Xây dựng thương hiệu cho nông sản miền núi: Chú trọng đến câu chuyện phía sau
TS Võ Trí Thành cho rằng, việc xây dựng và phát triển bền vững thương hiệu cho nông sản miền núi không thể thiếu những câu chuyện phía sau sản phẩm.
Thưa TS Võ Trí Thành, xin ông cho biết một số đánh giá về tác động của những chính sách hỗ trợ tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho nông sản miền núi mà Bộ Công Thương triển khai thời gian qua?
Phải nói thế này, những người như thế hệ chúng tôi rất nhiều năm trước đây, khi chúng ta mới chuyển sang kinh tế thị trường mới bắt đầu hội nhập, thì đã có rất nhiều những sản phẩm của vùng miền núi, của đồng bào dân tộc ăn sâu trong tâm trí của người tiêu dùng rồi. Có thể kể đến bưởi, mật ong, trà… gần đây nữa là sâm…
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ ngành, địa phương triển khai rất nhiều chương trình liên quan đến tiêu thụ và xây dựng thương hiệu cho nông sản miền núi như Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Chương trình Khuyến công quốc gia, Chương trình phát triển thương mại biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo… Những chương trình này, có thể nói đã bao trùm lên tất cả các khía cạnh cho phát triển hàng hóa nói chung, đặc biệt là góp phần đưa hàng hóa của đồng bào ở miền núi, đồng bào dân tộc nói riêng lên một tầm cao mới.
Bên cạnh đó, nói đến miền núi chúng ta hay nói đến những khó khăn về đường xá, hạ tầng thông tin, hiểu biết công nghệ... Thế nhưng cũng đừng quên rằng có rất nhiều thế mạnh ở khu vực này, như là rừng với rất nhiều những nguyên vật liệu quý báu đầu vào, tạo ra những sản phẩm có chất lượng… Thêm nữa, đồng bào có kỹ năng, hiểu biết truyền thống. Dù trong thời đại nào thì những hiểu biết đó đều rất quý và rất đặc sắc. Đồng thời, câu chuyện về sản phẩm ở đây không phải chỉ là sản phẩm mà nó còn là các tích truyện, gắn với truyền thống văn hóa, tập tục hấp dẫn.
Vì sao tôi nói những lợi thế này là quan trọng? Bởi vì muốn đưa sản phẩm của bà con lên tầm cao mới thì ngoài việc phải đáp ứng được với xu hướng sống, xu hướng tiêu dùng thì các sản phẩm phải được gắn với các tích truyện, với truyền thống quý báu của đồng bào. Điều này được thị trường thế giới đặc biệt ưa chuộng.
Nhờ các yếu tố đó, thời gian qua, việc phát triển thị trường tiêu thụ cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được một số thành tựu quan trọng.
Cụ thể, một số sản phẩm của đồng bào đã và đang dần quen thuộc với người tiêu dùng trong nước, kể cả ở những đô thị lớn, và bước đầu là cả ở nước ngoài. Trong đó không thể không kể đến hàng nghìn sản phẩm, mặt hàng OCOP của đồng bào dân tộc.
Bên cạnh đó, độ phủ sóng của các mặt hàng này ở trong nước và ngoài nước. Nếu mà nói về kinh tế, thì tức là nhiều nơi đã bắt đầu tận dụng được các lợi thế nhờ quy mô và câu chuyện đằng sau, đồng thời sử dụng kỹ năng, công nghệ, đặc biệt là công nghệ số để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm ở những hệ thống phân phối lớn trong nước, kể cả hệ thống lớn bên ngoài, ví dụ như Amazon…
Như vậy, tôi thấy rằng, cảm nhận rất bình thường trên phương diện một người tiêu dùng, chúng ta thấy rất rõ những tác động vô cùng tích cực của tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của đồng bào miền núi, để cái đích cuối cùng là đem lại một cuộc sống tốt hơn cho chính đồng bào, đem lại sự phát triển của khu vực đó.
Và một điều còn cao quý hơn nữa là sự lan tỏa không chỉ là thương hiệu của sản phẩm, của vùng miền mà phần nào đã phản ánh thương hiệu của Việt Nam.
Xin ông phân tích kỹ hơn về việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để những chính sách thúc đẩy phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi thực sự có hiệu quả hơn nữa ?
Chúng ta cần nhìn rộng ra một chút, khi chúng ta đang phát triển bao trùm thì vấn đề không chỉ là sinh kế, công ăn việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống theo nghĩa đen của đồng bào mà còn có nhiều vấn đề khác, ví dụ như tiếp cận dịch vụ, giáo dục, y tế phải tốt hơn. Các điều kiện bên cạnh làm việc là nghỉ ngơi, giải trí…
Nói như vậy có nghĩa là sự vào cuộc của các Bộ rộng hơn, không chỉ các Bộ liên quan đến kinh tế, mà còn cả văn hóa, thể thao, du lịch. Không phải ngẫu nhiên theo tôi được biết là các quy hoạch của các tỉnh, mà đặc biệt là các tỉnh ở miền núi rất quan tâm đến vấn đề phát triển bao trùm, xanh, bền vững. Họ phải được hưởng lợi ở rất nhiều khía cạnh khác chứ không chỉ là cải thiện thu nhập.
Điều thứ hai, nếu chúng ta nhìn vào hệ sinh thái của các sản phẩm này từ A đến Z, từ nguyên vật liệu đến sơ chế, chế biến sâu, phân phối, quảng bá, xúc tiến, bán hàng, hậu mãi, thậm chí tính cả đến chuyện xử lý tranh chấp… Phải chuẩn bị sẵn cho những điều ấy để nâng sản phẩm lên tầm cao mới.
Và một điều rất quan trọng trong hệ sinh thái này, bên cạnh vật chất, nền kinh tế thực, dịch vụ, hàng hóa phải gắn với tài chính. Đồng bào bây giờ cần tiếp cận nhiều hơn với bán hàng online, thanh toán online…
Tôi được biết một câu chuyện ở Lạng Sơn, khi các shop bán hàng trở thành các shop online thì chỉ sau một thời gian ngắn, mức bán hàng có thể tăng hàng trăm phần trăm.
Trong việc phối hợp này chúng ta cũng cần lưu ý rằng vấn đề cuối cùng để bền vững thì phải có chất thị trường. Bao nhiêu hội chợ mà không gắn với chất thị trường thì sẽ không bền vững. Vậy nên vai trò của Hiệp hội là chia sẻ để đồng bào thấy được lợi ích. Trong thời gian qua chúng ta thấy rất rõ ví dụ về vải Lục Ngạn, có nhiều mặt hàng có giai đoạn gặp khó do nguồn cung quá nhiều. Song các doanh nghiệp đã vào cuộc như các hệ thống phân phối kết nối, các sàn thương mại điện tử vào cuộc cùng xắn tay vào để mở rộng kết nối, quy mô tiêu thụ. Và cuối cùng không chỉ tiêu thụ tốt mà còn đem lại hình ảnh tốt cho các vùng miền đất nước ta.
Thưa ông, ông rất quan tâm đến việc chung tay phối hợp của các Bộ, ban, ngành cũng như là việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Vậy trong sự chung tay này, doanh nghiệp cần triển khai những giải pháp gì để khai thác hiệu quả tiềm năng, cũng như nâng tầm sản phẩm của khu vực này?
Từ quan sát, học hỏi, nghiên cứu thì tôi lưu ý vài điểm này.
Thứ nhất, giai đoạn hiện nay, phát triển doanh nghiệp còn không thuần túy là truyền thống kinh tế theo nghĩa là lợi nhuận, chi phí thông thường, doanh số, năng suất, mà bây giờ làm ăn phải gắn với xu thế. Xu thế này không chỉ là cam kết chính trị mà chúng ta nói về phát triển bền vững, phát triển xanh là bao trùm, mà là áp lực và đòi hỏi của thị trường. Vậy nên nhiều nghiên cứu cho rằng, tuy phải tốn công hơn, tốn chi phí hơn một chút nhưng về dài hạn thì hiệu quả kinh doanh tốt hơn rất nhiều. Nếu nhân văn, trách nhiệm xã hội cao, chữ “xanh” của anh đậm thì chắc chắn là được thị trường đón nhận. Mà thị trường là những người có tiền, tầng lớp trung lưu, họ chi phối thị trường ấy cho nên đó là cái rất quan trọng.
Thứ hai, gắn với xây dựng thương hiệu, không chỉ sản phẩm mà bây giờ phải lưu ý cả quy trình. Sắp tới khi xuất sang các nước phát triển, họ đánh thuế xanh, nếu doanh nghiệp không đảm bảo trong toàn bộ quá trình sản xuất về các tiêu chuẩn môi trường, trách nhiệm xã hội, quản trị thì phải chịu thuế cao hơn, thậm chí người tiêu dùng sẽ tẩy chay. Như vậy dù có FTA ta cũng không bán được hàng.
Do đó, cần xây dựng thương hiệu. Ta có thế mạnh là có các tích truyện, có truyền thống, văn hóa rất nhân văn, không chỉ là truyền thông mà nó bắt đầu từ người bảo vệ, người làm, từ đồng bào họ tham gia vào quá trình này, từ những lãnh đạo. Hình ảnh phải toát lên được các khía cạnh của phát triển bền vững bao trùm thì mới được.