồng khác, cây chè cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn, việc trồng và chăm sóc đỡ vất vả hơn. Thêm nữa, cây chè có vai trò quan trọng trong chống xói mòn, rửa trôi đất.
Gia đình anh Hà Văn Nam, Giám đốc HTX sản xuất chè Nam Phương là một trong những hộ trồng nhiều chè ở xóm Thượng với hơn 4.000 m2. Tiếp chúng tôi trong xưởng sản xuất chè, anh Nam cho biết: "Khi chưa chuyển sang trồng chè, đây chỉ là vườn tạp, trồng ngô, sắn cũng không lên được. Nếu so sánh về hiệu quả kinh tế thì 1 chè bằng 2 thóc và bằng 3 ngô. Từ khi HTX được Công ty Phương Huyền đầu tư máy móc, hỗ trợ về kỹ thuật để nâng cao chất lượng và bao tiêu sản phẩm, HTX thực hiện thu mua búp chè tươi của bà con trong xã. Hiện, HTX sản xuất 2 loại chè, với loại chè chất lượng cao 1 tôm 2 lá thu mua từ 10-12 nghìn đồng/kg, loại 1 tôm 3-4 lá thu mua tại vườn với giá 6.000 đồng/kg. Đầu ra sản phẩm luôn ổn định vì đã có Công ty Phương Huyền bao tiêu toàn bộ.
Đồng chí Hà Văn Lan, Chủ tịch UBND xã Trung Thành cho biết: Với điều kiện khí hậu phù hợp, cây chè sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, cho năng suất từ 7 - 9 tấn/ha, sản lượng toàn xã năm 2020 ước đạt hơn 300 tấn búp chè tươi. Theo số liệu khảo sát của UBND xã, quỹ đất toàn xã còn khoảng trên 50 ha là đồi, vườn tạp có thể cải tạo để trồng chè Shan tuyết. Tiềm năng, lợi thế cho thấy chè Shan tuyết là cây trồng phù hợp với xã Trung Thành, từng bước giúp người dân phát triển kinh tế, thoát nghèo. Tuy nhiên, để cây chè phát triển ổn định, bền vững, cho hiệu quả kinh tế cần sự quan tâm, định hướng của các cấp, ngành, từ hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, đến quy hoạch vùng trồng hợp lý, xây dựng vùng nguyên liệu; đầu tư máy móc, trang thiết bị, công nghệ chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Năm 2021, xã có kế hoạch nâng tổng diện tích lên hơn 100 ha, đề nghị huyện cấp kinh phí thực hiện để xây dựng sản phẩm OCOP chè Shan tuyết Trung Thành.