Xây dựng thương hiệu cho sầu riêng Việt

Các chuyên gia dự báo, quy mô thị trường trái sầu riêng toàn cầu sẽ đạt 28,6 tỷ USD vào năm 2025. Để nắm bắt cơ hội này, cùng với việc tìm kiếm thị trường mới, doanh nghiệp xuất khẩu cần chú trọng xây dựng thương hiệu cho sầu riêng Việt Nam xứng đáng với giá trị nó tạo ra.

Diện tích và sản lượng đều tăng nhanh

Tại phiên Tư vấn xuất khẩu sầu riêng Việt Nam ngày 22.7, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết, trong 10 năm trở lại đây, diện tích trồng sầu riêng ở Việt Nam tăng nhanh. Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, diện tích trồng sầu riêng năm 2021 là 84.800ha; sản lượng sầu riêng cả nước khoảng 700.000 tấn, tăng 15% so với năm 2020, tập trung ở Tiền Giang, Vĩnh Long, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng...

Sầu riêng Việt ngày càng được ưa chuộng

Sầu riêng Việt ngày càng được ưa chuộng

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều nhất với kim ngạch nhập khẩu hàng năm khoảng 4 tỷ USD, 90% nhập chính ngạch từ Thái Lan. Kể từ ngày 11.7, sầu riêng Việt Nam được xuất chính ngạch qua tất cả cửa khẩu của Trung Quốc, đây là tín hiệu tốt.

Sầu riêng Việt ngày càng thể hiện vị trí thống lĩnh trên thị trường lớn nhất châu Đại Dương - Australia, 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng qua thị trường này lên tới 33%. Còn tại Nhật Bản, nhu cầu nhập khẩu sầu riêng Việt cũng tăng cao, riêng năm 2020, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan trở thành nhà cung cấp sầu riêng lớn nhất cho Nhật Bản...

Huyện Krông Pắc, Đắk Lắk là nơi có diện tích và sản lượng sầu riêng lớn. Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Krông Pắc thông tin, tổng diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là 15.100ha, sản lượng 170.000 tấn/năm, thì riêng huyện Krông Pắc, diện tích đạt 4.000ha, sản lượng 45.000 - 50.000 tấn/năm. Trước đây, sầu riêng chỉ dùng để ăn, làm quà biếu hoặc tiêu thụ nội địa nhưng hiện tại được đẩy mạnh xuất khẩu.

Muốn xuất khẩu bền vững, phải theo chuẩn Global GAP

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, trước đây Trung Quốc thường nhập sầu riêng cấp đông, chủ yếu bằng phương pháp máy nén truyền thống, trung bình mất 6 - 8 giờ mới cấp đông xong cho một container 40 feet, đạt tới -18 độ C. Thế nhưng, hiện đã có phương pháp cấp đông mới sử dụng khí ni tơ lỏng, cấp đông đạt -18 độ C chỉ mất 1 giờ đồng hồ. Sau khi rã đông thì hương vị giống như sầu riêng tươi. Tuy nhiên, sầu riêng Việt đứng trước mối lo thiếu ni tơ lỏng để cấp đông. Vì vậy, về lâu dài, các doanh nghiệp Việt cần tính đến điều này.

“Sầu riêng Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển, nếu giải quyết được các vướng mắc gặp phải, loại quả này có thể vượt qua cả kim ngạch của thanh long, sản phẩm chủ lực của rau quả xuất khẩu hiện nay”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Tuy vậy, muốn xuất khẩu sầu riêng bền vững, bắt buộc phải theo tiêu chuẩn Global GAP, tuân thủ đúng quy định của các thị trường về dư lượng hóa chất tồn dư, điều kiện kiểm dịch thực vật khác. Để vào thị trường Nhật Bản, Tham tán thương mại Việt Nam Tạ Đức Minh lưu ý, vấn đề mấu chốt phải kiểm soát chất lượng, dư lượng hóa chất của sầu riêng. Bên cạnh đó, cần đáp ứng quy định về bao bì, nhãn mác đối với hoa quả, bảo đảm giá thu mua nguyên liệu, giá bán ổn định. Ngoài xuất khẩu trái sầu riêng tươi, doanh nghiệp cũng nên cân nhắc các sản phẩm có chế biến sâu như sấy khô, bánh xốp, kem...

Còn theo Phó Tổng lãnh sự tại Sydney, Trưởng cơ quan thương vụ Việt Nam tại Australia Nguyễn Phú Hòa, Australia là thị trường khó tính và có tiềm năng tiêu thụ những sản phẩm chất lượng cao. Nếu cạnh tranh tốt về mẫu mã, chất lượng, thương hiệu, bán với giá cao đi đôi với chất lượng tốt thì sẽ giữ chân được thị phần. Thương vụ cam kết hỗ trợ truyền thông tích cực cho các doanh nghiệp để quảng bá trái sầu riêng Việt Nam tại thị trường này.

Chuẩn bị tốt nhất cho việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, ở góc độ địa phương, bà Ngô Thị Minh Trinh cho biết, huyện Krông Pắc sẽ tiếp tục nâng cấp chất lượng sản phẩm để đạt chuẩn yêu cầu của nước nhập khẩu. Ngoài ra, huyện đã chuẩn bị 600ha sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP, đặc biệt mã số vùng trồng của huyện có 1.000ha đã được cấp và sẽ tiếp tục đề xuất cấp thêm cho 1.200ha. Hiện, huyện đã có 7 cơ sở đóng gói, phấn đấu đến cuối năm 2022 ít nhất có 30 cơ sở đóng gói xuất khẩu sầu riêng.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/xay-dung-thuong-hieu-cho-sau-rieng-viet-i296203/