Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp thời 4.0: Không vận động là chết
Có những thương hiệu đã tồn tại được nhiều thập kỷ và vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng nhưng có những tên tuổi đã sụp đổ chỉ vì sơ sảy… Trong thời kỳ chuyển đổi số, DN đối mặt với nhiều thách thức, trong đó, nguy cơ mất thương hiệu rất lớn nếu DN không biết cách xây dựng và quản trị.
Những thương hiệu đã sụp đổ
Một thời dậy sóng thị trường điện thoại trên toàn cầu nhưng Nokia giờ đây đã không còn là thương hiệu được nhắc đến trong lĩnh vực này nữa, thay vào đó là những thương hiệu như Apple, Samsung… Nguyên nhân nằm ở chỗ, Nokia đã không chú trọng trong việc gìn giữ thương hiệu khi đã tạo dựng được nó. Tương tự, những cái tên của các hãng điện thoại đã từng “làm mưa làm gió” trên thị trường trong nước cũng như thế giới như Simens, Motorolla… giờ đây đã không còn hiện diện trong tâm trí người tiêu dùng.
Thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0, các DN phải vận động theo sự biến đổi không ngừng của nền kinh tế số với những ý tưởng mới, sáng tạo và đột phá, nếu không, sẽ sớm sụp đổ, nhường chỗ cho những DN chịu suy nghĩ, chịu hành động và chịu đầu tư.
Người tiêu dùng hẳn vẫn chưa quên thương hiệu Kodak, một thương hiệu máy ảnh lừng danh một thời, song cũng đã bị “xóa sổ” cách đây 10 năm khi cơn bão công nghệ ập đến. Số phận của những chiếc USB cũng tương tự, thay vào đó là công nghệ điện toán đám mây.
Là một chuyên gia trong lĩnh vực này, ông Samir Dixic, Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương nêu ra những nguy cơ có thể khiến các thương hiệu sụp đổ khi đối diện với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo vị này, nền kinh tế số với những ứng dụng công nghệ hiện đại đòi hỏi sự biến động không ngừng đối với các thương hiệu, các sản phẩm của DN. Nokia hay Motorolla rõ ràng đã từng rất được ưa chuộng, song chỉ vì “dậm chân tại chỗ”, không chịu vận động theo sự vận động của thời đại công nghệ số, nên đã sớm bị rơi vào quên lãng, nhường chỗ cho những chiếc điện thoại thông minh.
Theo vị này, không một quốc gia nào được có ý nghĩ công nghiệp 4.0 không ảnh hưởng đến mình, chỉ là ít hay nhiều và đang ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp. Công nghệ có thể giúp một thương hiệu thành công nhưng cũng có thể khiến nhiều thương hiệu sụp đổ. “Chỉ tính riêng 15 năm qua, nhiều DN đã phá sản nhường chỗ cho thương hiệu mới với những ý tưởng sáng tạo mới” – ông Samir Dixic cho hay.
Đâu là yếu tố cần chú trọng hàng đầu?
Theo các chuyên gia, xây dựng thương hiệu là yếu tố then chốt giúp DN cạnh tranh sòng phẳng hơn với các DN cả trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, xây dựng thương hiệu không chỉ là tấm giấy thông hành giúp DN trong hoạt động xuất khẩu, mà còn làm nên danh tiếng, thương hiệu của cả một quốc gia.
Do đó, các DN, doanh nhân hiểu được ý nghĩa sống còn của thương hiệu và phát triển thương hiệu. Phải đầu tư bài bản để nâng cao được giá trị hàng hóa. Đồng thời, chủ DN cũng nhìn nhận và có sự đầu tư thích đáng cho việc phát triển thương hiệu của sản phẩm của mình.
CEO Lại Tiến Mạnh - Đối tác chính thức của Brand Finance tại Việt Nam cho rằng, sự thâm nhập của cách mạng công nghiệp 4.0 đang thực sự khiến các DN Việt Nam gặp phải nhiều khó khăn trong xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Để có thể thích nghi với xu hướng mới, yêu cầu các DN phải vận động, phải thay đổi, đó thực sự không phải là điều dễ dàng vì phần lớn DN Việt có quy mô vốn nhỏ.
CEO Lại Tiến Mạnh cũng nêu lên thực trạng hiện nay của DN Việt trong việc thay đổi tư duy về quản trị thương hiệu: Sự am hiểu kiến thức về quản trị thương hiệu của các thương nhân Việt vẫn còn ở mức rất sơ khởi. Khi bước chân vào khởi nghiệp, DN thường chú trọng trước tiên đến hoạt động maketing bán hàng nhằm đạt doanh số cao, thay vì nghĩ đến việc xây dựng thương hiệu. “Rất hãn hữu có DN nghĩ đến đầu tư cho việc tạo dựng thương hiệu đầu tiên” – ông Mạnh nói.
Nói về sự thành công của những thương hiệu đã “sống khỏe” bao nhiêu năm nay, CEO Lại Tiến Mạnh nhấn đến yếu tố dịch vụ. Theo vị này, điều quan trọng nhất tạo nên thương hiệu cho DN không phải là tài chính mạnh, cũng chưa hẳn là công nghệ hiện đại tối tân, mà chính là thái độ phục vụ, sự tôn trọng khách hàng. Nhiều DN đã xây dựng nên thương hiệu cho mình bằng thái độ, cử chỉ ân cần với khách hàng, coi khách hàng thực sự là thượng đế.