Xây dựng thương hiệu 'Đồ gỗ Vạn An' trở thành biểu tượng của chất lượng, uy tín và sự tinh tế
Sáng 30-11, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận làng nghề mộc Vạn An - Làng nghề Hà Nội.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND xã Sơn Đông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Từ một nghề thủ công đơn giản, làng nghề mộc Vạn An đã phát triển thành một ngành nghề chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất cao cấp, đáp ứng nhu cầu không chỉ trong khu vực và toàn quốc, trở thành niềm tự hào của người dân thôn Vạn An, xã Sơn Đông. Qua nhiều thế hệ, nghề mộc Vạn An không ngừng phát triển, thích ứng với sự thay đổi của thị trường và nhu cầu tiêu dùng.

Xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây) đón nhận Bằng công nhận làng nghề mộc Vạn An - Làng nghề Hà Nội.
Với những nỗ lực phấn đấu của chính quyền địa phương và các thế hệ làm nghề, làng nghề mộc Vạn An đã dần khẳng định được thương hiệu và uy tín, được thị trường ghi nhận, đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế địa phương.
Những cống hiến của người làm nghề mộc ở thôn Vạn An đã được các cấp, ngành ghi nhận. Ngày 7-6-2024, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã ký ban hành Quyết định số 2982/QĐ-UBND công nhận làng nghề Mộc Vạn An, xã Sơn Đông đạt danh hiệu “Làng nghề Hà Nội”. Đây là thành tựu quan trọng sau những năm tháng lao động, cống hiến của nhân dân thôn Vạn An, là động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển của ngành nghề truyền thống, phát huy tiềm năng kinh tế của xã Sơn Đông nói riêng và thị xã Sơn Tây nói chung.

Các đại biểu tham quan khu trưng bày sản phẩm.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh đánh giá cao nỗ lực của làng nghề mộc Vạn An, xã Sơn Đông, đồng thời đề nghị thời gian tới, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, những hộ làm nghề mộc ở thôn Vạn An tiếp tục giữ gìn, phát huy giá trị; luôn giữ vững ngọn lửa đam mê, làm rạng danh nghề mộc truyền thống của quê hương; tập trung xây dựng thương hiệu "Đồ gỗ Vạn An" trở thành biểu tượng của chất lượng, uy tín và sự tinh tế; đẩy mạnh đổi mới mẫu mã, cải tiến kỹ thuật và tham gia tích cực vào các chương trình xúc tiến thương mại, triển lãm, hội chợ trong và ngoài nước.
Hiện thôn Vạn An có hơn 100 doanh nghiệp, hộ sản xuất với thu nhập trung bình từ 200-500 triệu đồng/cơ sở/năm; một số doanh nghiệp sản xuất lớn, lợi nhuận lên đến hàng tỷ đồng. Việc duy trì và phát triển làng nghề mộc đã giúp tạo việc làm cho nhiều lao động của địa phương với thu nhập từ 8 đến 15 triệu đồng/người/tháng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy kinh tế-xã hội.
THANH HƯƠNG