Xây dựng thương hiệu sản phẩm mạnh trong nước

Phát triển chương trình OCOP trên cơ sở khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, góp phần nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn... Từ đó, xây dựng sản phẩm OCOP của tỉnh trở thành thương hiệu mạnh trong nước.

Đích đến năm 2025

Công nghệ sấy lạnh trà hoa vàng của HTX Chế biến và Tiêu thụ nông sản Tiên Yên.

Công nghệ sấy lạnh trà hoa vàng của HTX Chế biến và Tiêu thụ nông sản Tiên Yên.

Mục tiêu chương trình OCOP của tỉnh đến năm 2025: Phấn đấu thêm ít nhất 250 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, 8-10 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia; lựa chọn ít nhất 60% số sản phẩm đạt sao để cung cấp, ưu tiên phát triển sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu, dịch vụ, du lịch nông thôn; ít nhất có 40% chủ thể OCOP là HTX, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa; 100% sản phẩm được dán tem điện tử hoặc có mã số mã vạch truy xuất nguồn gốc; 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, gắn với vùng nguyên liệu ổn định; 100% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại; phát triển ít nhất 50 dự án, sản phẩm chủ lực theo hướng liên kết trong sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị; thiết kế 3-5 giỏ sản phẩm đặc trưng làm quà biếu, tặng, quảng bá hình ảnh thương hiệu OCOP Quảng Ninh...

Sản phẩm trứng vịt biển Đồng Rui được xếp hạng 4 sao.

Sản phẩm trứng vịt biển Đồng Rui được xếp hạng 4 sao.

Một trong những giải pháp tỉnh ưu tiên hàng đầu là nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành chương trình và thực hiện chu trình thường niên. Trong đó, kiện toàn bộ máy quản lý điều hành chương trình các cấp; xây dựng quy chế làm việc của cơ quan quản lý điều hành đảm bảo hiệu quả hoạt động; rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm và tổ chức; tăng cường truyền thông, quảng bá hình ảnh, thương hiệu chương trình; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá cơ sở sản xuất, sản phẩm về chất lượng, vệ sinh ATTP, bảo vệ môi trường... Đặc biệt, tỉnh sẽ ban hành chu trình OCOP thường niên phù hợp với giai đoạn mới gồm 6 bước: Thông tin, tuyên truyền; đăng ký ý tưởng sản phẩm; lập phương án, dự án sản xuất kinh doanh; triển khai phương án, dự án sản xuất kinh doanh; đánh giá, phân hạng sản phẩm; xúc tiến thương mại.

Sản xuất là cốt lõi

Người dân xã Dương Huy (TP Cẩm Phả) thu hoạch mật ong.

Người dân xã Dương Huy (TP Cẩm Phả) thu hoạch mật ong.

Phát triển sản xuất tiếp tục là nền tảng quan trọng thực hiện mục tiêu của chương trình OCOP giai đoạn hiện nay. Tỉnh sẽ tập trung tổ chức sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu. Trong đó, đánh giá hiện trạng các vùng nguyên liệu của một số sản phẩm OCOP có lợi thế; ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng nhằm phục vụ phát triển vùng nguyên liệu; xây dựng mã số vùng trồng, sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái...

Trong giai đoạn này, tỉnh cũng chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu; nâng cấp các tiêu chí sản phẩm 3-4 sao có tiềm năng nâng hạng sao; chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn, phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị; tăng cường áp dụng chuyển đổi số trong tổ chức đánh giá và quản lý hồ sơ sản phẩm...

Tỉnh sẽ thử nghiệm và từng bước nhân rộng mô hình điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP dựa vào liên kết cộng đồng giữa những người sản xuất và chủ thể quản lý các điểm bán hàng; hình thành tuyến phố đi bộ OCOP; xây dựng các trung tâm giới thiệu đồng bộ, hiện đại, ứng dụng CNTT gắn với khu du lịch trọng điểm của tỉnh.

Người dân khu Khe Coóc (thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu) thu hoạch hoa hồi

Người dân khu Khe Coóc (thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu) thu hoạch hoa hồi

Tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số trong truyền thông, xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP, kết nối hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về chương trình. Đồng thời thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp...

Nhằm nâng cao đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, thúc đẩy xây dựng NTM, tỉnh sẽ triển khai một số mô hình nhằm khai thác thế mạnh của sản phẩm OCOP theo hình thức liên kết chuỗi giá trị gắn với phát triển kinh tế các xã miền núi, hải đảo, xã đặc biệt khó khăn, như: Phát triển liên kết chuỗi sản phẩm ba kích và các sản phẩm từ ba kích, phát triển liên kết chuỗi sản phẩm miến dong và sản phẩm từ miến dong, chuyển đổi số chương trình OCOP tỉnh đến năm 2025, phát triển sản phẩm COOP đặc trưng của tỉnh làm quà tặng, xây dựng trung tâm thiết kế sáng tạo và phát triển sản phẩm OCOP cấp vùng tại Quảng Ninh...

Trên cơ sở đó, các địa phương chủ động định hướng phát triển chương trình OCOP với giải pháp cụ thể phù hợp với thực tiễn trong giai đoạn mới. Như huyện Hải Hà sẽ tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, du lịch nông thôn, góp phần phát triển kinh tế địa phương theo hướng gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện hiệu quả tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất; duy trì, nâng hạng, phát triển tiêu chuẩn hóa 19 sản phẩm OCOP, phát triển mới ít nhất 11 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh trở lên, duy trì hoạt động 3 HTX và phát triển 2 HTX có sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình; xây dựng 1 quy trình gồm hệ thống biểu mẫu, cơ sở dữ liệu, phần mềm và triển khai truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm OCOP của huyện.

Chương trình OCOP của tỉnh sẽ thực sự trở thành trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn đến năm 2025.

Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Công ty TNHH chè Hằng Nga (TP Hạ Long): “OCOP nâng tầm thương hiệu sản phẩm”

Tham gia chương trình OCOP, doanh nghiệp được hưởng nhiều thuận lợi, được quảng bá sản phẩm, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường khách hàng hiệu quả hơn. Để chất lượng của các sản phẩm được duy trì tốt nhất, chúng tôi luôn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống máy móc, như thiết bị đóng gói chè tự động, máy in bao bì theo dây chuyền tự động... Công ty đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn về phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn, được Sở NN&PTNT kiểm tra, xếp loại A. Các sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi trong tỉnh; có 7 sản phẩm tham gia chu trình OCOP, trong đó 4 sản phẩm được xếp hạng 3 sao là kẹo lạc, kẹo lạc vừng, kẹo dồi, chè thanh nhiệt. Các sản phẩm của Công ty đều nhận được sự ủng hộ của khách hàng, tăng uy tín và giá trị thương hiệu sản phẩm.

Ông Trần Sỹ Dũng, Chủ cơ sở sản xuất chè Dũng Nga (huyện Hải Hà): “Ứng dụng chuyển đổi số trong tiêu thụ sản phẩm”

Trước đây khi dịch bệnh Covid-19 diễn biễn phức tạp, các thông tin, hình ảnh, video clip về quá trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến sản phẩm tại cơ sở vẫn được đăng tải, nhằm duy trì bộ nhận diện thương hiệu, tăng sức cạnh tranh và tìm kiếm được khách hàng. Cách làm này vẫn được chúng tôi duy trì đến nay, bởi phù hợp với thói quen tiêu dùng của người dân. Khách hàng quan tâm đến thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ưa chuộng những mặt hàng sạch, tốt cho sức khỏe, mẫu mã phong phú... Những thông tin này có thể cung cấp rất đầy đủ, nhanh chóng bằng các giải pháp số hóa.

Bà Vũ Thị Thu Hương, Giám đốc HTX Sản xuất nông lâm ngư nghiệp TMDV tổng hợp Đức Hậu (TX Quảng Yên): “Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm”

HTX tham gia chương trình OCOP với 2 sản phẩm chính là nem chua và nem nắm Đức Hậu. Để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường như hiện nay, HTX đảm bảo cung cấp các sản phẩm đạt chất lượng, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Muốn sản phẩm phát triển tiêu chí ATTP phải đặt lên hàng đầu. Các sản phẩm nem đều đảm bảo nguyên tắc “3 không” (không hàn the, không chất bảo quản, không chất tạo màu thực phẩm công nghiệp). Đến nay, các sản phẩm của HTX đã được bảo hộ nhãn hiệu, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, vệ sinh ATTP, có bao bì, nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Giám đốc Trung tâm OCOP Central Hạ Long: “OCOP tạo đà cho du lịch phát triển”

Nhằm nâng tầm, phát triển các sản phẩm OCOP Quảng Ninh, chúng tôi đã ký kết với các công ty lữ hành trong nước. Hoạt động kết nối sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch không những đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, mà còn khuyến khích các cơ sở OCOP tích cực đầu tư, nâng cao chất lượng, tạo dựng thương hiệu sản phẩm, từ đó nâng cao số lượng, giá trị sản phẩm tiêu thụ và thu nhập của người dân. Các gian hàng trưng bày tại Trung tâm tạo nhiều chọn lựa cho du khách đến Quảng Ninh. Sản phẩm OCOP đã giải bài toán về quà tặng du lịch mang tính đặc trưng của địa phương, làm phong phú thêm chương trình du lịch, các sản phẩm OCOP có thêm thị phần.

Cao Quỳnh - Vân Anh (Báo Quảng Ninh)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/145733/xay-dung-thuong-hieu-san-pham-manh-trong-nuoc