Xây dựng thương hiệu sản phẩm bò, heo một nắng Phú Thiện

Tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào tại địa phương, chị Trần Thị Thu (tổ dân phố 3, thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã chế biến sản phẩm bò một nắng, heo một nắng góp phần đa dạng sản phẩm đặc trưng của địa phương và tăng thu nhập cho gia đình.

Hiện chị Thu đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký chương trình OCOP năm 2025 để quảng bá sản phẩm tới thực khách gần xa.

 Bằng tình yêu với ẩm thực truyền thống, chị Thu chế biến sản phẩm bò một nắng, heo một nắng để giới thiệu đến với thực khách gần xa. Ảnh: Vũ Chi

Bằng tình yêu với ẩm thực truyền thống, chị Thu chế biến sản phẩm bò một nắng, heo một nắng để giới thiệu đến với thực khách gần xa. Ảnh: Vũ Chi

Khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa

Đam mê nấu ăn song phải đến cuối năm 2024, chị Thu mới nhận ra tình yêu với ẩm thực truyền thống trong con người mình qua từng lát thịt phơi nắng. Chị Thu cho hay: So với “thủ phủ” bò một nắng Krông Pa, huyện Phú Thiện cũng có đầy đủ các yếu tố để có thể chế biến các món ẩm thực một nắng. Thời tiết ở huyện nắng nóng quanh năm với nền nhiệt cao. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu bò cỏ tại địa phương khá lớn, người dân vẫn giữ thói quen chăn thả nên bò săn chắc, chất lượng thịt thơm, ngon.

Nghĩ là làm, chị bắt tay vào chế biến bò một nắng, heo một nắng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Không hài lòng với công thức có sẵn, chị lặn lội xuống tận buôn, làng học hỏi cách tẩm ướp truyền thống của người dân địa phương kết hợp tìm hiểu trên mạng internet để tạo nên sản phẩm mang hương vị đặc trưng của quê hương Vua Lửa nhưng phù hợp với khẩu vị khách hàng hiện đại.

Theo chị Thu, để làm ra sản phẩm bò một nắng phải trải qua rất nhiều công đoạn, trong đó khâu chọn nguyên liệu và tẩm ướp giữ vai trò quan trọng. Thịt bò chỉ chọn phần thịt đùi và bắp của con bò cỏ và lấy vào sáng sớm khi vừa xẻ thịt xong để đảm bảo độ tươi, ngon. Sau khi rửa sạch với nước muối loãng, chị cắt thịt bò thành từng lát mỏng và ướp gia vị gồm: muối, ớt, xả, tỏi, gừng, bột ngọt, hạt nêm rồi đem phơi nắng. Thông thường, thời gian tốt nhất để phơi thịt bò là từ 9 giờ đến 16 giờ mỗi ngày. Khi thịt nguội sẽ được đóng bì, hút chân không và bảo quản trong ngăn đông tủ lạnh. Khi ăn chỉ cần đem nướng sơ cho dậy mùi thơm là có thể thưởng thức.

 Với sự kết hợp khéo léo, sản phẩm heo một nắng mang hương vị đặc trưng của quê hương Vua Lửa nhưng phù hợp với khẩu vị khách hàng hiện đại. Ảnh: Vũ Chi

Với sự kết hợp khéo léo, sản phẩm heo một nắng mang hương vị đặc trưng của quê hương Vua Lửa nhưng phù hợp với khẩu vị khách hàng hiện đại. Ảnh: Vũ Chi

Cũng tỉ mỉ từ khâu chọn nguyên liệu đến tẩm ướp giống như sản phẩm bò một nắng, heo một nắng được chị Thu chọn từ phần thịt ba chỉ của heo sọc dưa. Khi tẩm ướp, chị cho thêm dầu mè và ngũ vị hương để tăng hương vị. “Bình quân 10kg thịt bò tươi chế biến được 6kg thịt bò một nắng, 10kg thịt heo chế biến được 7kg heo một nắng. Hiện tại, với giá bán 500.000 đồng/kg bò một nắng và 250.000 đồng/kg heo một nắng, mỗi tháng cơ sở cung cấp cho thị trường gần 100kg bò một nắng và heo một nắng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình”-chị Thu chia sẻ.

Món ăn không thể thiếu muối chấm đi kèm. Để tăng thêm hương vị cho sản phẩm bò một nắng và heo một nắng, chị Thu tặng kèm thêm mỗi sản phẩm 1 hũ muối kiến vàng. Đây là thức chấm làm say lòng người bởi vừa có vị mặn của muối, vị chua của kiến vàng và vị cay nồng của ớt quện với hương sả dịu nhẹ. Đặc biệt khi kết hợp với các sản phẩm bò, heo một nắng tạo nên món ăn khó cưỡng với tất cả những ai một lần nếm thử.

Xây dựng thương hiệu

Chị Thu cho rằng, bò một nắng và heo một nắng không chỉ là món ăn đơn thuần mà còn thể hiện văn hóa ẩm thực của người dân Tây Nguyên. Vì vậy, chất lượng sản phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Quy trình chế biến, đóng gói được tuân thủ nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

 Sản phẩm bò một nắng, heo một nắng được giới thiệu, trưng bày tại hội chợ nông sản an toàn huyện Phú Thiện năm 2025. Ảnh: Vũ Chi

Sản phẩm bò một nắng, heo một nắng được giới thiệu, trưng bày tại hội chợ nông sản an toàn huyện Phú Thiện năm 2025. Ảnh: Vũ Chi

Hiện chị đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký chứng nhận OCOP cho sản phẩm bò một nắng, heo một nắng để khẳng định thương hiệu trên thị trường cũng như quảng bá sản phẩm tới thực khách gần xa qua hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên cả nước, đặc biệt là giới thiệu tới khách tham quan, du lịch tới địa phương.

Cùng với công việc kinh doanh, là Phó Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú huyện, chị Thu đang ấp ủ dự định sẽ giới thiệu quy trình làm bò, heo một nắng, cách bảo quản, kỹ năng quảng bá sản phẩm cho học sinh trong các chương trình hướng nghiệp do nhà trường tổ chức.

“Với tôi, ẩm thực là một phần của văn hóa và bò, heo một nắng là cách để kể câu chuyện vùng đất. Vì vậy, trên cơ sở đưa sản phẩm vào chương trình hướng nghiệp của học sinh, tôi muốn các em không chỉ học chữ mà còn học cách tạo ra giá trị từ chính tài nguyên bản địa, từ những món ẩm thực truyền thống của dân tộc mình”-chị Thu bày tỏ.

Là khách hàng thường xuyên của cơ sở, chị Nguyễn Thị Hòe (thị trấn Phú Thiện) cho hay: “Hiện không khó để tìm thấy cơ sở sản xuất bò một nắng. Tuy nhiên, tôi thấy sản phẩm bò một nắng của chị Thu mang hương vị đặc trưng riêng. Vì được sản xuất thủ công theo quy trình khép kín nên sản phẩm bò, heo một nắng đều giữ nguyên được hương vị tự nhiên nên quyến rũ người thưởng thức. Không chỉ làm món ăn trong gia đình, thiết đãi bạn bè, tôi thường xuyên đặt hàng tại cơ sở để làm quà biếu người thân, bạn bè ở xa”.

Clip: Vũ Chi

Ông Phạm Văn Quyến-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Phú Thiện-thông tin: Những năm qua, chương trình OCOP trên địa bàn huyện phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Bên cạnh các sản phẩm đã có thương hiệu lâu năm như gạo, yến sào, huyện có thêm nhiều sản phẩm đặc trưng tham gia chương trình OCOP như dược liệu sấy khô, sữa chua, bò một nắng, heo một nắng. Trong đó, sản phẩm bò, heo một nắng Phú Mộc Thạch của gia đình chị Thu là sản phẩm đầu tiên của huyện tham gia chương trình này.

Lấy chất lượng đặt lên hàng đầu, tỉ mỉ từ khâu chọn nguyên liệu, tẩm ướp, phơi nắng đến chế biến gia vị chấm kèm theo, sản phẩm đang dần chinh phục được thị trường. Cùng với hỗ trợ chủ thể hoàn thiện hồ sơ tham gia chương trình OCOP, thời gian tới, địa phương tiếp tục hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, phiên chợ nông sản do các cấp tổ chức để đặc sản địa phương có cơ hội vươn xa trên thị trường.

VŨ CHI

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/xay-dung-thuong-hieu-san-pham-bo-heo-mot-nang-phu-thien-post321265.html