Xây dựng thương hiệu, nâng tầm giá trị sản phẩm

Trong bối cảnh kinh tế thị trường ngày càng cạnh tranh và hội nhập sâu rộng, thương hiệu đã trở thành yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trên địa bàn tỉnh, các cấp chính quyền, ngành chức năng đã tích cực đồng hành, thực hiện các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong hành trình xây dựng thương hiệu. Việc xây dựng thương hiệu và tạo dựng niềm tin với khách hàng được ví như 'chìa khóa' giúp gia tăng giá trị doanh nghiệp, sản phẩm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã bước đầu xây dựng được một số thương hiệu khá tốt trong lĩnh vực giống cây trồng, sản phẩm nông sản chế biến, vật liệu xây dựng...

Nghiên cứu, chọn tạo giống lúa chất lượng cao tại Công ty cổ phần giống - vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam (phường Vân Phú, TP Việt Trì).

Nghiên cứu, chọn tạo giống lúa chất lượng cao tại Công ty cổ phần giống - vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam (phường Vân Phú, TP Việt Trì).

Các ngành, địa phương tập trung khai thác các chương trình hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản phẩm chủ lực, có lợi thế; lồng ghép nhiều chương trình để hỗ trợ, tạo đà cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đạt kết quả tích cực trong xây dựng thương hiệu. Nhiều thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm của tỉnh đã và đang từng bước lớn mạnh với các sản phẩm dịch vụ hàng hóa được người tiêu dùng đánh giá cao, được vinh danh ở nhiều chương trình, giải thưởng.

Thời gian qua, ngành Khoa học và Công nghệ tích cực triển khai hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng, ghi nhãn hàng hóa, công bố hợp chuẩn, hợp quy, đăng ký sử dụng mã số, mã vạch, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tạo lập và phát triển cho nhãn hiệu tập thể.

Giai đoạn 2020-2024, trên địa bàn tỉnh có hơn 120 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh được phê duyệt, trong đó Chương trình phát triển tài sản trí tuệ có 26 nhiệm vụ với tổng kinh phí 19,54 tỷ đồng; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, HTX nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa có 6 nhiệm vụ với tổng kinh phí 7,5 tỷ đồng.

Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, dịch chuyển từ mô hình sản xuất đơn lẻ sang sản xuất tập trung; sản phẩm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được kiểm soát về nguồn gốc và chất lượng, nâng cao giá trị thương hiệu.

Ngành Nông nghiệp hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm qua việc tổ chức triển khai áp dụng quy trình sản xuất an toàn, Chương trình OCOP. Ngành Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; nhân rộng mô hình khuyến công, xúc tiến thương mại, tham gia Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam...

Năm 2023, tỉnh Phú Thọ có 3 sản phẩm, bộ sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia, năm 2024 có 2 sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc.

Mới đây nhất, vào tháng 11/2024, tỉnh có 3 sản phẩm là gạch ốp lát Prato, gạch ốp lát CMC và ngói gốm tráng men CMC Galaxy của Công ty cổ phần CMC (Khu công nghiệp Thụy Vân, TP Việt Trì) được công nhận đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2024.

Công ty cổ phần giống - vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam (phường Vân Phú, TP Việt Trì) đã khẳng định thương hiệu trên thị trường bằng các sản phẩm đặc trưng, trong đó phải kể đến giống lúa J02.

Bà Nguyễn Thị Tâm - Tổng Giám đốc Công ty cho biết: “J02 là giống lúa thuần dòng Japonica có nguồn gốc từ Nhật Bản, được Viện Di truyền nông nghiệp nhập nội, Công ty độc quyền chọn lọc dòng thuần, sản xuất và kinh doanh trên phạm vi cả nước. Với ưu điểm của giống lúa này là cứng cây, chống đổ tốt, chịu rét, khả năng thích ứng rộng; cơm mềm, dẻo, vị đậm, kết hợp với việc Công ty phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, nhiều mô hình trình diễn đã góp phần lan tỏa, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Đến nay, giống lúa J02 đã được trồng ở 13/13 huyện, thành, thị của tỉnh Phú Thọ và trên 30 tỉnh, thành của cả nước. Cùng với sản xuất giống, Công ty mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực gạo và các sản phẩm chế biến từ lúa gạo, tạo nên các chuỗi liên kết khép kín từ cung ứng giống đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra đến chế biến thành gạo thương phẩm cung cấp cho người tiêu dùng”.

Để xây dựng thành công thương hiệu, cùng với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, bản thân doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải nỗ lực để hoàn thiện sản phẩm về chất lượng, mẫu mã; tích cực quảng bá thương hiệu, linh hoạt và mở rộng kênh phân phối. Xây dựng thương hiệu thành công tạo động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, góp phần vào phát triển kinh tế chung của tỉnh.

Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/xay-dung-thuong-hieu-nang-tam-gia-tri-san-pham-223976.htm