Xây dựng thương hiệu nông sản để phát triển nông nghiệp bền vững
Hành trình xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh là quá trình lâu dài, trải qua nhiều công đoạn, từ vùng nguyên liệu đầu vào đến quy trình sơ chế, bảo quản và quảng bá hình ảnh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Để thương hiệu sản phẩm bền vững theo thời gian, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tích cực hỗ trợ, tiếp sức cho HTX, người dân.
Kỳ II: Xây dựng đi đôi với bảo vệ thương hiệu
Sau khi đăng ký thành công nhãn hiệu tập thể, sản phẩm “Hồng không hạt Gia Thanh” của HTX dịch vụ nông nghiệp xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh đã nâng cao hiệu quả kinh tế gấp 1,5 - 2 lần so với trước.
Giữ vững thương hiệu
Thực hiện Kế hoạch số 1559/ KH-UBND ngày 6/5/2022 của UBND tỉnh về phát triển cây quế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, căn cứ vào tình hình thực tiễn huyện Yên Lập xác định thời gian tới đẩy mạnh phát triển cây quế theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, hình thành chuỗi giá trị; áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật; nâng cao chất lượng, giá trị, thương hiệu, sức cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, diện tích quế của Yên Lập đạt trên 1.700ha, tập trung chủ yếu ở hai xã là Trung Sơn và Thượng Long.
Ông Hoàng Văn Cường - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Lập cho biết: Với diện tích cây quế ngày càng mở rộng, sau khi đã tạo dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Quế Yên Lập”, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các HTX và người dân trong vùng sản xuất sản phẩm từ cây quế thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, quản lý chất lượng, quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu, tem, nhãn đúng yêu cầu trước khi cung cấp sản phẩm ra thị trường…
Cùng với các sản phẩm chủ lực của Yên Lập, bưởi Đoan Hùng trải qua bao thăng trầm, kỳ công chăm sóc, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đến nay bưởi Đoan Hùng đã là loại cây ăn quả đầu tiên trên địa bàn tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý từ năm 2006. Sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý cùng với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, quả bưởi có logo riêng và được dán tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, dễ dàng phân biệt với quả bưởi thông thường nên hạn chế được việc trà trộn, gây ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín của người trồng bưởi. Quan trọng hơn là giá trị sản phẩm bưởi được nâng lên rõ rệt từ 25-30%, trung bình mỗi ha bưởi đặc sản cho thu nhập từ 400-600 triệu đồng/năm cao gấp sáu lần so với cây lúa và năm lần so với trồng chè. Toàn huyện hiện có gần 2.500ha, trong đó riêng hai giống bưởi đặc sản là bưởi Sửu Chí Đám và bưởi Bằng Luân là 1.400ha, còn lại là bưởi Diễn và một số giống bưởi khác.
Các sản phẩm hàng hóa đặc trưng có lợi thế của tỉnh và sản phẩm của doanh nghiệp sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ đã mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con nhân dân trong vùng sản xuất. Các HTX, làng nghề, cơ sở sản xuất và người dân đã có ý thức trong việc thực hiện các quy trình sản xuất; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy trình kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, góp phần tăng giá trị, tạo vị thế ổn định trên thị trường tiêu thụ và tham gia vào đa dạng các kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, các sản phẩm đã mở rộng được quy mô sản xuất, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh, điển hình như các sản phẩm như: Chè Phú Thọ, lúa nếp Gà Gáy Mỹ Lung, tương Dục Mỹ, rau an toàn Tân Đức, chè Xanh Phú Hộ, cá chép đỏ Thủy Trầm, cá lồng sông Đà, hồng không hạt Gia Thanh, rau an toàn Tứ Xã,...
Người dân sản xuất sản phẩm từ cây quế đúng quy trình kỹ thuật nhằm cung cấp ra thị trường sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Hiện nay, với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, nền kinh tế thị trường đang ngày càng đòi hỏi các sản phẩm đảm bảo chất lượng cao, giá cả ổn định và mang tính cạnh tranh. Một yêu cầu cấp thiết đặt ra cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh là phải xác định được “tên tuổi và chỗ đứng” trên thị trường. Do vậy, các tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm cần nghĩ ngay tới việc đăng ký tạo lập quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm bản địa, đặc hữu, có danh tiếng, đậm tính đặc thù, chuyên biệt cho một khu vực địa lý. Đây là một trong những giải pháp cần thiết nhất để xây dựng thương hiệu và phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.
Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2025 sẽ đáp ứng 100% nhu cầu được tư vấn, hướng dẫn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các tập thể, cá nhân có nhu cầu trên địa bàn tỉnh, trong đó phấn đấu đơn đăng ký bảo hộ SHTT được chấp nhận đạt từ 850 đơn trở lên, số văn bằng bảo hộ được cấp tăng từ 1,5-2 lần so với giai đoạn 2016-2020. Hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển đối với sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, có lợi thế, sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP của tỉnh, trong đó: Hỗ trợ tạo lập và quản lý dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể cho từ 40 sản phẩm sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, có lợi thế, sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP và sản phẩm của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh; hỗ trợ khai thác, quản lý và phát triển cho từ năm sản phẩm hàng hóa đã được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, sáng chế, giải pháp hữu ích.
Theo bà Chu Thị Bích Thủy - Phó Giám đốc Sở KH&CN, để phát huy hết giá trị của các nhãn hiệu đã được xác lập quyền dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cần phải có kế hoạch quản lý và phát triển nhãn hiệu một cách hiệu quả nhất. Các tổ chức sản xuất, kinh doanh muốn sử dụng có hiệu quả một nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, cần xây dựng mô hình tổ chức đối với từng nhãn hiệu; có cơ chế hoạt động của bộ máy quản lý việc sử dụng nhãn hiệu. Đẩy mạnh các hoạt động liên kết sản xuất, phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của sản phẩm; tiếp tục ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm nhưng vẫn giữ được những giá trị đặc trưng, truyền thống của sản phẩm. Đặc biệt, tổ chức giám sát việc tuân thủ quy chế sử dụng nhãn hiệu, kiểm tra quy trình sản xuất, kinh doanh; kiểm tra hàng hóa, dịch vụ lưu thông trên thị trường để đảm bảo sản phẩm cung ứng đến người tiêu dùng đạt chất lượng cao nhất.
Phú Thọ là vùng Đất Tổ có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc trưng như: Bưởi Đoan Hùng, hồng không hạt Gia Thanh, cá Anh Vũ, gà nhiều cựa... Xác định được tiềm năng, lợi thế, tỉnh đã chỉ đạo phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm theo quy hoạch, kế hoạch nhằm mục tiêu giá trị gia tăng cao và hiệu quả bền vững. Đồng chí Nguyễn Minh Tuấn - TUV, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020- 2025, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 đối với lĩnh vực phát triển nông, lâm nghiệp - thủy sản đảm bảo phù hợp với chủ trương, định hướng của Trung ương, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm tiếp tục khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương, phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần xây dựng Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Theo đó, cần chú trọng xây dựng và giữ vững thương hiệu các sản phẩm cây con đặc sản của vùng Đất Tổ như: Chè, bưởi Đoan Hùng, hồng Gia Thanh, hồng Hạc Trì, gà nhiều cựa, gà đồi Phú Thọ, nếp Gà Gáy, măng gầy, khoai tầng vàng, chuối phấn vàng… phát triển quy mô hàng hóa đủ lớn để đảm bảo đủ lượng cung phục vụ phát triển du lịch của địa phương và mở rộng thị trường ra bên ngoài. Tổ chức lại sản xuất cho các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý... gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị kinh tế cho các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh.
Nhóm PV
Tin liên quan:
Xây dựng thương hiệu nông sản để phát triển nông nghiệp bền vững
Xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, “chắp cánh” cho các nông sản vươn xa ra tỉnh bạn với các điều kiện cần và đủ về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm. Những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, hỗ trợ các HTX, người dân xây dựng nhãn hiệu, tạo tiền đề để xây dựng thương hiệu, tạo tính bền vững lâu dài cho sản phẩm gắn với thế mạnh của từng vùng, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.